Nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2023 có 565 nam giới là nạn nhân bạo lực gia đình, tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước.

Tại diễn đàn Quốc hội, trong  báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra một con số đáng chú ý, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ.

Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam là 565 trường hợp. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước. Việc tỉ lệ nam giới là nạn nhân bạo lực gia đình gia tăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nam giới bị bạo hành dưới những hình thức nào?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định nam giới hay phụ nữ đều có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình, dù tỷ lệ người chồng bị bạo hành thấp hơn. Phụ nữ thường bị bạo hành cả tinh thần và thể chất, trong khi nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn.

Số nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng. Ảnh: yourmedicalinfo

Khi đàn ông bị bạo hành, vì sĩ diện họ không nói với ai kể cả người trong nhà. Có những người bị vợ nói quá nhiều, hay thường xuyên phải đối mặt với những cuộc "chiến tranh lạnh" nên họ không thể chịu nổi, thậm chí sợ hãi không muốn về nhà.

Có người bị vợ giám sát rất chặt chẽ, đến sử dụng điện thoại cũng bị kiểm soát và có nhiều trường hợp vợ không cho dùng điện thoại chỉ vì ghen tuông. Nhiều người vợ quản lý chồng như một một tên tội phạm khiến đàn ông rất khổ tâm, ông Trịnh Trung Hòa chia sẻ.

Tại Việt Nam, một khảo sát được thực hiện trong hai năm (2018 - 2019) với hơn 2.500 nam giới ở độ tuổi 18 - 64 của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) cho thấy, tỷ lệ vợ bạo hành chồng chiếm khoảng 4%, bằng một nửa tỷ lệ chồng bạo hành vợ. Đáng chú ý, ở nhóm độ tuổi trẻ nhất (từ 18 - 29), tỷ lệ người vợ sử dụng bạo lực về thể chất gần gấp đôi so với người chồng (6,2% so với 3,5%). 1/4 nam giới tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm  thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó hơn 80% áp lực về tài chính và 70% áp lực về sự nghiệp.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết nam giới bị vợ bạo hành có thể bị trầm cảm, tăng huyết áp, tự ti, mất ngủ, chấn thương, căng thẳng sau sang chấn, thậm chí nghĩ đến việc tự sát.

“Nam giới cũng báo cáo là họ bị vợ hay người yêu có những hình thức bạo hành về mặt tinh thần. Có đến hơn 60 % nam giới được khảo sát nói rằng họ thường xuyên là nạn nhân của các cuộc chiến tranh lạnh. Khi vợ không nói gì, hay nói quá nhiều cũng là vấn đề", TS Thu Hồng cho hay.

Bên cạnh đó, nam giới rất sợ và cho rằng bản thân họ chính là nạn nhân bị bạo hành dưới rất nhiều hình thức như kiểm soát từ điện thoại, email cá nhân đến việc đi đâu, gặp ai, ăn gì, mặc gì, kiểm soát 24/24....

Chính đàn ông phải tự cởi bỏ định kiến về "phái mạnh"

Không ít ông chồng bị vợ bạo hành cố tình che giấu. Có những người tự ru ngủ mình bằng lý lẽ “một điều nhịn, chín điều lành, có như thế thì trong nhà mới yên ổn”.

Một số phụ nữ đẩy chồng vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động “chỉ đâu đánh đấy”, thậm chí chẳng dám có ý kiến gì trong gia đình. Có nhiều người vợ còn dùng “chiêu” doạ ly dị, giành quyền nuôi con để gây áp lực với chồng hoặc khủng bố tinh thần bằng cách đập phá đồ đạc, dọa thắt cổ, uống thuốc trừ sâu tự tử.

Những cuộc chiến tranh lạnh khiến đàn ông cảm thấy sợ và không muốn đối mặt. Ảnh: kienthuc

TS Khuất Thu Hồng cho rằng ngoài lý do thiếu kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới thì khuôn mẫu, định kiến về tính cách, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình hay xã hội cũng là một nguyên nhân của việc nam giới là nạn nhân nhưng không nêu lên tình trạng của mình.

“Chúng ta sinh ra là phụ nữ hay nam giới không quyết định việc chúng ta sẽ ứng xử như thế nào. Đôi khi đàn ông Việt Nam chịu ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống sẽ nghĩ rằng mình là phái mạnh phải là trụ cột, phải là người quan trọng nhất quyết định mọi việc... Những áp lực đó cần chính đàn ông phải cởi bỏ cho mình”, TS Thu Hồng nói.

Nam giới bị bạo hành gia đình không nhiều bằng nạn nhân là nữ, song nó phản ánh một điều là nữ giới không phải lúc nào cũng là "phái yếu". Bình đẳng giới không phải lúc nào cũng là những phong trào hành động thiên về phụ nữ.

Chính những người đàn ông cũng cần được chia sẻ, được lắng nghe, thấu hiểu, bởi họ nhiều lúc cũng là nạn nhân chứ không phải lúc nào cũng đóng vai là "thủ phạm".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việc tạo một môi trường lành mạnh trong mùa hè này đang là một trong những nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh. Thay vì cho con tham gia các trại hè như xu hướng, nhiều gia đình lại lựa chọn để con trải qua một mùa hè bình thường nhưng ý nghĩa qua những công việc nhà.

Đội PCCC & CNCH Công an quận Tây Hồ phối hợp với UBND phường Phú Thượng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các gia đình, người thuê phòng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.

Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Ban soạn thảo đã bỏ quy định cấm vượt đèn vàng dù đang đi trên vạch dừng hoặc qua vạch dừng.

Theo thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet tại Việt Nam, 3/5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tỉ lệ đặt chỗ vé máy bay dịp hè của các hãng bay nội địa vẫn còn dồi dào.

Bộ Công an đã đưa thêm đề xuất quy định người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời, bảo vệ tài sản của người bị nạn.