Mua thuốc ngoài viện, BHYT thanh toán như thế nào? | Hà Nội tin mỗi chiều

Mua thuốc ngoài viện, BHYT thanh toán như thế nào?; Tối ngày 15/12, gần 500.000 liều vaccine 5 trong 1 về Việt Nam... là những thông tin chính trong chương trình hôm nay.

Mua thuốc ngoài viện, BHYT thanh toán như thế nào?

Tới đây, người khám chữa bệnh mua thuốc bảo hiểm y tế ngoài viện có thể được cơ quan bảo hiểm hoàn tiền trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện. Cụ thể là nếu người bệnh được chẩn đoán, kê đơn, chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng những thứ đó không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh tự mua bên ngoài vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán. Đó là nội dung Thông tư đang trong quá trình dự thảo của Bộ Y tế. Thông tư được xây dựng trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc kéo dài; người dân khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục hưởng bảo hiểm y tế phải tự chi trả. Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hoàn toàn không phải lỗi của người bệnh. Tuy vậy, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các cơ sở khám chữa bệnh chưa thống nhất được cách chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì thế rất cần có chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Hiện nay còn không ít người cho rằng khi đã mua bảo hiểm y tế thì tất yếu được thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Thực tế nguồn tài chính dùng cho chi trả bảo hiểm y tế không đủ, bảo hiểm y tế chỉ đáp ứng những chi phí cơ bản nhất, hướng tới số đông. Vì thế những chủng loại thuốc, vật tư y tế thông dụng và ít tiền luôn được ưu tiên lựa chọn. Và đó là một trong các lý do khiến nhiều người dân đi mua các loại thuốc, vật tư ngoài danh mục bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đang rất thận trọng khi dự thảo thông tư quy định bổ sung những thuốc, vật tư trong phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế mà người bệnh phải tự mua, làm căn cứ thanh toán cho người bệnh. Khi người dân đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cần lưu ý các trường hợp bệnh viện yêu cầu mua thuốc ngoài. Người dân cần lưu lại các đơn thuốc, hóa đơn thanh toán, và chú ý đến các loại thuốc thuộc danh mục phạm vi chi trả của Bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh, bổ sung chính sách bảo hiểm y tế hướng đến quyền lợi số đông đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là động thái tích cực, thể hiện thái độ biết lắng nghe tiếng nói của đời sống. Người tham gia bảo hiểm y tế mong muốn cần phải có quy định thật cụ thể, dễ hiểu, không đẩy cái khó cho người dân.

Bà Vũ Nữ Anh -Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, người dân cần mua thuốc đúng nơi quy định, tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực. Sau đó, người mua cần xuất trình với cơ quan Bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hóa đơn mua hợp lệ để làm căn cứ thanh toán. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh trong vòng 40 ngày. Về quy trình thanh toán, bà Vũ Nữ Anh thông tin, Vụ Bảo hiểm Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn trong dự thảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh khi đi thanh toán và có thể áp dụng thanh toán trên nền tảng công nghệ thông tin để giảm thời gian, công sức. Hiện tại, dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến của các cơ quan, ban ngành và người dân để hoàn thiện. Dự kiến, trong năm 2024, thông tư này được ban hành.

Tối ngày 15/12, gần 500.000 liều vaccine 5 trong 1 về Việt Nam

Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine 5 trong 1 phù hợp với số đối tượng trẻ em tại 63 địa phương. Thông tin này được đưa ra tại lễ tiếp nhận gần 500.000 liều vaccine 5 trong 1 viện trợ thông qua Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF để triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Dự kiến số vaccine này sẽ về đến Việt Nam vào chiều tối nay (15/12).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận biểu trưng 490.600 liều vaccine 5 trong 1 từ ngài Đại sứ Úc tại Việt Nam. Ảnh: Văn Nam

Đại diện Bộ Y tế cho biết đã nhận được nhu cầu vaccine 5 trong 1 của 63 địa phương. Trên cơ sở này, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ phân bổ, nhưng sẽ ưu tiên các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ tiêm thấp. Liên quan đến 5 loại vaccine trong “Chương trình Tiêm chủng mở rộng” bao giờ sẽ được cung ứng cho các địa phương, đại diện Bộ Y tế cho biết đang chờ phê duyệt giá của Bộ Tài chính. Chậm nhất là đầu năm 2024, tất cả các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ được đáp ứng đầy đủ.

Thời gian qua, câu chuyện thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng là nỗi trăn trở lớn đối với ngành y khi nhiều tỉnh, thành phố cạn kiệt vaccine. Nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đã phải liên tục hoãn lịch tiêm. Việc gián đoạn nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng có thể làm cho trẻ không được miễn dịch, bảo vệ sớm với các bệnh truyền nhiễm, khiến mục tiêu trong chương trình tiêm chủng khó hoàn thành. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi, bạch hầu, ho gà... trong bối cảnh vaccine tiêm chủng mở rộng không được cung ứng kịp thời.

Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Từ đầu năm 2023, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng xảy ra tại nhiều địa phương do vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cơ chế từ mua sắm vaccine bằng ngân sách trung ương sang chuyển giao cho các địa phương. Để tháo gỡ vướng mắc, hồi tháng 7, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết, giao Bộ Y tế mua vaccine.

Hiện nay để đảm bảo trẻ tiêm đúng lịch, phụ huynh có thể đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để tiêm vaccine ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng. Giải pháp căn cơ và nhân văn nhất là ngành y tế đẩy nhanh tiến độ mua sắm, đấu thầu, giảm các thủ tục rườm rà và giải quyết việc mua vaccine theo đơn đặt hàng một cách nhanh nhất./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tăng lương giáo viên lên mức cao nhất; Hà Nội nỗ lực khôi phục vùng sen bách diệp; Cụ bà 6 lần chuyển 18 tỷ cho 'công an rởm'… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bộ Công an đề xuất phạt tới 500 triệu đồng nếu để lộ thông tin cá nhân; Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tới 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; Xuất khẩu nông sản đã mang về cho ngành Nông nghiệp Thủ đô hơn 1,35 tỷ USD... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.