Mùa Tết trong tôi

Có khi nào khi trời đất chập chùng mưa bụi. Những ngọn gió lạnh len lỏi vào xống áo, cây cỏ bỗng nảy chồi non, loang loáng sắc đào hoa xuống phố, thoang thoảng hương mùi già, bạn mới giật mình tự hỏi: Mùa Tết đã đến rồi ư?

Tản văn của Nguyễn Hùng Sơn

Lứa chúng tôi đầu hai thứ tóc, lăn lóc cuộc đời chộn rộn mưu sinh, mê mải làm ăn để lo gánh gia đình. Rồi bất chợt mùa sang, tự thấy mình hư hao nhiều, đến nỗi cái mùa Tết về mà cũng không còn nhiều háo hức. Dù đất trời cỏ cây vẫn thế, chỉ có lòng người đổi khác sang trang. Dù thế, nhìn đám trẻ con vẫn tung tăng đòi ba mẹ sắm cái này cái nọ, đi chỗ này chỗ kia, lấy lý do là “sắp đến Tết rồi”, mà bần thần nhớ, bần thần nghĩ, ừ nhỉ, chúng có khác gì mình ngày xưa đâu. Các cụ có câu “vui ba tháng hè - no ba ngày Tết”. Xưa cuộc sống khó khăn, áo mặc còn vá chằng vá đụp, quần đi học may tích kê, cơm độn ngô khoai sắn, miếng ăn cái mặc còn thiếu, ấy thế nhưng hễ đến Tết là mọi cái nghèo khó trốn đi đâu mất, mọi thứ khang trang sạch đẹp, nhà cửa gọn gàng, bếp lửa reo vui trong nồi bánh chưng xanh.

Bữa cơm cúng tất niên có bát canh măng, có khoanh giò, có thịt thà rau củ, có sự thơm thảo hiếu đễ của con cháu dành cho tiên tổ. Nhà có cành đào cây quất treo tòng teng chữ Phúc Lộc Thọ và giấy trang kim, có gói trà ngon để dành từ “trong năm” giờ mới khui ra để mời đón khách đến chơi, chúc nhau những điều may mắn. Chai rượu màu, quà lao động tiên tiến cuối năm, thắp hương cúng xong là rót ra làm vài ly cho ấm bụng.

Đêm giao thừa, bánh pháo đã sẵn sàng từ hồi nào ở giữa sân, để đúng nguyên đán tân xuân là khai hỏa, tạch tạch tạch đùng. Tiếng pháo nổ mang theo niềm tin vào năm mới sẽ xóa đi mọi nỗi buồn hay xui xẻo của năm cũ, để hòa nhập vào niềm vui của đất trời thời khắc tân niên.

Mùng một Tết, lũ chúng tôi ai cũng có một bộ quần áo mới, sạch sẽ thơm tho, tươm tất đi quanh trong xóm. Cái bãi cát đầu làng mọi hôm cũ kỹ già nua đơn điệu, nơi tụ tập chơi chung, hôm nay trông cũng mới mẻ đẹp đẽ làm sao. Cỏ non mơn mởn, sương sớm đầu cành, chúng tôi nhìn nhau, đứa nào đứa nấy đều xinh tươi khác hẳn ngày thường. Đó là vì chúng tôi đang ở trong mùa Tết, cái mùa ngất ngây mơ ước suốt cả năm. Cứ Tết vừa qua thì đã lại mong đến Tết, vì đó là cái đích đợi chờ của bao nhiêu lời hứa.

Mẹ ơi, mua cho con cái quần mới nhé? Ừ, cố gắng học tốt rồi để đến Tết mẹ mua. Lớn rồi, mặc quần tích kê đi học, cũng ngại ngùng xấu hổ, mẹ thương con mà cuộc sống thời buổi khó khăn, cũng đành chịu vậy. Có nhiều lời hứa không thành, mà sau này lớn rồi mới hiểu, nhìn con buồn phụng phịu mà lòng mẹ đau, đau lắm, nước mắt mẹ chảy mà nào con có hay. Để giờ mẹ già rồi, con nhớ chuyện xưa, sống mũi thấy cay cay, nước mắt con cũng vòng quanh chỉ còn niềm thương mẹ.

Ba ngày Tết là ba ngày được ăn no vì toàn món ngon mà ngày thường không có, được vui chơi thỏa thích, được lì xì mừng tuổi, được mẹ dẫn ra đình thắp hương cho Thành Hoàng, lên chùa lễ Phật cầu an, rồi lòng vòng đi chúc Tết họ hàng bà con trong xóm. Ai cũng hớn hở tươi vui, thường trực trên môi là những nụ cười, hình như, ai cũng muốn nâng niu từng khoảnh khắc của ba ngày Tết, vì sự quý giá của Tết. Có lẽ vì lòng người mong nhớ Tết, nên Tết lâu đến mà nhanh đi, Cảm giác giống như xem một bộ phim hay, thời gian trôi rất nhanh, vèo cái đã hết Tết. Lũ trẻ lại thẫn thờ, vừa ngồi soạn bài vở mai đi học, vừa đếm mấy đồng lì xì tính toán gửi mẹ mua gì, vừa mong làm sao nhanh đến Tết.

Mùa Tết bây giờ sau chừng ấy năm, phong vị cũng có nhiều thay đổi. Không còn tiếng pháo, mâm cơm ít đồ ăn nhiều mỡ, nhiều đạm, ít cả bánh chưng xanh. Không còn háo hức về quê để thăm thú họ hàng mà dành thời gian quý báu này cho những chuyến du lịch để xả hơi sau một năm làm lụng vất vả. Ngày Tết vẫn qua rất nhanh nhưng cái ý nghĩa hồn nhiên tươi mới của mùa Tết đã phần nào vơi rụng. Tiếc lắm, nhưng biết sao được vì cuộc sống có những quy luật rất khắc nghiệt.

Như đám trẻ con tôi chúng nào đâu có biết rằng ba mẹ chúng đã từng có một tuổi thơ với ăm ắp niềm vui trong mùa Tết, dù khi đó cuộc sống nghèo khó hơn bây giờ. Liệu có phải, khi đủ đầy về vật chất, thì lại thành thiếu hụt về tinh thần, như mùa Tết sắp về, sao lòng cứ dửng dưng? Không, nhất định không thể như vậy được. Quá khứ là lịch sử, là cái cầu nối đến hiện tại, là những giá trị văn hóa lấp lánh không thể phai mờ.

Tôi tự hứa với lòng mình, mùa Tết này, tôi sẽ đưa các con tôi về thăm quê để cho chúng được thấy lại một phần nào cái Tết xưa vẫn đâu đó thấp thoáng sau lũy tre làng vi vút, bên cánh đồng sương sớm, cạnh cái bờ đê cỏ dại có đám bò thong thả lúc hoàng hôn. Ở đó vẫn còn có mẹ tôi, tảo tần hôm sớm, vẫn đón chờ tôi trong mỏi mòn năm tháng, trong câu chuyện hỏi han vẫn luôn kết thúc bằng câu hỏi: Tết này con có về không?

Hà Nội, 20/01/2024

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đìnhh, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị,nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thành phố thức giấc bởi những âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Sự vận động của các con phố, từng ngôi nhà tạo nên nét riêng cho khu phố cổ Hà Nội.

Chuyện ở làng quê có nhiều cái lạ với một nhà văn già sống ở thành phố. Nhiều phong tục, tập quán được gìn giữ hàng bao đời nay, mà các nhà văn hóa thường gọi là bản sắc dân tộc. Nó đáng quý và gắn bó đời sống cộng đồng thành một khối gọi là làng. Các cụ xưa thường nói còn làng là còn nước phải không?

Trong mắt những người yêu Hà Nội, thì Hà Nội không phải chỉ có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà Hà Nội còn có những mùa hoa, mùa nắng, mùa mưa...và mùa lá rụng rất đẹp, lãng mạn, đầy quyến rũ.

Giật mình tỉnh giấc giữa canh khuya, có tiếng con chim cuốc văng vẳng dội vào không gian vắng lặng, lọt qua thính giác xâm chiếm tâm hồn tôi. Thanh âm da diết ấy khuấy động khiến trong tôi khắc khoải bao nỗi niềm mà không sao nối tiếp giấc mơ còn dang dở.

Vậy là tháng tư đã về. Vào một ngày tháng tư năm đó có một cô gái đến Hà Nội, và cô xa Hà Nội cũng vào một ngày tháng tư. Người xa khuất, tháng năm như nước chảy qua cầu, chỉ còn ký ức là ở lại. Hà Nội và tháng tư không biết tự bao giờ đã để lại trong trái tim cô một nỗi nhớ sâu đậm khó phai.

Có một người con gái miền Nam biết tới món bánh giò của Hà Nội qua lời kể của ba. Cái dẻo bùi của bột gạo, cái beo béo đặc trưng của bánh giò, chỉ đơn giản vậy nhưng lại khiến người ta nhớ mãi. Và giờ cô ấy đã hiểu sao ngày xưa ba mình lại ưa món bánh giò đến vậy.