Mùi của Tết

Những ngày cuối năm, mưa tạnh dần nhưng cái rét vẫn còn buôn buốt. Từng chùm nụ mai đã e ấp cánh vàng. Cỏ cây nơi nơi giăng giăng lộc biếc. Đám rêu bên góc sân âm thầm vươn lên những nụ tim tím li ti. Mỗi ngày trôi qua thật nhanh trong nồng nàn hương vị tết. Hít thật sâu, thở thật nhẹ, mỗi người sẽ nghe mùi của tết ùa về trong hơi thở mùa xuân.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Diệu Hiền trong những ngày đón chờ mùa xuân tới.

Mùi của Tết tràn về trên những con ngõ. Tết đến, nhà ai ở quê cũng lo dọn nhà dọn ngõ đón xuân. Dù nắng hay mưa, cửa nhà phải quang quẻ, ngõ phải sạch không còn cây cỏ nào. Nhà tôi cũng không ngoại lệ. Ba và các anh tôi thường sửa lại các viên đá lở nơi bờ ngõ. Hai cây mai đầu cổng đã được hái lá từ mấy tuần trước chúm chím những chùm nụ xanh, hay e ấp mấy đóa mai vàng. Thế là cứ đi về đến ngõ, ai cũng nghe dậy lên mùi hăng hắc của cỏ, mùi ngai ngái của đất, mùi thoang thoảng của hoa… Mùi quê hương hay mùa xuân chạm đến sát hiên nhà?

Mùi của Tết là thơm nồng căn bếp - không gian rộn ràng nhất nhà. Mẹ phải kê thêm ba ông táo để nấu và hấp các loại bánh. Hạnh phúc của đám trẻ con là được mẹ giao việc chụm củi. Mùi khói bếp, mùi những cây củi còn ẩm, sôi bọt vàng khè quyện cùng mùi lửa ấm mới thân thương làm sao. Bởi thế mà anh trai tôi, mấy năm biền biệt xa nhà, viết thư về nói nhớ mùi gian bếp của mẹ. Nhớ mùi lá chuối xanh hơ qua lửa rơm cho mềm dai để gói bánh. Nhớ mùi bánh chưng bánh tét tỏa hương lúc sôi sùng sục. Nhớ mùi thơm lừng của bánh tổ vừa được lấy ra khỏi nồi hấp. Nhớ cả mấy xâu thịt ngang xương ba mang về từ con heo đụng với mấy nhà trong xóm. Thịt luộc xong, mẹ để tất cả vào cái rổ to, lót lá chuối và treo bên bếp. Cạnh đó là vài chục nem lá liễu được ba gói rất đẹp… Tôi thì gọi đó là mùi quá khứ. Bởi cứ nhớ đến gian bếp của mẹ là cả một trời quá khứ gọi về.

Tết của tuổi thơ hình như lâu đến hơn bây giờ. Thuở xưa, trẻ thơ đợi tết đơn giản chỉ là được ăn ngon và xúng xính đồ mới. Càng mong, tết càng lâu đến. Nên cái tết nào cũng đáng nhớ và nhớ nhất là cảm giác thòm thèm nhìn mẹ làm bánh, nấu ăn hay niềm hãnh diện được mẹ gói riêng cho chiếc bánh tét nhỏ, cột dây vào mang đi khoe khắp xóm. Cái hương vị  ấy làm xôn xao  cả khoảng trời một đi không trở lại. Chạm vào ký ức tết xưa là chạm vào bản hòa ca của nỗi nhớ, mà giai điệu nào cũng vang ngân da diết, cũng quá đỗi ngọt ngào.

Mùi của tết là mùi những thương yêu. Xếp lại những ưu tư ngày thường, gia đình ai cũng mong tết để sum họp, hàn huyên. Tiếng cười nói rộn ràng hay nỗi ngậm ngùi vì những điều chỉ còn là quá khứ đều lắng đọng yêu thương.

Ngoài kia, mai vàng hé nụ. Ngoài kia, hương bưởi đã thoảng đưa từ những đóa hàm tiếu. Hương xuân của đất trời dạt dào hay trong tôi vẫn luôn nồng nàn mùi của tết?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?