Nắn chỉnh răng khắc phục những vấn đề về răng miệng

Răng xấu không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn làm giảm các chức năng ăn nhai, gây bệnh đau dạ dày, viêm amidan. Răng mọc chen chúc, lệch lạc rất khó làm sạch, sẽ dẫn đến các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm nướu. Ngày nay, nha khoa đã có sự phát triển không ngừng để nâng cao thẩm mỹ của con người, giúp mọi người xua tan đi lo lắng về hàm răng khấp khểnh không mong muốn của mình.

Chị Lâm Thị Hồng, 40 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội thường xuyên phải điều trị nha chu vì viêm lợi, viêm chân răng, nên hay bị chảy máu, gây hôi miệng và đau nhức. Ngoài ra, chị còn bị khớp cắn sâu, cằm lẹm, nên chị cũng buồn khi ai cũng nói chị già hơn tuổi. Mỗi lần điều trị, các bác sĩ đều khuyên chị nên nắn chỉnh răng, sẽ cải thiện tình trạng sâu răng và ăn nhai. Tuy nhiên, chị Hồng đắn đo, cho rằng ở tuổi này không biết nắn răng có hiệu quả, trong khi lại tốn món tiền lớn. “Tôi nghĩ, niềng răng chắc sẽ mất một thời gian dài, nên rất bất tiện trong sinh hoạt. Vì vậy, sau khi tìm hiểu rất lâu, tôi mới quyết định đến BV Răng hàm mặt Trung ương niềng răng bằng khí cụ tháo lắp. Đến nay, sau gần một năm nắn chỉnh răng, tình trạng sức khỏe răng miệng cải thiện rõ rệt. Tôi không bị sâu răng, hôi miệng nữa. Tôi thấy tự tin, yêu đời vì đã có nụ cười đẹp”, chị Hồng chia sẻ.

Răng mọc chen chúc, lệch lạc rất khó làm sạch, dễ dẫn đến các bệnh về răng miệng. 

Một bệnh nhân khác là chị Nguyễn Thị Hằng, 52 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang cũng đang thực hiện nắn chỉnh răng ở BV Răng hàm mặt TƯ. Trước đây ai cũng khen chị Hằng duyên dáng vì có 2 răng khểnh. Nhưng gần đây, chị Hằng thường xuyên bị sâu răng, hôi miệng, ăn thức ăn nóng hay lạnh đều bị ê buốt. Khi đi khám răng ở phòng khám gần nhà, nhân viên phòng khám đã khuyên chị chỉ cần mài rồi bọc răng sứ sẽ nhanh đẹp hơn. “ Tôi đã có tuổi, nên cũng sợ mài răng và lo bác sĩ ở phòng khám không đủ chuyên môn, nên đã lên tuyến trên. Bác sĩ BV Răng hàm mặt TƯ sau khi chụp chiếu, cho biết khớp cắn của tôi không đều, răng tôi hơi hô nhưng không phải nhổ bớt, mà chỉ cần nắn chỉnh. Tôi rất mừng vì sau gần ba năm đeo mắc cài, đến nay đã được 90%, chỉ cần đi lại vài lần nữa là xong”, chị Hằng cho biết.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng, Phó trưởng khoa Nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương

Là người trực tiếp điều trị và nắn chỉnh răng cho bệnh nhân Hằng, TS.BS Võ Thị Thúy Hồng – Phó trưởng khoa Nắn chỉnh răng – BV Răng hàm mặt Trung ương cho biết: "trường hợp của chị Hằng, nếu không nắn chỉnh mà chỉ mài răng để làm răng sứ thì chỉ sau khoảng 7-10 ngày là có hàm răng rất đẹp. Tuy nhiên khi mài răng nhỏ đi, các răng sẽ bị mài bớt các tổ chức cứng, răng sẽ suy giảm về mặt sức khỏe. Hoặc mài và làm chụp không đúng cách, có thể gây ra chết tủy, sau này gây ra các biến chứng như viêm tủy, viêm xương hàm, viêm toàn bộ quanh răng hai hàm, ảnh hưởng tới tuổi thọ của răng, gây hôi miệng và mất răng hàng loạt". Do đó: " Dù ở lứa tuổi nào đi nữa, bạn luôn ước muốn có hàm răng đều, đẹp và khoẻ mạnh. Răng khấp khểnh sẽ khiến bạn khó vệ sinh răng miệng và dễ gây sâu răng và viêm quanh răng. Theo tuổi tác sẽ có hiện tượng mất collagen và dẫn đến giảm thể tích và độ rỗng trên khuôn mặt và điều này làm ảnh hưởng đến hàm răng, răng dưới lộ rõ hơn. Khi tuổi càng cao mức độ khấp khểnh răng sẽ càng tăng”, bác sĩ Hồng nhấn mạnh.

Nắn chỉnh răng có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. 

Bác sĩ Hồng cũng cho biết thêm, hiện nay có hai phương pháp để nắn chỉnh răng là nắn chỉnh răng cố định với mắc cài và nắn chỉnh răng với hàm tháo lắp, trong đó khay chỉnh nha trong suốt là một trong các hàm tháo lắp. Nắn chỉnh răng có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý toàn thân (như tiểu đường) và tại chỗ (bệnh lý nha chu) ảnh hưởng tới sự dịch chuyển răng. Khả năng thích nghi của người cao tuổi thấp hơn so với người trẻ và trẻ em. Vì vậy, khi điều trị nắn chỉnh răng ở người cao tuổi cần kiểm soát tốt các vấn đề nha chu, sâu răng, rối loạn thái dương hàm. Phối hợp điều trị liên chuyên khoa, một kế hoạch điều trị toàn diện được lên bởi một nhóm bác sĩ gồm bác sĩ nắn chỉnh, bác sĩ nha chu, nội nha, bác sĩ phục hình, bác sĩ cấy ghép… để kết quả điều trị đạt được thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Thời gian đeo hàm duy trì của người lớn tuổi cũng dài hơn so với người ít tuổi.

Nắn chỉnh răng là quá trình tác động lực từ từ vào hàm răng để từng bước sắp xếp lại trật tự của các răng, qua đó điều chỉnh hàm răng theo ý đồ bác sĩ. Trong quá trình này, các bác sĩ phải thực hiện nhiều thao tác khác nhau trên từng trường hợp bệnh nhân, vì vậy, bác sĩ nắn chỉnh răng phải là người có chuyên môn sâu về nắn chỉnh răng, tuân thủ đúng các quy trình niềng răng để đảm bảo kỹ thuật./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

user image
user image
User
Ý KIẾN

Đa số các bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thường chuyển biến rất nặng, khiến bác sĩ khó khăn khi lựa chọn phác đồ điều trị, thậm chí bất lực trong việc cứu người bệnh. Kháng thuốc không chỉ là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi mà còn là nỗi sợ hãi của các bác sỹ khi các phác đồ điều trị không đạt hiệu quả.

Theo Sở Y tế, chiến dịch cho trẻ uống bổ sung Vitamin A đợt 2/2023 trên địa Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12, uống vét vào ngày 3 và 4/12. Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần từ ngày 17 - 23/11, thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, đã giảm 239 ca so với tuần trước đó.

126 học sinh trường Trung học Cơ sở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ăn một loại kẹo lạ có in chữ nước ngoài được bán ngoài cổng trường, trong đó có 5 em nghi bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chương trình “Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV”.