Mùi của Tết

Cho đến khi năm tháng bồi đắp để chúng ta lớn lên và trưởng thành, sẽ có một lúc nào đó, ta nhận ra rằng: Tết không phải chỉ định lượng từ ngày 30 - ngày cuối cùng của năm cũ đến thời điểm hóa vàng, mà Tết sẽ bắt đầu kể từ khi những mùi rất riêng của nó len lỏi trong cái giá buốt của gió bấc những ngày tháng Chạp.

Ký ức của tác giả Viên Dung

Mùi của Tết - biến thiên theo thời gian, và với mỗi thế hệ mùi của Tết sẽ rất khác nhau, đôi khi cũng sẽ khác trong mỗi gia đình mà ở đó, mỗi hoàn cảnh sẽ tạo nên những ký ức đầy thương nhớ theo những cách rất riêng của nó.

Với thế hệ chúng tôi sinh ra sau chiến tranh ở Hà Nội, sống trong những khu tập thể mà căn phòng nào đồ đạc cũng sơ sài và giống y hệt nhau của thời bao cấp, trong ký ức của thời niên thiếu, Tết là quãng thời gian sinh động, rộn ràng và được trông đợi nhất. Mùi của Tết khởi lên khi nhà nhà bắt đầu bày nải chuối lên thắp hương Rằm tháng Chạp. Tôi vẫn nhớ những tháng ngày khốn khó ấy, đĩa quả mẹ bày lên đơn sơ lắm. Đến ngày ông Công ông Táo thì có thêm đôi ba quả trứng gà vừa ngả chín vàng. Cái mùi hương của ngày xưa thắp lên không hóa chất, dịu nhẹ và ấm áp từ rễ cây bài loang ra trong cái lạnh, loang ra qua những căn hộ tập thể thường mở toang hoác cửa vì chẳng có mấy đồ giá trị, toang hoác cửa để hàng xóm bước sang nhà nhau uống chén trà, làm ván cờ cho dễ đông vui. Ngửi thấy mùi hương xưa thuần khiết ấy là thấy những đầm ấm, đoàn tụ, là thấy những giá trị được hun đúc thành phong tục mà cha mẹ, ông bà trao truyền cho con cháu, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Ngửi mùi hương là thấy Tết - nhiều người trong chúng tôi giờ vẫn thốt lên với nhau như vậy. Mà rất lạ, hương của Tết thắp lên là nao nức, chộn rộn, là cảm nhận được dòng chảy hối hả của sự sắm sửa trong mỗi nhà, là sự trang nghiêm trong tâm thức người Việt nhớ về nguồn cội - nó khác hẳn với mùi hương thắp lên khi nhà có việc.

Mùi Tết trong tôi còn chất chứa cả những thao thức của đứa trẻ được mặc manh áo mới còn nguyên mùi hồ vải. Còn nhớ năm đó, mẹ mang về cho tôi cái áo nỉ chui đầu có phéc măng tuya bằng nhôm kéo xuống cổ, con bé 7 tuổi mặc vội mặc vàng được cái áo thì phéc măng tuya kim loại cũng cứa vết rách ngang mặt. Ngày ấy, quần áo vải vóc đâu có sẵn như bây giờ. Cái áo rất ấm bên trong nhưng lớp hồ ngoài thì mới nguyên gượng gạo, mùi hồ sực lên với hơi người khiến nó căng thẳng khi được diện đồ mới - thứ hiếm hoi giữa mớ quần áo bao năm đi xin hoặc mặc thừa của chị. Tối đó, nó khư khư mặc cái áo đã cứa mặt mình đi ngủ như một báu vật, mùi hồ của chiếc áo Tết vào tận cơn mơ, và theo nó cả những tháng năm sau này...

Lứa chúng tôi, nhắc tới Tết thì không thể quên mùi pháo - một “ đặc sản” vô cùng luyến nhớ và sâu sắc của thời bao cấp giờ đã không còn, để chúng tôi kể lại cho con cháu vừa nghe trong phần khích vừa tưởng tượng. Đó là mùi của phẩm đỏ nhuộm hồng thân pháo, là mùi của khói diêm sinh xộc lên khắp hành lang tập thể trong đêm giao thừa sau những tiếng nổ ganh nhau giòn giã. Nhà nào “oách” lắm là băng pháo có gắn vài quả pháo đùng, “ tạch, tạch, tạch, đùng...!” cứ thế, dù giật mình nhưng trẻ con nhà ai cũng dỏng tai lên chờ ngóng. Mùi pháo Tết hít vào là ngọt ngọt, say say, trong ký ức của chúng tôi mùi pháo đêm giao thừa và sáng mùng 1 là thứ gì đó vô cùng ấm áp, xua tan đi cái rét mướt, đói nghèo của những tháng năm thiếu thốn. Sáng ra, xác pháo hồng khắp lối. Lũ trẻ con trong khu tập thể lại rủ nhau đi nhặt pháo xịt về bóc ra dồn ruột pháo vào một chỗ, rồi một đứa sẽ dí cây hương vào để khói phụt lên, cả bọn thích chí cười vang, cảm nhận mùi pháo mùi hương quện vào nhau, cứ thế mà vui qua ngày Tết...

Mùi của Tết bây giờ giản đơn hơn khi vật chất đã tiện lợi và đủ đầy. Nhưng trong cái tảo tần, vun vén của mẹ tôi năm ấy, mùi của Tết còn là hơi nếp trong chõ đã ngào lẫn với mùi hăng hăng của ruột gấc để đồ đĩa xôi cúng trừ tịch, là hơi đỗ thơm bùi đôi lúc sém cạnh trong cái nồi chè đỗ đãi - mà tôi, luôn được mẹ giao trọng trách quấy đều tay chỉ vì nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhất trong mấy chị em. Để rồi, đến ngày mùng 1 Tết, thế nào mẹ cũng phần mừng tuổi cho tôi tờ 2 đồng thật mới. Mùi Tết trong tôi, cũng là cái mùi in trên tờ tiền mới thơm tho sờ rõ từng gân mực ấy. Tết mà, cái gì cũng tinh tươm mới mẻ để ta ý thức về sự giữ gìn, nâng niu, trân trọng khoảnh khắc đầu năm đầy ý nghĩa...

Tết miền Bắc, khi nhắc đến thì dù là ai đi chăng nữa cũng không thể không nhắc đến mùi nồi lá đun ngày 30 - thơm nồng lên khi mở nắp. Tôi cũng nhớ về hơi lá ấy với bao nhiêu tuổi trôi qua là bấy nhiêu lần hít hà để tẩy tịnh đi qua năm cũ. Nhưng mùi Tết đối với tôi, và chắc hẳn với nhiều người khác, còn có một cái mùi vô cùng khó quên. Ấy là mùi hoi của lông gà nhúng nước sôi. Phải những đứa trẻ nhanh nhẹn, thế nào cũng được cha mẹ giao cho nhiệm vụ giữ chân gà và trói cánh để người lớn cắt tiết làm thịt. Đứa tháo vát và lớn hơn sẽ được giao luôn cái nhiệm vụ làm gà cúng tất niên. Ôi cái mùi con gà vốn đã rất đặc trưng của bùn đất vườn quê, đồng ruộng...chiều 30 Tết lại gói gọn trong lưng cái chậu nước sôi nhà mình. Giờ Tết các nhà đã đem gà ra ngoài chợ thuê làm thịt nên lớp trẻ chẳng mấy ai coi đó là mùi của Tết. Nhưng với cái lứa chúng tôi lớn lên từ bao cấp ấy, nhắc đến cái mùi tanh tanh của con gà sau cắt tiết và mùi hoi nồng đến khó chịu phả lên từ mớ lông được nhúng ngập nước sôi thì gần như đứa nào cũng nhớ về ngày 30 hối hả làm mâm cơm tất niên. Rồi cứ vừa nhịn thở, vừa ngoảnh mặt sang một bên để không phải ngửi cái mùi không mấy dễ chịu ấy, tuốt thật nhanh mớ lông gà dịn nước cho đến khi nhận ra da gà trắng phau phau hơn da mình, thì ấy là khi vớt mớ lông gom sang một bên, chờ đến khi có tiếng rao của người Triều Khúc đi rong “ Ai lông gà, lông vịt bán đê” thì đem bán...

Mùi Tết riêng trong tôi còn có một mùi khó quên đến ám ảnh. Ấy là mùi tóc “ phi - dê” - của mẹ, sau này có ít chữ nghĩa tôi mới biết đó phiên âm từ “ frisés” tiếng Pháp. Đó là vào những năm 80 khi tôi đã lớn hơn một chút, nhà không có điều kiện nên một năm một lần, mẹ dành dụm để đi uốn tóc làm đẹp. Mùi tóc mẹ là một mùi Tết rất mới so với mùi hương nhang, nước lá mùi, chè xôi...nhưng lặp đi lặp lại đến năm thứ ba thôi là tôi đủ nhớ rằng, hễ mắt cay xè vì cái mùi amoniac khai nồng của thuốc làm tóc khi ngủ với mẹ thì cũng là lúc Tết sắp về. Và cả Tết, tôi sẽ rất rón rén để đến gần các bà các cô uốn mái tóc xoăn bồng giống mẹ vì mùi làm tóc cộng hưởng hẳn sẽ sặc sụa lắm, nhức đầu lắm. Thuốc làm tóc “thời sơ khởi của các salon” ngày ấy rất nặng mùi, dễ phải gội bốn, năm lần mới hết.

Cái mùi rất mới của Tết ấy cũng gợi nhớ cho tôi về những chiều cuối năm ngồi chầu xem bố đánh xi giầy. Dường như bất kỳ công việc nào của người cha trong mắt những cô con gái bé nhỏ luôn là một thế giới của những điều mới lạ cần khám phá. Một hộp xi của bố dành đánh cho cả các chú bác hàng xóm, trong lúc ấy những nhà khác lại gói bánh chưng cho cả tầng rất đùm bọc đông vui. Và thế là bọn trẻ sẽ xách đôi giày nhà mình ra xếp hàng ngồi xem. Những đôi giầy cũ trầy xước sau những ngược xuôi lo toan được xếp ngay ngắn chờ sự nhẫn nại, tỉ mẩn của bố - gạt đi những bụi bặm, xóa đi những vết ố sờn của thời gian, những lớp xi cứ thế cứ thế quết lên đồng nhất và mới mẻ. Mỗi một đôi giầy được đánh bóng xếp sang một bên ngay ngắn là bọn trẻ lại ồ lên. Mùi xi giầy hăng như mùi dầu hỏa, khó ngửi, hít lâu thì rất nhức đầu. Ấy thế mà dù dăm tiếng hắt hơi lia lịa nhưng vẫn chẳng có đứa nào đứng dậy, vẫn say sưa ngắm nhìn những đôi giày được làm mới, bóng loáng lên sau mỗi nhịp đẩy đưa của chiếc giẻ cũ. Chiều 30 Tết sắm sửa của ngày ấy là những điều đầm ấm, giản dị như thế...

Và lứa trẻ con chúng tôi lớn lên mang theo những mùi của Tết trong nỗi nhớ, trong những nôn nao khó gọi tên của chiều cuối năm với những ký ức về gia đình, về mái ấm, về tình thân đã nuôi dưỡng đời sống tinh thần của một thế hệ giờ đã đi qua nửa đời người. Với bạn có thể đó là mùi mướt mát của hơi nếp đậu xanh thịt mỡ vớt ra cùng những những chiếc bánh chưng dẻo rền, là mùi của bếp củi với những bắp ngô, củ khoai vùi vội chờ trông nồi bánh, đó có thể là mùi thơm của khoanh giò ruột hồng vừa cắt với sự no ấm đủ đầy ba ngày Tết, nhưng Tết cũng có thể, chỉ là mùi của thiếu thốn khi những đứa trẻ mồ côi trong căn phòng nhỏ vắng cha, chỉ biết ngóng hơi xào nấu từ bữa cơm đoàn viên nhà bên cạnh...

Chúng ta đã đi qua những cái Tết bằng trải nghiệm của riêng cuộc đời mình như thế. Và cho dù với những sắc thái nào thì trong cái ngũ uẩn của đời người, có một thứ chạm vào trái tim với rất nhiều bâng khuâng được gọi tên là Mùi của Tết,  nhắc nhớ mỗi người biết nâng niu, trân quý khoảnh khắc của đoàn viên, của những ấm áp đủ đầy trọn vẹn sau những khốn khó, những đắng cay, những vần vũ của cơm áo gạo tiền, của thất bát hư danh…

Nay đã là 30 Tết, bạn có lưu giữ được mùi của Tết cho riêng mình ?...

Tết xưa của người Hà Nội mang nét rất riêng, đặc trưng mà ai đã từng trải qua đều khó có thể nào quên.

Tết với nhiều người Hà Nội xưa đôi khi đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, hương thơm của nước lá mùi già hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, háo hức đón giao thừa trong tiếng pháo nổ đì đùng...

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết, miếng bóng bì, lạng măng khô. Là trong cái se lạnh ngày đông, mọi người hối hả, háo hức đi chọn cho gia đình một cành hoa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm áp vô cùng. Những bận rộn, lo lắng, nôn nao, ngóng chờ cho giây phút đoàn viên, đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Những kỉ niệm về Tết Hà Nội xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.

Không khí ngày giáp Tết luôn khiến chúng ta nhớ về những kỷ niệm xưa. Và những ký ức ấy đã được nhiều người trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm đẹp và cũng là để nhắc nhớ các thế hệ sau cùng gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa Tết truyền thống của Người Hà Nội.

---

Còn kỷ niệm về Tết Hà Nội của bạn thế nào, hãy cùng chia với Hanoionline trong chuyên mục Ký ức Tết Hà Nội xưa bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email ttnoidungso@daihanoi.vn hoặc tài khoản Zalo 0865.116.699.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Đi công viên chơi đi!", cứ tầm mùng 3 Tết là mấy đứa bạn cùng khu tập thể lại chạy đến rủ rê. Ừ đi thì đi, sau những trò chơi thường nhật, chúc tụng gia đình họ hàng, găm tiền "mừng tuổi" lưng lửng túi, thì việc đi chơi cũng là cái thú ngày Tết, nhất là với đám trẻ nhỏ mười hai, mười ba như chúng tôi.

Người ta than thở với nhau “Tết ngày càng nhạt”. Vẫn có bánh chưng, dưa hành, vẫn có mùi trầm hương thoang thoảng nhưng không còn không khí nhộn nhịp, náo động, không còn tâm trạng háo hức trông ngóng nữa.

Mặc dù không có hình, có dáng nhưng mùi hương lại có sức mạnh đặc biệt khi có thể chiếm trọn cảm xúc, tâm trí, ký ức của chúng ta. Trong số nhiều mùi hương đã bám rễ trong tâm hồn mình, với tôi mùi của Tết sâu đậm, có khả năng gợi nhớ và có ý nghĩa thiêng liêng hơn cả. Những mùi hương thân quen ấy đã đi theo tôi qua bao năm năm tháng cuộc đời và giờ đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức. Để mỗi khi Tết đến, những mùi hương kỳ diệu ấy lại thức dậy khiến lòng dạ tôi nôn nao với những cảm xúc phấn chấn, bồi hồi khó tả.

Ai nói Tết nay đã khác xưa? Với tôi, chỉ có con người làm cho Tết khác đi, chỉ có con người là đổi khác. Tết vẫn như xưa, chỉ có nhà là ngày càng rộng bởi bữa cơm thiếu vắng những người thân yêu.

Cuộc sống giờ đây đã có nhiều đổi thay nhưng dù có thay đổi đến thế nào thì mỗi khi đến Tết người Hà Nội lại không thể không nhớ về những cái "Tết cũ", "Tết xưa" với bao tình cảm nhớ thương, trân trọng. Tản văn dưới đây của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng sẽ giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí Tết của cái thời chưa xa ấy.

Càng có tuổi, con người ta càng hay hoài niệm, nhớ về quá khứ. Bằng chứng là mỗi khi đàm đạo về một đề tài hay vấn đề nào đó người già thường hay bắt đầu với hai chữ “Ngày xưa”. Với họ, hình như cái gì của ngày xưa cũng đẹp, cũng thiêng liêng và ý nghĩa hơn ngày nay thì phải. Điều này liệu có đúng? Những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những cái Tết đã xa của độc giả Nguyễn Hùng Sơn gửi cho Hanoionline dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao “người có tuổi” thường hay trân trọng và nặng lòng với quá khứ.