Mưa lớn gây úng ngập, Hà Nội không thể chủ quan
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tại Đan Phượng, lượng mưa lên tới 247 mm, tại Phú Xuyên là 233 mm. Các khu vực khác của Hà Nội hầu hết đều trên 100 mm. Trận mưa lớn kèm giông lốc mạnh ở Hà Nội tối 22/8 khiến nhiều tuyến phố ngập sâu, nhiều cây to bị đổ gãy. Phần lớn cây bị bật gốc do ít rễ phụ, không còn rễ cọc, hố trồng rất nông.
Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, không đồng bộ, trong khi những trận mưa có cường suất lớn, kéo dài là nguyên nhân khiến Hà Nội cứ mưa là ngập.
Theo thiết kế, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong hai ngày. Trong khi đó, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vào tối 22/8 lên đến trên 100 mm chỉ trong vài giờ, gây ra những điểm ngập với độ sâu dao động 10 - 40 cm như đoạn phố Nguyễn Lương Bằng thuộc quận Đống Đa; dốc Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng; phố Bùi Xương Trạch ở quận Thanh Xuân; phố Nguyễn Văn Cừ ở quận Long Biên.
Cơn mưa vẫn tiếp tục kéo dài đến sáng 23/8. Tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long hướng từ trung tâm thành phố đi các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất tiếp tục bị ngập sâu. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Nhuệ, nơi hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh. Đoạn đường ngập nước chỉ kéo dài khoảng hơn 100 m nhưng lại ngập sâu, vị trí sâu nhất lên đến quá nửa bánh xe máy.
Các xe gầm cao rất khó khăn mới có thể vượt qua. Ô tô gầm thấp và xe máy thì thường bị chết máy. Vào những thời điểm mưa lớn, ngập sâu, dịch vụ kéo xe qua vùng nước ngập khá ăn khách, với giá 70 nghìn đồng/ lượt. Người dân sống quanh đây cho biết, việc tiêu úng diễn ra rất chậm, có thời điểm sau mưa lớn ba ngày nước mới rút hoàn toàn.
Cứ vào mùa mưa, tình trạng ngập úng lại hiện hữu, trở thành câu chuyện đến hẹn lại lên của Thủ đô. Người dân Hà Nội quá quen thuộc với cảnh tượng nhiều tuyến phố ngập úng, cây xanh bật gốc, gãy đổ mỗi khi mưa lớn.
Bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu xuất hiện mưa lớn bất thường với lưu lượng tăng cao còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là tốc độ bê tông hóa quá nhanh, mật độ nhà cao tầng ngày một cao, hệ thống sông hồ tự nhiên bị lấp dẫn đến thiếu diện tích để điều hòa mặt nước. Đó còn là ý thức kém của một bộ phận người dân khi thả chất thải, rác công nghiệp làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Liên quan đến việc ứng phó với ngập lụt ở Hà Nội và các đô thị Việt Nam nói chung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho hay, tại Hà Nội hạ tầng chỉ chịu đựng được mưa 50 mm trong hai tiếng, còn mưa vượt quá thì lại ngập. Nguyên nhân do các địa phương phát triển đô thị không ổn và cách thức tiêu thoát đô thị hiện nay đang có vấn đề.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý, phải có những trạm bơm chống ngập, có những trạm bơm 10 năm không hoạt động nhưng vẫn phải có. Bởi lẽ việc xây trạm bơm chỉ mất 50 tỷ đồng nhưng có thể đỡ mất cả nghìn tỷ đồng thiệt hại do ngập lụt.
Muốn giải quyết vấn đề úng ngập ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng phải có cách nhìn tổng thể về nguyên nhân và cần có nguồn lực rất lớn, kế hoạch lâu dài như dự báo về quy hoạch thích nghi với biến đổi khí hậu gây những trận mưa với lưu lượng nước lớn.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trước mắt phải có giải pháp giải quyết ngay các điểm úng ngập cục bộ với hệ thống bơm nước công nghệ mới công suất lớn đưa nước đến những nơi đã nghiên cứu trước. Về lâu dài phải điều chỉnh quy hoạch thoát nước, hoàn tất hệ thống các trạm bơm giữa nguồn và cuối nguồn.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau El Nino, hiện tượng La Nina sẽ tiếp nối với sự xuất hiện của những cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, 5-7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhiều hơn bình quân các năm từ 1-2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12. Hà Nội có thể phải tiếp tục hứng chịu nhiều trận mưa lớn.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ, sông Tích tại huyện Quốc Oai đang lên nhanh, có khả năng xuất hiện một trận lũ với biên độ lũ lên 2 - 3,5 m; đỉnh lũ có khả năng đạt mức báo động cấp I.
Các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng dân cư, diện tích sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là xã Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Quảng Bị của huyện Chương Mỹ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong hai ngày tới, miền Bắc có nơi mưa rất to vượt mốc 200 mm. Mưa lớn vẫn có thể tiếp diễn tại Hà Nội trong những ngày tới, do đó nguy cơ ngập úng đô thị và lũ trên các sông lên cao. Các chuyên gia địa chất, khí tượng thủy văn đã đưa ra những khuyến cáo ứng phó với lũ quét và sạt lở đất.
Để đảm bảo an toàn điện, người dân lưu ý không sửa chữa nguồn điện khi trời đang mưa, ngắt nhanh nguồn điện khi nước tràn vào nhà, thông báo ngay cho đơn vị điện lực khi thấy đường dây bị đứt hoặc bị rơi. Để tránh những tai nạn đáng tiếc liên quan đến cây xanh gãy ngã, người dân cần hạn chế lưu thông vào các con đường có nhiều cây xanh kích thước lớn; không trú mưa dưới gốc cây vào những lúc mưa to gió lớn.
Giữa bao món chè hiện đại, những món chè truyền thống như chè đậu đen, đậu đỏ, chè sắn nóng, bánh trôi tàu... vẫn có sức hấp dẫn riêng với nhiều người Hà Nội mỗi khi đông về.
Với 4 vòng thi bổ ích và sôi động, 'Chân trời kiến thức' là gameshow truyền hình thú vị, điểm hẹn hấp dẫn dành riêng cho học sinh THPT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Chương trình hôm nay là những phần thi nhiều bất ngờ giữa ba đội trường Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Phan Huy Chú.
Bà Nga là người khó tính và hay soi mói. Biết mình không được lòng mọi người, bà thường xuyên gây khó dễ với cặp vợ chồng Bích và Quân sống kế bên. Tuy nhiên, trong một lần hoạn nạn, khi bà gặp khó khăn, chính Bích và Quân là người đã ra tay cứu giúp. Hành động này khiến bà Nga vô cùng xấu hổ và nhận ra sự sai lầm trong cách cư xử của mình
Giáng sinh đã về đến phố phường Hà Nội; Chuyển biến cảnh quan đô thị ở quận Long Biên; Nhiều đoạn đường ven sông Tô Lịch nhếch nhác... là những nội dung chính trong bản tin hôm nay.
Chương trình nghệ thuật Dòng thời gian số 10 với chủ đề “Bản tình ca người lính” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức như một lời tri ân gửi tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 90 phút của chương trình Dòng thời gian - Bài ca đi cùng năm tháng, Bản tình ca người lính sẽ đưa khán giả đến với nhiều tác phẩm âm nhạc, cùng những câu chuyện rất hay được thể hiện xuyên suốt qua 15 tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng như: Bài ca không quên, Sông Lô chiều cuối năm, Chút thư tình người lính biển, Ngày mai anh lên đường,...Khán giả sẽ được các nghệ sĩ Ngô Đức, Dương Đức, Nam Tước, Bích Ngọc... dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc, với những giai điệu nhẹ nhàng, đằm thắm và đậm chất trữ tình.
Đầu máy kéo - đẩy, niềm tự hào của đường sắt Việt Nam; Tàu lớn nhất thế giới đẩy bằng năng lượng gió; Những mẫu xe hybrid nổi bật ra mắt Việt Nam năm 2024... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
0