Mong con suốt đời không phải nói 'giá như'

Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cha dành cho các con không gì có thể đong đếm được. Dù biết là vậy, nhưng vẫn có nhiều người trong chúng ta, mãi cho đến khi không còn cha mẹ, mới chợt giật mình xót xa, tiếc nuối…

Bố thấy thật áy náy nếu không viết cho con. Khi bố viết những dòng này, bố biết là con đang thức.

Ảnh minh hoạ: Hoavouu.

Bố không thể thờ ơ được nữa sau những tiếng quát con của mẹ đêm qua. Lúc đó đâu gần 3h sáng. Bố biết mẹ con buồn. Buồn vì bố không chịu dạy con, buồn vì tự trách mình, vì bất lực, vì nghĩ con coi như bỏ.

Mẹ con không ngủ được. Hết trở bên này lại trở bên kia.

Nói thật, bố đã quá quen với sự cằn nhằn của mẹ, nên bố gần như lãnh cảm.

Nhưng con ơi, đêm qua bố đã nhận ra mình tệ thế nào. Và bố cũng hốt hoảng sợ hãi mà giật mình con có còn là con không nữa?

Con là một cô bé ưu tú, bố nghĩ vậy. Suốt bao năm, con chinh chiến với giải nọ giải kia và hầu như đều đoạt giải cao nên bố rất hài lòng. Cơ bản là con ngoan, thông minh, hiếu học nên bố rất yên tâm. Con tự giác, bố mẹ chưa bao giờ phải ngó đến bài vở của con hay phải nhắc một câu học đi con bao giờ.

Nhưng đó là chuyện cũ.

Mọi chuyện đổi thay khi con có chiếc điện thoại trong tay.

Ảnh minh hoạ: Vietnamnet.

Mà không! Con đã âm thầm đổi thay ngay từ trước đó: khi con đỗ vào chuyên.

Con "xõa" sau những ngày tháng ôn thi miệt mài. Mẹ có nhắc con: "Vào chuyên chỉ là khởi đầu, còn cả chặng đường chông gai phía trước". Nhưng bố vội gạt đi: "Con nó vừa ôn thi vất vả, chơi chút đã làm sao!".

Rồi hè khép lại. Bố vui lắm, chỉ có mẹ thở dài. Con bắt đầu một hành trình mới, xa nhà từ đây. Bố đã không ngủ được vì thương và lo cho con. Cánh chim nhỏ của bố bắt đầu sải cánh.

Ảnh minh hoạ: doanhnhanplus.

Ngày đầu tiên bố chở con đi. Vali lỉnh kỉnh. Bố đến dọn phòng cho con mà hồi hộp. Rồi bố chợt nghĩ, không biết khi con rời bố mẹ, về làm dâu nhà người, cảm giác bố lúc đó sẽ ra sao.

Bố quay xe trở về, quay mặt đi không muốn con thấy mình đang khóc. Nhưng con lại muốn được về theo. Con không muốn ở lại, dù phòng có ba bạn con đã quen trước đó. Con gái bố là thế đấy, to xác, nhăn nhở mà đâu dễ xa gia đình được. Về đến nhà, con lại tíu tít với các em.

Nhưng vì con học xa nhà, bố mẹ đã nảy lửa với nhau vì chuyện mua điện thoại cho con. Mẹ muốn mua điện thoại dành cho người già, còn bố muốn mua cho con chiếc điện thoại xịn sò một chút. Bố nghĩ con phải học tập, chụp ảnh, rồi còn thể diện với bạn bè. Con làm sao có thể miễn nhiễm trước một thế giới quay cuồng trong điện thoại. Bố chấp nhận buông tay con.

Nhưng con đã bị điện thoại thao túng đến từng hơi thở.

Những ngày cuối tuần trở về, bố nhận ra hình như con đã bớt nhớ nhà. Con ôm điện thoại gần như không rời.

Từ khi nào, điện thoại đã thay thế vị trí bố mẹ và gia đình của con như vậy?

Ảnh minh hoạ: Kênh14.

Con giam mình trong phòng nhiều hơn. Ăn, ngủ cùng điện thoại. Giờ giấc con đảo lộn. Một hai giờ đêm mới tắt điện. Tám, chín giờ chưa buồn dậy. Bát đũa, quần áo, ngay cả căn phòng của con cũng không dọn dẹp gọn gàng.

Mẹ con ca nọ gối ca kia, có khi chẳng kịp uống một hớp nước, rồi lại hối hả đi. Về muộn, hò hét chán, mẹ lại lụi cụi dọn dọn, lau lau, đến khuya việc vẫn ngập đầu.

Viết những dòng này, bố nhớ con từng rửa bát cho mẹ từ năm con học lớp hai. Bố mẹ đi làm về muộn, con bắc ghế lên đứng rửa bát, nước bắn tung toé ướt hết cả áo. Bát tô thì to mà tay con thì nhỏ. Con cầm lên úp không nổi, rơi xuống vỡ choang. Bố không giận mà vui lắm, bố xốc nách, nhấc bổng con lên khen con bố lớn thật rồi.

Rồi con tập cắm cơm. Bữa quên nhấn nút, bữa cho nước khô, cả nhà ngồi đợi với cái bụng đói meo mà vẫn cười hạnh phúc.

Em con ra đời. Con đỡ mẹ bế em, gấp quần áo gọn gàng, nhà cửa quét dọn sạch sẽ tinh tươm. Em vào lớp một, con bọc sách, soạn sách, bơm mực, cầm tay em viết chữ. Con tắm cho em, chở em đi học. Mẹ bận chăm em út, nhưng thấy thật vui vì con đã sẻ chia với mẹ biết bao điều.

Ảnh minh hoạ: Bách hoá xanh.

Con biết không? Mẹ từng cũng bận chăm con như thế đấy. Con sinh vào mùa đông, mưa dầm dề, tã chẳng kịp khô. Mẹ vừa bế con, vừa hong tã trên bếp tổ ong, cái tã cháy sém vì không lật kịp.

Xưa con kén ăn, có buổi sáng mẹ phải loay hoay nấu cho con tới bốn xoong bột rồi mới lọc cọc đạp xe đi làm. Suốt ngày, mẹ tỉ mẩn làm cá, cua, tôm, ếch đổi vị cho con. Mẹ chỉ mong đổi lấy lưng bát bột và con không quầy quậy lắc đầu.

Lớn lên chút, con mọc răng, hay ốm, mẹ phải thức chong chong. Lắm đêm khuya, mỏi quá đành đặt con lên võng, vừa đu vừa nhắm mắt. Con sốt cao, gào khóc, mẹ lại cuống quýt bế lên, rong con khắp ba gian nhà.

Ảnh minh hoạ: Nestle.

Lớn lên chút nữa, con càng bám mẹ hơn. Mẹ con lọ mọ việc nhà, mười giờ mới ngồi vào bàn mở sách soạn bài. Con bắt mẹ đi ngủ, cầm bút gạch nhoe nhoét vào trang giáo án. Mẹ lại lên giường ôm và ru con ngủ, xong xuôi trở dậy soạn bài đến ba bốn giờ sáng. Năm ấy, mẹ con đang ôn luyện cho học trò lớp mười hai.

Bố nhớ nhất lần mẹ bị phân công thao giảng cụm các trường cấp 3. Con khiến mẹ tả tơi cả mấy đêm hôm trước vì những trận sốt 39, 40 độ. Nhưng sáng hôm sau, mẹ con vẫn lên lớp, vẫn giảng xuất sắc bài Đàn ghi ta của Lorca dù ruột gan như có lửa. Giảng xong, mẹ lại vội vã đạp xe về với con, không kịp nghe cả những lời khen.

Ảnh minh hoạ: VOV2.

Nhưng mẹ con giờ cũng rệu rã rồi. Hậu covid khiến mẹ yếu đi nhiều lắm.

Bố viết cho con những dòng này đúng vào Ngày của mẹ. Con biết không, hôm nay mẹ con khóc đấy. Khi mẹ đọc những lời chúc của em gái con, bố biết, mẹ con đang nhớ bà ngoại. Bà chẳng còn để mẹ con có thể làm được điều gì cho mẹ của mình.

Thế nên, bố nghĩ, mình phải viết cho con, dù muộn. Bố biết mình chưa phải là tấm gương tốt. Con của hôm nay có phần lỗi của bố rất nhiều trong đó. Nhưng bố vẫn muốn viết. Bởi, bố mong con không phải hối tiếc điều gì. Mong con gái bố suốt đời không phải nói hai tiếng giá như…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tuổi thơ, ai cũng trải qua những ngày tháng cắp sách đến trường. Đó là một hành trình dài với nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hành trình này luôn bắt đầu bằng những mùa khai trường đáng nhớ.

Một năm học mới đã bắt đầu. Mỗi một chặng đường mới luôn mang theo rất nhiều những hy vọng, niềm tin, có cả những vui mừng xen lẫn sự lo âu...

Có người kể với tôi, cô ấy may mắn có hai lần được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai lần cách nhau 25 năm, từ lúc cô còn là một đứa trẻ sinh sống ở một làng quê đồng bằng Bắc Bộ đến khi đã trưởng thành tận miền sông nước Tây Nam Bộ, cô vẫn nguyên một cảm xúc rưng rưng.

Có một mùa thu không trở lại. Có nhiều mùa thu không trở lại. Có những khoảnh khắc tưởng chừng rơi vào lãng quên, nhưng rồi lại thành chiếc neo của kỷ niệm. Nhất là khi tình cờ, ta chạm phải một tín hiệu gợi nhớ thu. Lúc đó thì cảm xúc hôm nào, hình ảnh hôm nào bỗng bừng sống lại như vừa hôm qua.

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều có một miền ký ức yêu thương không thể nào quên. Trong trái tim của một cô gái, luôn có một khu vườn xanh mát, nơi có cây khế buông những trái chín vàng xuống nền cát trắng.

Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta sẽ đi qua muôn vàn khoảnh khắc cảm xúc từ bình an, hạnh phúc, đến khổ đau, chấp nhận. Mỗi khoảnh khắc đó đều ghi dấu ấn trong ta thành trường ký ức. Có một vài khoảnh khắc sẽ được ghi lại đậm sâu hơn bằng những thước phim, những bức ảnh.