Mùa lá bay

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Thời gian thì tuần hoàn, đời người thì hữu hạn. Đời lá cũng ngắn ngủi lắm thay. Xuân đến chồi non nhú mình. Những chiếc lá xanh non rạng rỡ đón nắng. Để rồi mỗi mùa qua chiếc lá lại thẫm dần, chuyển màu như tóc người đến tuổi sẽ chẳng còn xanh.

Hà Nội lạ lắm. Hà Nội không phải chỉ có một mùa cây thay lá. Mỗi cây mỗi tính nên Hà Nội có nhiều tháng ngày rợp lá vàng bay. Nhưng mùa đông rất khác, mùa đông luôn mang đến cho con người những cảm xúc bâng khuâng khi chứng kiến sự tàn phai của một kiếp lá. Mùa đông bầu trời xám xịt dù có nắng lên vẫn hanh hao, lòng người vì thế mà suy tư theo màu trời, suy tư theo cơn gió se lạnh thổi qua, suy tư theo chiếc lá buông mình chạm đất. Lá phượng thì úa vàng. Cây bàng chuyển cam, qua đỏ thẫm rồi rớt xuống lúc nào không hay. Giáng hương cũng dần trút lá. Xen kẽ giữa đám lá xanh rì lộc vừng cũng khe khẽ đổi màu. Trong Công viên Bách Thảo, cây bao báp cô độc vươn mình lên trời, trơ những cành khẳng khiu tự lúc nào.

Màu xanh non buổi sớm mai hôm nào dần thay bằng những cành khẳng khiu gầy guộc. Sự mỡ màng của những lớp rêu hôm nào trên thân cây giờ là những rãnh sâu, những lớp vỏ bong tróc như con người đến một thời điểm da sẽ chẳng còn mịn màng, thay vào đó là những nếp nhăn. Có gì đáng tiếc trong lòng không khi tuổi xuân không còn nữa? Có gì đáng tiếc trong lòng không khi ngày tháng chẳng còn dài rộng, mà những kế hoạch, dự định còn đầy ăm ắp? Có gì đáng tiếc trong lòng không khi ta chẳng thể níu kéo thời gian?

Mùa đông rồi! Người ta bắt đầu đếm lùi những ngày còn lại của một năm.

Dưới những gốc cây, xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Ảnh minh họa.

Chẳng thể biết chắc được do những cơn mưa lá phượng điểm vàng khoảng không trước mặt, hay vì những chiếc lá xoay xoay trên không trung nhẹ nhàng chạm đất khiến tâm tư xao động. Hay vì bà cụ còng lưng ngày nào bán những gói hoa nhài thơm phức trên phố Đội Cấn bỗng nhỏ bé hơn trong chiều đông. Mùa này trong thúng hàng của cụ chỉ còn lèo tèo vài loại rau cụ mót được trong vườn nhà. Mấy mớ tía tô, mấy mớ ngải cứu, một vài loại rau khác không có nhiều. Cụ bao nhiêu tuổi? Sao tuổi này cụ còn phải vất vả bán hàng nơi hè phố lộng gió? Biết được rằng đời người đi đến cuối sẽ là khổ đau hay sung sướng đợi chờ? Trịnh Công Sơn có khúc hát thế này:

"Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay

Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời

Tay măng trôi trên vùng tóc dài

Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này

Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may"

Nên chăng đời người cũng nên như đời lá tận hưởng mỗi thời kỳ trong cuộc đời mình. Tuổi nào cũng là tuổi đẹp nhất. Như lá dù non xanh hay vàng úa đều có vẻ đẹp thơ mộng riêng. Đừng sợ ngày lá lìa cành mà chẳng dám vươn mình đón ánh bình minh. Đừng sợ ngày lá úa màu mà cố níu giữ sắc xanh. Sống hồn nhiên như trẻ thơ. Hết mình trong tuổi trẻ và an nhiên trong tuổi già. Mai này tóc lốm đốm sợi bạc hay tóc xác xơ chẳng còn dày thì vẫn là chính mình.

Để rồi đến lúc chẳng còn màu xanh ta vẫn rạng rỡ sắc vàng rực rỡ trong những ngày đông. Để rồi khi chiếc lá phải lìa cành đó sẽ là khoảnh khắc nhẹ nhàng và an lành nhất. Nhìn ngắm trời đất, nhìn ngắm thế gian trong yên bình, thanh thản, thả trôi, thả trôi mọi điều còn vướng bận. Lá chạm đất trong một ngày đông rất khẽ.

Xuân, hạ, thu, đông đi qua vẫn chỉ là một năm bốn mùa mà thôi. Bước chậm lại nhìn sự đổi thay của đất trời. Nhìn đời lá để ngẫm đời mình. Nhìn lại cuộc đời mình, nhìn những năm tháng đã đi qua. Cuộc đời này xô bồ tất bật chỉ nằm ở tham vọng của chính chúng ta. Tâm an nhiên sẽ được an nhiên.

Ngọc Anh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.