Mưa xuân giăng giăng

Mỗi độ xuân về, có người lại ngâm ngợi câu thơ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Cành mai của thiền sư Mãn Giác đã nở từ gần một thiên niên kỷ trước, trong một câu kệ quá đẹp và hàm ý thì mênh mông. Hình tượng dịu dàng của niềm lạc quan vô biên mà tĩnh tại trước dòng thời gian vô thủy vô chung ấy cứ trở đi trở lại, như một nụ cười mùa xuân tặng cho con người và vạn vật. Lặng lẽ, mai vàng mang xuân đến. Lặng lẽ, mai vàng làm người ta rưng rưng…

Hường mời bạn nghe cảm xúc của Diệu Hiền, cùng ngắm mai vàng trong một ngày mùa xuân.

Mỗi trung tuần tháng Chạp, nếu thời tiết ấm áp, những cây mai đầu ngõ hay ngoài vườn đều được tỉa sạch lá để kịp nở vào đúng ngày đầu xuân. Nhà tôi có hai cây mai rất đẹp trước ngõ. Cây bên trái nhỏ gầy, có vẻ khẳng khiu nhưng hoa nở rất nhiều cánh; cây bên phải cành tỏa tròn quanh gốc rất đẹp thì nở toàn hoa năm cánh.

Ba tôi thường tranh thủ hái lá mai sau buổi làm đồng về. Dựng cái cuốc chỗ bờ giếng, cái giỏ đựng ít cá cua để trên hòn đá lớn cạnh gốc mai, ba gọi chúng tôi cùng ra hái lá. Hai anh tôi trèo được nên cho hái trên ngọn, còn tôi vít cành thấp mà hái. Ba dặn phải nhẹ tay, nếu không sẽ gãy cả búp lá búp hoa. Cái nụ búp bé ti như hạt đậu ấy sau hai tuần lại bung nở thành chùm hoa. Cái búp nhọn dài hơn chỉ là búp lá.

Năm nào thuận trời, nụ hoa nhiều vô kể, vừa hái vừa mường tượng ra đóa hoa nào sẽ nở đầu tiên, mà có đúng mồng Một Tết không, là nghe lòng rộn rã không khí Tết. Ba tôi vốn ít nói và nghiêm khắc, nên anh em chúng tôi hồi hộp nhất là không biết ba chọn cành mai nào đem vào nhà chưng Tết. Mấy anh em cứ đoán già đoán non mà không dám hỏi ý ba. Cành mai ưng ý nhất được ba tôi chọn rất kỹ lưỡng sau thời gian hái lá và dõi theo những búp hoa lớn lên từng ngày.

Khoảng hăm bảy tháng Chạp, khi những nụ hoa xanh ngọc đã đội lớp vỏ xám bao ngoài để bung thành chùm nụ non tươi, ba chọn cành mai dự đoán là sẽ nở đúng Tết, nhiều nụ hoa, dáng đẹp nhất. Chặt bằng dao rựa sắc, sau đó hơ phần chân cành vào lửa, đem cắm vào chiếc độc bình quen thuộc. Nhiệm vụ của chúng tôi là ngày ngày đổ thêm nước ấm vào bình để nhìn cánh vàng lấp lánh đúng ngày mồng Một tết. Trên cành mai ấy, chúng tôi treo bao nhiêu là thiệp chúc xuân của bạn bè hay bà con từ nơi xa.

Cây mai vàng trước ngõ. Ảnh: Baovinhlong

Nhìn cành mai vàng được chưng ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà nhỏ, tôi thấy mùa xuân tràn về. Câu chuyện hái lá mai ngày giữa tháng Chạp, rồi chọn cành để chưng Tết cứ lặp đi lặp lại như một cảm xúc rất quen thương của gia đình tôi. Dưới mái tranh nghèo của thời ấu thơ, cây mai làm bừng lên sắc xuân rực rỡ, làm bừng lên niềm hân hoan trẻ thơ vì nỗi trông chờ dằng dặc “bao giờ đến Tết” đã thành hiện thực. Tết được diện đồ mới xênh xang khoe xóm khoe làng; được ăn bao nhiêu món ngon mà ngày thường chỉ là ao ước; được đi chơi, được lì xì; được đốt những viên pháo chuột lạch tạch. Còn niềm hạnh phúc nào trong trẻo hơn thế nữa? Vậy nên, cứ hoài niệm về mấy cây mai vàng trước ngõ là tôi khát khao được sống lại niềm vui con trẻ, ước gì trở lại ngày xưa.

Thuở còn thơ, tôi nghe mùa xuân ở đâu xa lắm. Một năm dài như thế kỷ. Khi trưởng thành, xuân lại thoắt đến, thoắt đi nhanh như trở bàn tay. Thanh xuân qua vội tựa cơn gió vô tình. Còn giờ đây, khi xuân chạm bên mái hiên và tuổi đời không còn trẻ nữa, tôi đã hết ngỡ ngàng vì mùa xuân quá vội, tự dặn lòng bình thản trước những điều chợt đến, chợt đi. Mùa xuân giăng lộc non, giăng cỏ hoa biếc tràn khắp nẻo./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.