Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân

Sở Y tế cần sớm rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô nhằm bảo đảm sự bao trùm, đồng đều, mang tính dự báo, tạo sự hấp dẫn trong đầu tư đối với lĩnh vực y tế. Song trước mắt, cần quan tâm đến vấn đề y tế học đường và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đồng thời, chú trọng phát triển y tế cơ sở và nguyên lý y học gia đình, bởi đây là những giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành Y tế Thủ đô.
Toàn cảnh hội nghị

Sáng 29/2, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” tại Sở Y tế Hà Nội. Tham gia Đoàn giám sát số 3 có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Trần Thế Cương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên của Đoàn giám sát số 3.

Sở Y tế đã hoàn thành vượt mức 7/9 chỉ tiêu 

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được Sở Y tế chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tác động lan tỏa, khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình. Đến nay, Sở Y tế đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 7/9 chỉ tiêu kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công. Về chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân, tổng số bác sĩ hiện có của thành phố là 14.116. Cụ thể, số bác sỹ trong các cơ sở y tế công lập là 5.080 người; số bác sỹ trong các cơ sở y tế tư nhân là 5.030 người. Trong đó, 40,2% số bác sỹ của các Bệnh viện Trung ương, bộ, ngành phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội tương đương 4.006 người. Như vậy, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hiện nay đạt 16,6 bác sĩ/vạn dân.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo với Đoàn giám sát.

Sở Y tế được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác trình phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội với tổng số 40 dự án. Các dự án do Sở Y tế lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là 26 dự án. Các dự án UBND thành phố giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương là 14 dự án. Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trong Chương trình số 08-CTr/TU còn chưa đảm bảo yêu cầu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các ý kiến của thành viên trong Đoàn kiểm tra đã làm rõ thêm một số kết quả của ngành Y tế Thủ đô trong thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU. Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố và Sở Y tế đã có sự ký kết quy chế phối hợp, nhờ đó việc thực hiện cấp thẻ và quản lý thẻ bảo hiểm y tế hiệu quả hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân từ thành phố đến tuyến huyện. Đáng kể, không còn ý kiến kêu ca, phàn nàn về sự phân biệt cũng như chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh giữa người có bảo hiểm y tế và không có. Cùng với đó, việc chăm sóc sức khỏe học đường được cải thiện, số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường giảm.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị.

Trao đổi làm rõ các nội dung báo cáo và kiến nghị của Sở Y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà biểu dương những kết quả mà đơn vị đạt được trong thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU, đặc biệt là tỷ lệ giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân được tăng cao nhờ sự đầu tư của thành phố. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng đề nghị Sở Y tế đánh giá thực trạng việc thiếu giường bệnh tại Hà Nội hiện nay khi không có sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương; các giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng) để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Chia sẻ với những khó khăn mà ngành Y tế Thủ đô đang gặp phải, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đơn vị cần có đánh giá khách quan số liệu từng chỉ tiêu, tiêu chí mà Chương trình 08-Ctr/TU đề ra (tỷ lệ sinh, quy mô dân số…) để từ đó có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới; đồng thời có những dự báo trong cả nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc giám sát tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình công tác trong 10 Chương trình toàn khóa của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa quan trọng để đánh giá thực trạng, từ đó có các đề xuất các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, Chương trình 08-Ctr/TU có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội cũng như các chính sách liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế - những lĩnh vực liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân.

Phó bí thư Thành uỷ biểu dương những kết quả nổi bật mà Sở Y tế đạt được trong triển khai Chương trình 08-Ctr/TU, trong đó có những chỉ tiêu cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Sở Y tế triển khai khối lượng công việc lớn, nhiều việc mới, khó như ứng dụng sổ khám chữa bệnh điện tử; triển khai các dự án đầu tư bệnh viện theo phân cấp. Đồng thời, tham mưu thành phố về một số cơ chế, chính sách liên quan đến y tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đầu tư phát triển cho hệ thống y tế cơ sở, tích cực chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và sự phối hợp với các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà ngành Y tế Thủ đô trong triển khai Chương trình 08-Ctr/TU, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Y tế cần có sự so sánh các chỉ tiêu, số liệu với nhiệm kỳ trước và so với phạm vi cả nước để có đánh giá khách quan hơn. Từ đó phân tích làm rõ nguyên nhân hạn chế và có những đề xuất cụ thể liên quan đến các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực y tế.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Y tế sớm rà soát lại quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô nhằm bảo đảm sự bao trùm, đồng đều, mang tính dự báo, tạo sự hấp dẫn trong đầu tư đối với lĩnh vực y tế. Đối với những vấn đề mang tính căn cơ, phổ quát trong lĩnh vực y tế mà các đô thị lớn đang gặp phải, Sở Y tế cần có đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu thành phố có giải pháp chiến lược, lâu dài như: vấn đề già hóa dân số, mô hình bệnh tật, ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế… Trước mắt, Sở Y tế cần quan tâm đến vấn đề y tế học đường và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. đồng thời chú trọng phát triển y tế cơ sở và nguyên lý y học gia đình, bởi đây là những giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành Y tế Thủ đô./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

100% trạm y tế ở 10 tỉnh vùng cao, miền núi, khó khăn sẽ được triển khai khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiếp nhận 7 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt của chó bị bệnh.

Sở Y tế Hà Nội và Cơ quan Quản lý các bệnh viện công Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng - mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việc phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 37 quy định nguyên tắc xây dựng, cập nhật danh mục thuốc, các tiêu chí xem xét thuốc đưa vào danh mục, xem xét thuốc cần quy định tỉ lệ, điều kiện thanh toán BHYT, xem xét đưa thuốc ra khỏi danh mục; bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện.