Mùa đông ấm nồng tình thân

Những mùa đông xưa cũ trôi đi nhẹ nhàng trong tình thương yêu của gia đình. Để sau này trưởng thành, rời xa vòng tay mẹ cha, bạn mới nhận ra vốn dĩ ở đời luôn có những nhọc nhằn, lo toan. Nhưng bạn hãy nhớ rằng mỗi khi mệt mỏi, vẫn có chốn để trở về và luôn chào đón bạn bằng tất cả yêu thương, đó chính là nhà.

Sáng nay xuống phố, gió mùa đông bắc thổi xào xạc, lật tung đám lá vàng cuộn trên hè phố, làn mưa bụi mỏng manh giăng mắc vấn vương khắp con đường. Cái rét khiến phố phường như chậm đi một nhịp, những cụ già đi bộ sớm trong công viên co người bởi cơn gió ào qua. Nàng thiếu nữ mơ màng xuống phố, vội trở về lấy chiếc khăn choàng ấm. Những em thơ trong áo bông, áo nỉ thùng thình, khó nhọc đạp xe trên con đường ngược gió để đến trường. Có cô gái mặc chiếc áo mỏng tản bộ trên phố, mong manh trong cái rét sớm mai. Đông về, bao nỗi xao xuyến, bao ký ức thuở thiếu thời lại ùa về. Hường mời bạn cùng xuôi theo dòng cảm xúc của Nguyễn Thắm, trở về một “Mùa đông ấm nồng tình thân”.

Đông của mùa xưa cũ, gió bấc tràn về cánh đồng làng khô xác đang nghỉ ngơi đợi vụ đông xuân sắp tới. Men theo con đường mòn hai bên đường cỏ đã héo úa. Chiều buông, mặt trời đi trốn nhanh hơn để lại trên nền trời những đám mây bay là là trên đầu, trời xám ngắt. Bóng mẹ liêu xiêu cần mẫn gánh từng thùng nước sông tưới luống ngô đang ngậm sữa. Trong một chiều đông mưa giăng mịt mùng, cha khoác mảnh áo tơi bì bõm lội bùn, xắn quần qua gối, mặc cái lạnh căm căm be bờ tát cá. Thành quả mang về là xô cá diếc, tôm, cua cho bữa cơm chiều bớt phần đạm bạc. Tôi chạy ra sau nhà hái chùm khế chua, cắt vài quả chuối xanh để mẹ kho cá.

Những đêm mùa đông thường dài miên man. Mới chập tối bóng đêm đã bao trùm, trong không gian tĩnh lặng nghe tiếng ếch nhái ngoài cánh đồng làng râm ran vọng lại. Nhà chỉ có chiếc chăn bông bạc phếch màu thời gian, cha mẹ nhường chúng tôi. Chập tối, mẹ rải rơm khô dưới đất làm đệm, thêm chiếc chiếu cũ để chống chọi gió lạnh. Khi gió rít từng cơn não nề, phần phật tàu lá chuối sau nhà, cha dùng những tấm cót che chắn ô cửa sổ bị hở để gió khỏi lùa vào  phòng. Những đêm mất điện, dưới ngọn đèn dầu tù mù, mẹ ngồi đan khăn len cho chị em chúng tôi. Mẹ gỡ chiếc áo len cũ, móc lại cho tôi chiếc khăn len để giữ ấm những ngày ngược gió đến trường.

Cha giọng trầm ấm kể cho chúng tôi nghe về những ngày đi bộ đội nơi chốn rừng thiêng nước độc, nơi chiến trường pháo bay đạn lạc, cha và đồng đội đã chia nhau củ sắn, đắp chung chiếc chăn mỏng mà khi hành quân ngang qua làng, người mẹ già đã tặng, chiếc chăn chiên mỏng manh, nhưng đã giúp cha và đồng đội đi qua mùa đông khắc nghiệt. Giọng cha cứ thế nhỏ lại và chúng tôi chìm vào giấc ngủ với những giấc mơ dịu ngọt.

Mỗi lúc nhớ về những ngày xưa cũ trong tôi luôn hiện về hình ảnh ấm nồng của bếp lửa ngày đông.

Nhớ se sắt những sớm tinh mơ, mẹ trở dậy thật sớm. Làn khói bếp êm ả như ru quẩn quanh vương vấn trên mái ngói thâm nâu. Mùi khoai luộc làm cái bụng đói cồn cào của tôi reo lên, tôi lập bập chạy xuống bếp, đã thấy bóng mẹ đang chập chờn trên bức tường loang. Tay mẹ thoăn thoắt bắc nồi khoai lang đặt lên chiếc kiềng ba chân. Nồi nước sôi lục bục, mẹ bắc xuống gạn cạn nước, vùi nồi khoai vào trong đám tro đang đỏ lửa. Mẹ ngước lên nhìn tôi, giọng nhỏ nhẹ hiền từ: “Nước sôi mẹ đã nấu, con gạn vào thau rửa mặt cho đỡ lạnh”. Tôi sà vào lòng mẹ, cảm nhận hơi ấm từ thân hình gầy mảnh của mẹ, tấm áo cũ ngây ngấy mùi đồng đất.

Những mùa đông xưa cũ cứ thế trôi đi nhẹ nhàng trong tình thương yêu của gia đình. Để sau này trưởng thành, rời xa vòng tay mẹ cha mới nhận ra vốn dĩ ở đời luôn có những nhọc nhằn, lo toan, nhưng ngày xưa vô lo vô nghĩ, bậc sinh thành đã thay mình gánh vác. Còn giờ, khi đóng vai là người trưởng thành, tôi phải mạnh mẽ đi qua những mùa đông của riêng mình dù phía trước là đỉnh cao hay là vực sâu. Nhưng tôi biết rằng mỗi khi tôi mệt mỏi, vẫn có chốn để trở về và luôn chào đón tôi bằng tất cả yêu thương, đó là nhà./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa lưu ly (forget me not) - một loài hoa tím nhỏ thủy chung, suốt đời ôm thương nhớ về mối tình vô vọng. Loài hoa tím ấy như tượng trưng cho một cuộc tình tàn phai rồi hồi sinh, hồi sinh rồi lại phai tàn từ kiếp này qua kiếp khác mặc cho trong đời ai nhớ ai quên.

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...