Nâng cao đời sống giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục | Hà Nội tin mỗi chiều

Nâng cao đời sống giáo viên góp phần tăng chất lượng giáo dục; Nhiều trường đại học bỏ tuyển sinh bằng xét học bạ... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Nâng cao đời sống giáo viên góp phần tăng chất lượng giáo dục 

Hôm qua (5/1), thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Trong chỉ thị có nêu cần đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến.  Đặc biệt, tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Chính sách đãi ngộ bao gồm tiền lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên là một động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, các chính sách địa phương như hỗ trợ về nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc cũng là những điều kiện quan trọng giúp giáo viên yên tâm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là hơn 1 triệu 200 ngàn người, trong đó công lập chiếm hơn 88,5%, ngoài công lập chiếm hơn 11,4%. Đây sẽ là đối tượng được cải cách tiền lương năm 2024.

Báo cáo của Bộ Nội vụ về chế độ tiền lương cho thấy, hiện tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung và còn được hưởng các chế độ ưu đãi như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo; phụ cấp thâm niên nghề dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng các khoản phụ cấp thu hút; phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70%; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn; phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với một số ngành nghề khác, nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Cụ thể, từ năm 2024, Nghị quyết quy định khi thực hiện cải cách tiền lương, tiền lương thấp nhất của giáo viên sẽ có thể cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Như vậy, so với hiện nay, cơ cấu lương giáo viên khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng. Đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo hệ số nhân với mức lương cơ sở như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm, là con số cụ thể, đảm bảo không thấp hơn lương hiện tại.

Thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều người phải nghỉ chuyển việc hoặc phải làm thêm, dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Với đợt cải cách này, chúng ta có thể kỳ vọng phần lớn giáo viên sẽ sống được bằng lương, tạo động lực lớn để mọi giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, nhảy việc, cũng là cơ hội nâng tầm vị thế nhà giáo, nâng tầm vị thế ngành sư phạm trong thời gian tới. Bởi nâng cao đời sống giáo viên cũng là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều trường đại học bỏ tuyển sinh bằng xét học bạ

Nhiều năm qua, các trường đại học duy trì phương thức tuyển sinh bằng học bạ trung học phổ thông. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh này gây ra nhiều ý kiến khác nhau vì thực tế có tình trạng chạy điểm, làm đẹp học bạ, tiêu cực trong đào tạo. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã thông báo trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của nhà trường sẽ không tuyển sinh bằng xét học bạ. Trong khi mọi năm, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu. Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (giảm 7% so với năm 2023), 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

Cùng với Đại học Kinh tế Quốc dân mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học top đầu cũng tuyên bố sẽ bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào. Cụ thể, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông và đánh giá tư duy. Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm 2024 từ 20% lên 40%. Tính đến mùa tuyển sinh 2023, gần 40 cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đại học. Còn với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả này. Dự kiến năm nay con số còn tăng lên.

Giữ ổn định phương thức xét tuyển, nhưng sẽ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu cho mỗi phương thức khác nhau là định hướng tuyển sinh năm nay nhiều trường sẽ áp dụng. Việc xét tuyển bằng điểm học bạ nhiều năm qua đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. "Lạm phát" điểm học bạ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và là tình trạng báo động đến mức có cử tri đề nghị Bộ Giáo duc & Đào tạo bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì có một số trường hợp "chạy điểm" nhằm mục đích làm đẹp học bạ, một số giáo viên cũng tạo điều kiện, nới lỏng tay khi chấm điểm cho học sinh hơn. Việc bỏ xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông của hàng loạt trường năm nay là một quyết định dựa trên sự cân nhắc nhiều chiều, đây có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đó cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực thế thay vì chỉ học để được điểm cao.

Đặc biệt, việc các trường tuyên bố bỏ xét tuyển học bạ đã phải cân nhắc dựa trên các số liệu đánh giá tổng kết như: Đánh giá xem liệu phương thức tuyển sinh nào có tương quan tốt với kết quả học tập của sinh viên khi học tại trường; sinh viên trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh nào thì có xu hướng cam kết với ngành học cao hơn, không bỏ giữa chừng; sử dụng phương thức xét tuyển nào thì đỡ tỉ lệ thí sinh ảo hơn… Bên cạnh đó, hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh. Điểm học bạ chỉ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, thì các trường phổ thông vẫn phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức là nơi kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Thủ đô.

Thành phố Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện gây ô nhiễm môi trường và dự kiến sẽ được thí điểm vào đầu năm sau. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.

Nhiều người Hà Nội và du khách giờ đây đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, trong đó có đường sắt trên cao. Sáng 9/11, Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã diễn ra.