Năm học tới Trường THPT Chu Văn An và Sơn Tây thành trường chuyên | Hà Nội tin mỗi chiều

Năm học 2024 - 2025, Hà Nội sẽ có thêm hai trường THPT chuyên là Trường THPT Chu Văn An và Sơn Tây.

Ngày 14/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Chủ tịch UBND Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cùng với việc phát triển quy mô, tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Việc xây dựng hai trường: Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường trung học phổ thông chuyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu cho Thủ đô, đồng thời thực hiện Thông tư số 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: VnExpress.

Hà Nội hiện có bốn trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm tuyển sinh hệ chuyên, gồm: THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.

Tuy nhiên, trong đó có hai trường là THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây không được gọi là trường THPT chuyên, dù hằng năm tuyển hệ chuyên nhiều hơn hệ không chuyên.

Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Lê Hồng Phong High school.

Năm học 2024 - 2025, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh vào các lớp chuyên, hai trường này vẫn tuyển sinh lớp không chuyên. Năm học tới, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của bốn trường THPT có lớp chuyên gồm Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây là 82 lớp, tổng cộng 2.970 học sinh. Trong đó, hệ chuyên tuyển mới 64 lớp với 2.240 học sinh, hệ không chuyên tuyển 14 lớp với 630 học sinh và hệ song bằng tú tài tuyển bốn lớp với 100 học sinh.

Mỗi năm, khoảng 10.000 - 13.000 lượt học sinh Hà Nội đăng ký thi vào các lớp chuyên. Điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên là tổng ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thi chuyên nhân hệ số hai, tối đa 50 điểm. Cách tính điểm xét tuyển này được duy trì nhiều năm nay. Chỉ khoảng trên 20% số thí sinh này có thể thi đỗ vào các trường chuyên, lớp chuyên.

Mỗi năm, khoảng 10.000 - 13.000 lượt học sinh Hà Nội đăng ký thi vào các lớp chuyên. Ảnh: Internet.

Năm học 2023 - 2024 vừa qua, sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn 43 học sinh so với năm 2023; nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là có hai học sinh giành hai huy chương Vàng Olympic Sinh học và Hóa học.

Những thành tích về giáo dục mũi nhọn của ngành giáo dục Thủ đô trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các trường THPT chuyên. Đây cũng là những ngôi trường có số lượng thành viên đội tuyển tham dự các kỳ Olympic quốc gia, quốc tế nhiều nhất, góp phần giữ vững vị trí dẫn đầu về chất lượng của ngành giáo dục Thủ đô nhiều năm qua.

Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn 43 học sinh so với năm 2023. Ảnh: TTXVN.

Từ lâu, mô hình trường chuyên được coi là chuẩn mực, đầu tàu tạo ra những thế hệ học sinh học tập tốt, rèn luyện tốt, ý thức tốt. Các trường chuyên vẫn luôn là niềm tự hào, là đặc sản giáo dục của mỗi địa phương. Chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình, có vai trò tiên phong cho các trường THPT khác học tập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng khẳng định: Trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trường chuyên không chỉ làm tốt vai trò, trách nhiệm đào tạo mũi nhọn mà còn thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống.

Vai trò này thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học với các trường công lập khác, nhất là dạy học các môn mới, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Giai đoạn tới đây, mô hình trường chuyên cần tiếp tục điều chỉnh, đổi mới theo hướng phát triển toàn diện năng lực học sinh, hướng đến mục tiêu phát triển tư duy sáng tạo, trí tuệ cảm xúc cho người học.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cả nước đang hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia, bằng nhiều phương cách khác nhau. Ấy vậy mà, nhiều người lại đang lợi dụng sự khốn khó của người khác để có những hành vi kiếm chác, trục lợi.

Sau bão số 3, nguy cơ mất an toàn giao thông từ những cây cầu yếu, cầu cũ lại một lần nữa được đặt ra với Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.

Lũ trên hàng loạt các con sông qua địa bàn Thủ đô Hà Nội đang lên nhanh. Lũ trên sông Hồng vượt báo động 2, đe doạ an toàn nhiều tuyến đê và tính mạng, tài sản của người dân.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề. Trận bão lũ lịch sử này khiến nhiều người nghĩ đến hai trận bão, lũ lụt cũng vào năm Giáp Thìn 1904 và 1964 đã gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Trong những thời điểm bão số 3 hoành hành, dù lo sợ trước sự tàn phá của thiên tai, thế nhưng trong khó khăn, người Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngay sau siêu bão Yagi, ngày hôm nay 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Tích.