Một người qua đời mang lại ánh sáng cho hai người khác

Hiện nước ta có khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc, trong đó một nửa bị mù cả 2 mắt.

Anh Nguyễn Ngọc Quang, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hiện đang là giáo viên dạy âm nhạc, là người may mắn được ghép giác mạc từ khi mới 2 tuổi. Hơn 30 năm qua, anh Quang đã được nhìn thấy phím đàn, bản nhạc nhờ giác mạc của người hiến tặng. Điều đó đã khiến anh luôn trân trọng và biết ơn người hiến và gia đình của họ.

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW, hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, người đã thực hiện ca ghép giác mạc cho anh Nguyễn Ngọc Quang, cho biết: "Ghép giác mạc như một phép màu giúp cho người bệnh tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Ghép giác mạc có tỷ lệ thải ghép thấp và quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp và tốn kém như ghép các tạng khác. Đặc biệt, quá trình phục hồi khá nhanh, chỉ sau ghép khoảng 1 tuần người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng".

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu rất mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những người bệnh được nhận món quà ánh sáng như anh Nguyễn Ngọc Quang.

Để có thể giúp những bệnh tìm lại ánh sáng, bên cạnh tài năng của người bác sĩ thì điều quan trọng nhất là nguồn giác mạc hiến tặng.

Thiên thần nhỏ Hải An trước khi ra đi mãi mãi ở tuổi lên 7 vì căn bệnh u não, em đã đem lại ánh sáng cho hai người. Đã hơn 6 năm trôi qua, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, mẹ của Hải An, dần vơi đi phần nào nỗi đau khi thấy đôi mắt của con gái mình vẫn đang nhìn thấy ánh sáng, đang ngắm nhìn vạn vật xung quanh theo một cách đặc biệt.

Chị Thùy Dương - mẹ bé Hải An và anh Ngọc Quang.

Sau trường hợp của cháu Nguyễn Hải An, số lượng người dân hỏi về các thủ tục hiến giác mạc liên tục tăng lên. Với nhiều người, "sinh có hẹn, tử bất kỳ" nếu biết ngay cả sau khi chết vẫn có thể đem ánh sáng cho người khác thì đó là cái chết không lãng phí.

Hiện nước ta có khoảng hơn 300.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc, trong đó một nửa bị mù cả 2 mắt. Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện lần đầu tiên từ năm 1950 nhưng số lượng rải rác do nguồn giác mạc hiếm hoi.

PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW, hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu nhận định: "Mới đây, Ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt TW ra đời đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của phẫu thuật ghép giác mạc, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cần ghép giác mạc của hàng vạn người bệnh. Vì thế, cần phát triển phẫu thuật này tại nhiều trung tâm nhãn khoa khác. Ghép giác mạc tuy không cần một ekip lớn như ghép tạng nhưng lại cần sự tinh tế đặc biệt của người bác sĩ".

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đồng thời phát động đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc, GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh mà còn để lại một di sản quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa.

Buổi lễ ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đồng thời, phát động đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong những bệnh viện tiên phong được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô/giác mạc. Ngân hàng mô/giác mạc ra đời, không chỉ là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng, mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép mô, giác mạc.

Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là Chi hội có số lượng hội viên đông nhất, với 140 người. Bộ Y tế cam kết tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng và giác mạc. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội để triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan, đảm bảo đạt được hiệu quả và bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng trên mạng khiến cho thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc sắp hết hạn được bán tràn lan.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác Dân số và Phát triển của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc hồi tim không chỉ có nhân viên y tế mới có thể thực hiện mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện được, chỉ cần một chút kiến thức cơ bản.

Bệnh mạch vành đang là căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng giờ đây, phương pháp mới nong bóng phủ thuốc không chỉ đạt được mong muốn tái thông dòng chảy mà còn giải quyết được tâm lý lo ngại của bệnh nhân so với phương pháp đặt stent.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã phối hợp với các đơn vị của 35/63 tỉnh thành trên cả nước mổ nhân đạo dị tật môi, vòm miệng cho hơn 18.000 trẻ em, mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc cho các cháu nhỏ và nhiều gia đình.

Lọc máu tại tuyến huyện, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương đang là mục tiêu mà Hội Lọc máu Việt Nam hướng tới.