Mùa thu Hà Nội - Mùa của ký ức
Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến chính là nơi mà mỗi góc phố cổ kính đều có một câu chuyện, một kỷ niệm riêng. Những ký ức ấy hòa quyện với khung cảnh, với thời tiết, tạo ra một cảm nhận rất đặc biệt mà chỉ Hà Nội mới có.
Đánh thức giác quan mùa thu Hà Nội
“Ai mua cốm không?”, trong làn gió nhẹ của buổi chiều thu, từ ngõ phố nào đó vang lên tiếng rao quen thuộc. Thanh âm ấy không chỉ dẫn ta về miền liên tưởng gói cốm xanh non, mà còn gợi nhắc cả một miền ký ức của những mùa thu Hà Nội. Mùa thu Hà Nội để lại những khoảng nhớ sâu đậm trong lòng mỗi người bởi sự kết hợp tinh tế của màu sắc, âm thanh và hương vị đặc trưng.
Trên từng con phố, những chiếc lá vàng chầm chậm chao nghiêng theo từng cơn gió, nhẹ nhàng xếp lớp trên vỉa hè loang loáng vạt nắng ban mai. Tiếng lá xào xạc dưới chân người như một bản nhạc nền thanh khiết, khe khẽ đánh thức những kỷ niệm xưa cũ, đưa ta về với những ngày thu Hà Nội thật yên bình.
Mùa thu Hà Nội hiện diện qua màu xanh non của những hạt cốm nóng, màu vàng ruộm của quả chuối trứng cuốc, sắc hanh hanh vàng của trái bưởi, sắc vàng tươi của trái thị trên những gánh hàng rong. Dạo bước trên những con đường Phan Đình Phùng hay Trần Hưng Đạo, ta bắt gặp cảnh lá sấu, lá xà cừ rụng vàng, phủ kín mặt đường.
Nắng thu cũng mang một sắc thái riêng, không gay gắt mà dịu dàng, vàng nhạt và mờ ảo. Những họa sỹ, nhiếp ảnh gia mong mùa thu mang tới thứ ánh sáng thiên nhiên tuyệt hảo giúp họ thả sức sáng tạo.
Ánh sáng buổi sớm hay chiều tà hắt nhẹ lên phố phường. Hương hoa sữa, nhẹ thôi, thoang thoảng lan qua từng con phố, có chút nồng nàn, có chút ma mị khiến những ai thường trực tâm hồn lãng mạn, lại khe khẽ ngân lên giai điệu Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa…
Giữa dòng người tấp nập, ta bắt gặp những khoảnh khắc bình yên. Mùa thu Hà Nội mang đến cảm giác tĩnh lặng, mỗi người đều có thể tìm thấy cho mình một góc nhỏ bình yên giữa cuộc sống bộn bề.
Mùa thu Hà Nội là sự hòa quyện tuyệt vời của tất cả những giác quan ấy. Để khi ta dừng lại cảm nhận, mới thấy được hết vẻ đẹp trọn vẹn của mùa thu Hà Nội - một mùa của ký ức, của cảm xúc và của sự bình yên.
Festival Thu Hà Nội: Đến để cảm nhận mùa thu lịch sử
Từ ngày 20-22/9, tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội tổ chức Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử”.
Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Giữa thu, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, người dân Thủ đô và du khách náo nức trải nghiệm các hoạt động thú vị, độc đáo mà Festival Thu Hà Nội 2024 mang lại. Sự kiện năm nay hội tụ khoảng 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của các đơn vị lữ hành, sản phẩm quà tặng từ các làng nghề truyền thống của Thủ đô.
Nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, giới thiệu những giá trị tiêu biểu của làng nghề Hà Nội. Gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, mỹ nghệ kim hoàn Châu Khê, điêu khắc gỗ Quốc Oai, lụa Vạn Phúc…, thật sự muôn màu muôn vẻ. Người dân Thủ đô và du khách được trực tiếp quan sát và tham gia quy trình tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch hội nghệ nhân, thợ giỏi TP. Hà Nội cho biết: “Sự kiện này có nhiều tác phẩm mà các nghệ nhân đã tâm huyết ngày đêm tạo nên, bằng cả trí tuệ nghề nghiệp, như một món quà để thể hiện tình yêu Thủ đô và cũng là món quà gửi tới Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô”.
Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động như diễu hành, trình diễn múa lân sư rồng, rước đèn trung thu, trình diễn diều, hoa, múa rối cạn... của Thành đoàn và 30 quận, huyện, thị xã nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Bên cạnh đó còn các màn dân vũ, khiêu vũ thể thao, trình diễn thời trang áo dài, vẽ tranh và triển lãm tranh thiếu nhi, giới thiệu sản phẩm, điểm đến văn hóa du lịch. Du khách tỏ ra thích thú khi được tận hưởng một lễ hội thu Hà Nội.
Chị Matcca, du khách Tây Ban Nha hào hứng chia sẻ: “Tôi rất may mắn khi đến Hà Nội đúng dịp lễ hội mùa Thu diễn ra. Tại đây, tôi cảm thấy ấn tượng với những màn trình diễn nghệ thuật đường phố và các sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam. Lễ hội như một bức tranh thu nhỏ về văn hóa truyền thống Việt Nam vậy, lễ hội đã cho tôi cơ hội trải nghiệm nhiều nét văn hóa địa phương ngay giữa lòng Hà Nội”.
CLB Văn hóa áo dài Việt Nam kết hợp với nhóm Phụ nữ Việt kết nối muôn phương và gần 700 người yêu áo dài trên toàn quốc tổ chức xếp hình Cột cờ Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động rất ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Màn hát quốc ca và chào cờ của hơn 700 người tham gia xếp hình để lại ấn tượng và cảm xúc khó quên.
Chị Nguyễn Kim Thắm, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi là người con Hà Nội, đã xa Thủ đô được 5 năm rồi. Cảm xúc đông vui, đặc biệt được tiếp xúc với các cô, các chị mặc áo dài rất đẹp đứng xếp hình Cột cờ, tự dưng tình yêu quê hương đất nước của tôi lớn hơn".
Nhà thiết kế Hoàng Ly, Chủ tịch CLB văn hóa áo dài Việt Nam cho biết: "Cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra rất nhiều tổn thất, đau thương cho bà con vùng bị bão lũ, chúng tôi cũng tổ chức hoạt động này để gây quỹ thiện nguyện, trao tới đồng bào vùng bão lũ tất cả số tiền mà chúng tôi quyên góp được".
Festival Thu Hà Nội 2024 là sự kiện văn hóa lớn và là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Sự kiện là một phần trong chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế Thủ đô, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa các thế hệ, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hóa giữa các vùng miền.
Tiết thu vốn dĩ là quy luật tự nhiên của đất trời, nhưng qua thời gian, mùa thu dần thành giá trị mang bản sắc Thủ đô - một giá trị khác biệt, mang lại giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, giá trị lịch sử và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
0