Mùa hoa thương nhớ

Người con gái, trong một chiều đứng lặng dưới gốc cây, cô bắt gặp những chùm hoa bưởi trắng như mây trời, như chiêm bao. Hương bưởi đưa cô về những mùa hoa thương nhớ.

Đó là cây bưởi sau vườn nhà cô. Cây bưởi cha trồng cho mẹ chỉ đơn giản vì mẹ thích gội đầu lá bưởi, thích mùi hương nồng nàn mỗi độ giêng hai. Mẹ nói cha trồng cây này năm mẹ về đây làm vợ, làm dâu, chỉ mấy hôm sau ngày cưới. Câu chuyện mẹ kể, cô ngỡ ngàng phút chốc rồi quên.

Ngày nhỏ, cô hay thẩn thơ dưới gốc cây nhặt những cánh bưởi trắng ngần bỏ vào chiếc túi vải xinh xinh để bên ô cửa cạnh bàn học, thỉnh thoảng lại mở túi ra, nhắm mắt hít hà.

Ảnh minh họa

Tuổi trăng tròn. Lần đầu tiên trong đời, cô thổn thức khi cậu bạn cuối xóm tặng chùm hoa bưởi đúng hôm cô trở lại trường tỉnh học. Chùm hoa trắng ngần lặng lẽ tỏa hương được gói vụng về trong tờ giấy trắng để trong giỏ xe tự lúc nào, với dòng viết vội: “Tặng bạn, mình hái trộm mẹ đó!”. Cô mỉm cười, trong lòng nở hoa.

Lên đại học. Mùa hoa bưởi đầu tiên xa nhà, cô đã không còn xao xuyến nữa. Mười một bức thư cô gửi đi mà chàng trai năm ấy chẳng trả lời. Đó là mùa xuân đầu tiên trong đời cô không còn thấy hương bưởi níu chân mình về với tháng ba. Tháng ba xưa cứ thế mà xa mãi.

Cô lấy chồng xa. Một ngày cuối tuần, cô trở về đúng độ mùa xuân. Hương lá bưởi  ngào ngạt quyện hương bồ kết, hương nhu tỏa khắp hiên nhà. Cha gội đầu cho mẹ bên thềm. Mái tóc mẹ đã vợi đi sau bao năm tháng. Mái tóc xanh chấm gót thuở xưa hớp hồn cha buổi ban đầu đã bạc đi quá nửa, rụng rơi cùng với gió sương. Cô mỉm cười rồi thoáng chốc ngậm ngùi.

Bước vào buồng mẹ, cô sững lại giây lát khi chạm vào hương bưởi. Những bông bưởi trắng ngần cắm trong chiếc cốc thủy tinh trên ô cửa ngay đầu giường mẹ. Cô chợt hiểu, hình dung ra cảnh người đàn ông lưng đã còng, rạc gầy theo năm tháng cố với tay ngắt chùm hoa bưởi cho vợ…Cô ứa nước mắt, hạnh phúc mà xót xa. Cây bưởi sau nhà mỗi ngày một cao lên. Chỉ có tấm lưng mẹ cha là còng xuống.

Ảnh minh họa: Vietnam+

Mẹ bệnh. Thương cha vất vả, cô mang về những chai dầu gội thơm ngát nước hoa. Nhưng nó vẫn nằm nguyên ở đó. Cha cần mẫn hái lá trong vườn về, đun và gội đầu cho mẹ. Cô hiểu cha đang cố níu những ký ức thanh xuân của mẹ, những sợi tóc xanh ngát mùi hương bưởi đã khiến trái tim chàng trai tuổi hai mươi thổn thức.

Một lần về quê, sắp quần áo cho mẹ vào bệnh viện, cô thấy trong tủ đồ của mẹ một chiếc hộp gỗ đỏ như son mà mẹ vẫn thường cất những thứ quý giá. Tò mò, cô rối rít mở ra. Bên cạnh những lá thư tình của cha, những tấm thiệp cha gửi về từ Liên Xô khi ông du học, bất chợt cô nhìn thấy cả một cuộn tóc dài nằm gọn gàng, sợi đen sợi bạc đan nhau. Cô sững lại. Bàng hoàng. Giờ thì cô đã hiểu. Cha đã âm thầm nhặt từng sợi tóc bấy lâu của mẹ, gom lại, và cất vào đây. Có phải cha tiếc nhớ, muốn níu lại ngày xưa hay vì cha sợ mẹ muộn phiền, khi mái tóc dài ngày xưa của mẹ đã không còn nữa?

Và sợi tóc cuối cùng trên đầu mẹ cũng rơi xuống. Cô mua cho mẹ chiếc mũ vải để mẹ đội, ôm lấy mẹ rồi giơ điện thoại ra soi: “Mẹ đội chiếc mũ này xinh lắm!”. Mẹ cười mà nước mắt dâng lên. Cô hiểu điều cả nhà cố giấu mẹ bấy lâu đã chẳng thể giấu được nữa.

Cha vẫn ngồi bên giường mẹ, tay khẽ chà những vỏ bưởi vàng ươm lên mái đầu đã chẳng còn lấy một sợi thương sợi nhớ. Cô ứa nước mắt, định ngăn cha lại mà không thể mở lời. Ông vẫn làm việc đó như một thói quen cố hữu, cần mẫn, miệt mài. Cô chỉ biết nhìn cha nhói buốt.

Ảnh minh họa

Chỉ độ vài tháng sau, những sợi đen, sợi trắng đã mọc ra trên mái đầu trống trơn của mẹ. Chúng cứ dài thêm trong sự ngỡ ngàng của anh em cô, trong niềm hạnh phúc không sao giấu nổi của cha. Cô hiểu cha vui đến nhường nào, cô tưởng tượng ra cảnh người đàn ông trầm mặc gom nhặt từng sợi tóc rơi trên gối, trên sàn nhà, ngoài bậu cửa. Cha đã cẩn thận cột lại, chải nó mượt mà mỗi ngày trước khi cuộn gọn gàng trong hộp gỗ - Chiếc hộp cha tặng riêng cho mẹ trước khi sang Liên Xô học, đựng những kỉ vật thiêng liêng của hai người.

Tháng ba, hoa bưởi vẫn đưa hương ngạt ngào nơi đầu giường mẹ, thầm thì bên gối, bên chiếc cốc thủy tinh trong suốt tựa pha lê. Cô nhắm mắt hít căng lồng ngực mình, thắt lòng nghĩ đến những mùa sau.

Dương Châu Giang

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.