Mỹ áp thuế thép, nhôm nhập khẩu: Lợi bất cập hại
Khi thuế quan trở thành vũ khí
Tối ngày 10/2, theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả nhôm và thép nhập khẩu vào nước này. Đây là hành động mới nhất trong một loạt các chính sách thương mại quyết liệt mà ông Trump đã thực hiện kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng trước. Đòn thuế quan này đã tác động mạnh đến thị trường tài chính, ngành công nghiệp sản xuất kim loại và mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các đối tác lớn trên thế giới, đồng thời làm dấy lên lo ngại về sự xáo trộn trong thương mại toàn cầu và khả năng leo thang của chiến tranh thương mại.
Theo Reuters, Tổng thống Trump đã ký văn bản tăng thuế với nhôm nhập khẩu từ mức thuế 10% mà ông áp dụng năm 2018 lên mức 25%. Quyết định của Tổng thống Trump ngày 10/2 cũng khôi phục mức thuế 25% với hàng triệu tấn thép nhập khẩu và nhôm nhập khẩu vốn được miễn thuế vào Mỹ theo các thỏa thuận về hạn ngạch, miễn trừ và hàng nghìn sản phẩm ngoại lệ.
“Hôm nay tôi đã đơn giản hóa thuế quan của chúng ta đối với thép và nhôm để mọi người có thể hiểu chính xác ý nghĩa của nó. Mức thuế là 25%, không có ngoại lệ hoặc miễn trừ, được áp dụng với tất cả các quốc gia.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mặc dù vậy, ông Trump sau đó cho biết ông sẽ “cân nhắc kỹ lưỡng” yêu cầu của Australia về việc miễn thuế thép do nước này đang thâm hụt thương mại với Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, nhưng sau đó ông đã cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác thương mại, bao gồm Canada, Mexico và Brazil. Cựu Tổng thống Joe Biden sau đó mở rộng hạn ngạch này cho Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro cho biết, các biện pháp này nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất thép và nhôm nội địa cũng như củng cố an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ.
“Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành thép và nhôm như ngành xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Đây không chỉ là vấn đề thương mại. Đây là để đảm bảo nước Mỹ không bao giờ phải phụ thuộc vào các quốc gia nước ngoài trong các ngành công nghiệp quan trọng như thép và nhôm.”
Ông Peter Navarro - Cố vấn Thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tuyên bố của Tổng thống Trump là minh chứng mới nhất cho thấy ông sẵn sàng đe dọa và trong một số trường hợp là áp thuế nhập khẩu. Lần này, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông, thuế quan đã được áp dụng sớm hơn nhiều so với 4 năm trước, khi ông ưu tiên cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định. Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, đã nhiều lần nói rằng ông coi thuế nhập khẩu là công cụ để buộc các đối tác của Mỹ phải nhượng bộ về các vấn đề như nhập cư nhưng cũng là nguồn thu để giúp thu hẹp thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Ngoài mức thuế mới với nhôm và thép, vị tân chủ nhân Nhà trắng cũng tái khẳng định rằng ông sẽ công bố mức “thuế quan qua lại”, có thể trong 2 ngày tới, nghĩa là Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm trong trường hợp một quốc gia khác đã áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ.
“Đã đến lúc phải có đi có lại. Bạn sẽ nghe thấy từ đó rất nhiều. Nếu họ tính thuế đối với chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ áp thuế đối với họ. Nếu họ áp 25%, chúng tôi sẽ ở mức 25%. Nếu họ áp 10%, chúng tôi cũng sẽ áp 10%. Và nếu họ cao hơn nhiều so với 25%, thì chúng tôi cũng vậy.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ông cũng đề cập khả năng áp thuế trong tương lai đối với ô tô, chip bán dẫn và dược phẩm từ các thị trường trên toàn thế giới. Trước đó, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico, nhưng đã quyết định tạm hoãn áp dụng mức thuế này trong 30 ngày. Đồng thời, ông tiếp tục áp thêm mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ai là người chịu ảnh hưởng?
Lâu nay, nhôm và thép vẫn là thành phần thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm vận tải, xây dựng và đóng gói. Theo nhận định của hãng tin CNBC, mức thuế quan mới của Mỹ có thể sẽ mang lại lợi ích lớn cho ngành sản xuất thép và nhôm trong nước, trong khi đặt ra thách thức lớn đối với các nước xuất khẩu thép và nhôm sang nước này. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, năm 2024, Mỹ nhập khẩu thép từ 79 quốc gia và nhôm từ 89 quốc gia, với tổng kim ngạch nhập khẩu hai nhóm mặt hàng này là hơn 49 tỷ USD. Dữ liệu từ Viện Sắt và Thép Mỹ cho thấy, các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ gồm Canada, Brazil và Mexico, tiếp đến là Hàn Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, Canada là nhà cung cấp nhôm chính cho Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024.
Theo giới quan sát, những quốc gia bán nhiều thép và nhôm nhất cho Mỹ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế quan mới. Dữ liệu của Mỹ cho thấy các nhà máy luyện nhôm của nước này chỉ sản xuất được 670.000 tấn kim loại vào năm ngoái, giảm so với mức 3,7 triệu tấn vào năm 2000. Việc đóng cửa các nhà máy trong những năm gần đây bao gồm cả ở Kentucky và Missouri đã khiến đất nước này phần lớn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Canada, nơi có nguồn tài nguyên thủy điện dồi dào hỗ trợ sản xuất kim loại, cung cấp gần 80% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ trong năm 2024.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ, Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn thứ hai thế giới, đã nhập khẩu hơn 25 triệu tấn thép vào năm 2023, với Canada, Brazil và Mexico là những nhà cung cấp lớn nhất.
Tại nhà máy thép CSN ở tiểu bang Rio de Janeiro của Brazil, nhiều công nhân đang không khỏi lo lắng về nguy cơ mất việc làm sau sắc lệnh của Tổng thống Mỹ.
“Điều này sẽ gây bất lợi cho tất cả mọi người ở đây. Bởi vì điều này luôn gây hại cho ai? Người lao động, toàn bộ gánh nặng, luôn đổ lên đầu người dân của chúng tôi. Bây giờ chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra với phía người lao động”.
Anh Valmir Vianna - Công nhân nhà máy thép CSN, Brazil
Đức cũng là nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ và có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do thuế quan. Tuy nhiên, Thyssenkrupp - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu - dự kiến tác động đến hoạt động kinh doanh là “rất hạn chế”, nếu Mỹ áp thêm thuế đối với thép và nhôm, khi châu Âu vẫn là thị trường chính của họ.
Ngoài ra, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới nếu Tổng thống Trump thực hiện chính sách này.
Kế hoạch của ông Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm đã khiến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất Mỹ tăng mạnh trong đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai, trong khi cổ phiếu của các nhà sản xuất nước ngoài giảm do lo ngại về sự gián đoạn dòng chảy hàng hóa và nhu cầu suy giảm. Cổ phiếu của các nhà sản xuất hai kim loại này tại Mỹ đã tăng vọt, với Nucor, nhà sản xuất thép lớn nhất Mỹ, tăng 9,5% và Century Aluminum tăng 8,5%.
Ngược lại, cổ phiếu của các nhà sản xuất tại các quốc gia khác lại giảm. ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, giảm 2,2%, trong khi Hyundai Steel của Hàn Quốc mất tới 2,9%, cùng với sự sụt giảm chung trong ngành thép Hàn Quốc.
Chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận
Sau khi Tổng thống Mỹ công bố các mức quan thuế mới, nhiều quốc gia đã ngay lập tức lên tiếng phản ứng, lo ngại về tác động đối với ngành công nghiệp và kinh tế toàn cầu. Các đối tác của Mỹ cũng cảnh báo về các biện pháp đáp trả, khiến nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận không ngừng gia tăng.
Ngay sau khi ông Trump công bố mức thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu, Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ phản ứng để bảo vệ lợi ích của khối này sau khi có thông tin chi tiết hoặc giải thích rõ ràng bằng văn bản.
“EU không thấy lý do chính đáng nào để áp thuế đối với hàng xuất khẩu của mình. Chúng tôi sẽ phản ứng để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng châu Âu trước các biện pháp vô lý. Việc áp thuế sẽ là bất hợp pháp và phản tác dụng về mặt kinh tế, đặc biệt là khi xét đến các chuỗi sản xuất tích hợp sâu sắc mà EU và Mỹ đã thiết lập thông qua thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.”
Ông Olof Gill - Người phát ngôn của EU
Những phương án mà châu Âu có thể đáp trả đe dọa thuế quan từ Mỹ có thể bao gồm áp thuế lên các sản phẩm đến từ các bang nhạy cảm về mặt chính trị của Mỹ. Châu Âu gần đây cũng đã siết chặt các hoạt động về thuế và các quy định khác lên các công ty công nghệ Mỹ như Google. Theo AmCham EU, doanh thu của các công ty Mỹ hoạt động tại châu Âu là hơn 3,8 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Trước đó, nhằm đáp trả mức thuế quan 10% mà Mỹ áp đặt đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố áp mức thuế 15% đối với năng lượng nhập khẩu và thuế 10% đối với dầu mỏ và thiết bị nông nghiệp từ Mỹ. Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với một số kim loại quan trọng được sử dụng trong ngành điện tử, hàng không và quốc phòng từ ngày 10/2.
Trong khi đó, Canada, Brazil và Mexico tuyên bố đang chờ đợi thông tin chi tiết trước khi đưa ra quyết định có đánh thuế trả đũa Mỹ hay không.
Lợi bất cập hại?
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu gần như hoàn toàn giống với bước đi ông từng làm dưới nhiệm kỳ đầu. Dữ liệu chính thức cho thấy kể từ đợt áp thuế đầu tiên của Tổng thống Trump vào năm 2018, Mỹ chứng kiến đầu tư tăng lên trong cả lĩnh vực thép và nhôm. Báo cáo sau đó từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ thống kê trong 5 tháng đầu tiên sau khi chính sách này được thực thi, chính quyền của ông Trump đã thu được hơn 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo các hệ quả lợi bất cập hại tiếp theo của đòn thuế quan này.
Những người được hưởng lợi đầu tiên từ chính sách thuế mới của Mỹ sẽ là các nhà sản xuất thép nội địa Mỹ, trong bối cảnh họ đang phải cạnh tranh nhọc nhằn trước sản phẩm kim loại giá rẻ của nước ngoài. Nhưng thuế cũng gây ra nhiều tranh cãi. Áp thuế chắc chắn sẽ khiến các đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico, hai nước cung cấp chủ chốt hàng kim loại nhập khẩu cho Mỹ, rúng động. Thuế cũng có thể kích hoạt trả đũa nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, khiến nhiều ngành công nghiệp nội địa Mỹ sử dụng kim bất bình khi phải đối mặt với giá thành tăng cao sau khi thuế có hiệu lực.
Nghiên cứu của Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC), một tổ chức phi đảng phái tại Mỹ, cho thấy thuế nhôm, thép trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump từng làm tăng giá nhập khẩu, kích thích các nhà tiêu thụ nhôm thép Mỹ sử dụng nhiều hơn sảm phẩm nội địa. Nhu cầu tăng đẩy giá kim loại tăng, giúp các nhà chế tạo sắt thép Mỹ mở rộng sản xuất, đưa đến mức tăng sản lượng giá trị 2,25 tỷ USD vào năm 2021.
Nhưng chính sách thuế này cũng có hạn chế, khi giá thành nhôm, thép tăng khiến chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng nhiều nhôm, thép bị đội giá. Nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất là các công ty chế tạo máy, phụ tùng ô tô, công cụ cầm tay. Tựu chung lại, những ngành tiêu thụ sắt thép ghi nhận mức sụt giảm sản lượng trị giá 3,48 tỷ USD do tác động của thuế, nhiều hơn mức giá trị mà ngành công nghiệp sắt thép Mỹ thu được.
Theo giới quan sát, vấn đề đáng lo ngại nhất khi Mỹ siết chặt chính sách thuế quan không chỉ là nguy cơ lạm phát leo thang mà còn là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu khi xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới. Mặt khác, với việc áp thuế và đưa ra một loạt các yêu cầu đối với các quốc gia và khu vực, bao gồm Canada, Colombia, Mexico, Đan Mạch, Panama và Liên minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang coi thuế quan là giải pháp cho mọi vấn đề tác động đến nước Mỹ. Ông cũng biến thuế quan, vốn có thể đóng vai trò là công cụ để đạt được mục tiêu thương mại công bằng và bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia quan trọng, thành công cụ mang tính cưỡng chế kinh tế đối với các quốc gia khác nhằm đạt được mục tiêu của mình. Điều này có thể gửi đi thông điệp rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy nữa và làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ trên toàn thế giới.
Ít nhất hai người đã thiệt mạng và bốn người bị thương trong vụ nổ mỏ than xảy ra ngày 31/3 tại vùng Asturias, phía Bắc Tây Ban Nha.
Núi lửa Kanlaon ở Philippines đã phun trào vào khoảng 15h24 ngày 31/3, tạo ra cột tro bụi cao tới 1.500 mét, có thể rơi xuống các thị trấn lân cận. Hiện tại, núi lửa Kanlaon vẫn duy trì cảnh báo cấp 3.
Hàng triệu trẻ em đang gặp nguy hiểm sau trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại Myanmar vào ngày 28/3, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại quốc gia này.
Khi được hỏi liệu có thời hạn nào để Nga đồng ý thỏa thuận ngừng bắn hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời rằng Moscow có "thời hạn tâm lý" để chấp nhận lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cố gắng "rút lui" khỏi một thỏa thuận khoáng sản.
Tại Myanmar, giữa đống đổ nát, đói khát và tuyệt vọng, vẫn có những câu chuyện về lòng trắc ẩn, sự kiên cường và những phép màu mong manh nhen nhóm hy vọng.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam vừa tìm thấy và đưa ra ngoài một bé trai 10 tuổi bị vùi dưới đống đổ nát trong ngôi nhà sập ở Myanmar.
0