Môi giới tạo khan hàng ảo gây nhiễu loạn thị trường BĐS
Chiêu trò phổ biến nhất hiện nay mà nhiều môi giới thực hiện là việc tạo khan hàng ảo, từ đó đẩy giá nhà, đặc biệt là chung cư lên cao phi lý. Cách thức như sau: Môi giới sẽ gọi điện cho một số chủ nhà đề nghị mua lại chung cư mà họ đang sở hữu với giá rất cao. Một chủ nhà có thể nhận được nhiều cuộc gọi từ những môi giới khác nhau với nội dung tương tự. Từ đó, nhiều chủ nhà sẽ thấy rằng căn hộ của mình ngày càng có giá trị cao trên thị trường. Đến khi một số người đồng ý bán lại căn hộ thì không có ai đến đặt cọc. Thậm chí gọi lại cho môi giới cũng sẽ không thể liên lạc được.
GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Người ta chứng minh thiếu cung bằng cách gọi điện khắp nơi, xem nhà đó có cho thuê hay bán không. Tôi một ngày nhận được mười cuộc điện thoại. Cứ nghe đến như vậy là tôi tắt máy và block số điện thoại đó. Đấy là một hình thức chúng ta nhận thấy rất rõ hiện nay. Một luồng dư luận đang chứng minh hiện nay đang rất thiếu cung”.
Đồn thổi thiếu nguồn cung đang là một chiêu trò để đẩy giá nhà, đất, dù thực tế hàng tồn kho còn rất nhiều. Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến quý III năm 2024, cả nước còn tồn kho 4.688 căn chung cư, 12.250 nhà ở riêng lẻ và gần 9.000 đất nền.
Lượng nhà, đất tồn kho tăng tới 150,6% so với quý II chứng minh rằng thị trường hoàn toàn không khan hiếm nguồn hàng. Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại là nguồn cung phân khúc cao cấp chiếm đại đa số. Thị trường hầu như vắng bóng sản phẩm bình dân. Lợi dụng điểm này, nhiều môi giới đã đánh tráo khái niệm, đưa thông tin gây nhiễu loạn. Giá ảo, giao dịch cũng ảo đang là thực tế cho thấy sự thiếu lành mạnh của thị trường.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay: “Tình trạng đầu cơ đẩy giá đất lên cao, việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”.
Thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” là giải pháp đang được Bộ Xây dựng đưa ra. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các đối tượng gây nhiễu loạn thị trường, cần phải có các giải pháp cụ thể thông qua công cụ pháp lý. Có như vậy mới đủ sức răn đe.
Trong tháng 11, 77 lô đất tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội) sẽ được đem ra đấu giá. Giá khởi điểm tiếp tục được áp ở mức rất thấp là 5,3 triệu đồng/m² ở huyện Thanh Oai và 7,3 triệu đồng/m² ở huyện Hoài Đức.
Khi thị trường bất động sản bị "rơi vào trạng thái hư hư thực thực” - như nhận định của đại biểu Quốc hội, thì việc định giá chính xác sản phẩm nhà, đất trở nên rất khó khăn. Chung cư tái định cư có tuổi đời chục năm và đã xuống cấp hiện được rao bán tới 60 - 70 triệu đồng/m².
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng tiếp tục ghi nhận sự tăng giá bất động sản tại một số địa phương, nhất là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính do đầu cơ “thổi giá”.
“Nhiều khó khăn đến từ các hành vi gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Các hành vi đó có thể xuất phát từ một vài cá nhân hoặc lợi ích nhóm khiến rơi vào trạng thái hư hư thực thực, khó định giá” là nhận định của Đại biểu Quốc hội khi đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua.
Vấn đề đánh thuế với bất động sản đã được Bộ Xây dựng tiếp tục đặt ra. Nhưng đề xuất này chỉ áp dụng với nhà - đất thứ 2 và nhà - đất bỏ hoang, không sử dụng, vào thời điểm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các chuyên gia chung quan điểm: Thị trường bất động sản phía Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư, trong đó nổi lên phân khúc nhà ở thương mại tại thành phố Bình Dương.
0