Nâng cấp giao thông Hà Nội xứng tầm Thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều

Nâng cấp giao thông Hà Nội xứng tầm Thủ đô; Bộ Công an đề xuất quy định nhà ở bắt buộc có lối thoát nạn... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Nâng cấp giao thông Hà Nội xứng tầm Thủ đô

Giao thông vận tải được xem là xương sống đối với sự phát triển của Thủ đô. Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước, Hà Nội đang đẩy mạnh khâu quy hoạch trong đó có việc nâng cấp giao thông xứng tầm Thủ đô. Hà Nội có đầy đủ cả bốn phương thức giao thông gồm: hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy.

Giao thông Hà Nội những năm gần đây được đánh giá có những thay đổi đáng kể về diện mạo, giảm nhiệt tương đối hiệu quả áp lực ùn ứ vào giờ cao điểm. Đặc biệt, một số công trình hạ tầng giao thông đã và đang từng bước hoàn thiện, tăng khả năng kết nối, nâng tầm đô thị Thủ đô văn minh, hiện đại, có thể kể đến tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội 2A Cát Linh - Hà Đông.

Giao thông vận tải được xem là xương sống đối với sự phát triển của Thủ đô. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới chỉ đạt 18,5%, thấp hơn nhiều so với các thủ đô phát triển trên thế giới. Ùn tắc giao thông vẫn làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Ước tính mỗi năm ùn tắc giao thông làm xã hội thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD.

Để đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đồ án Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải đáp ứng các tiêu chí: bền vững, thông minh, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về vận tải của Thủ đô trong tương lai và cung cấp một hệ thống giao thông phục vụ có chất lượng cao.

Theo quy hoạch, Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải bao gồm: mạng lưới đường bộ bao gồm 13 tuyến cao tốc trên địa bàn thành phố, ba tuyến cao tốc vành đai và hai tuyến cao tốc đô thị gồm cao tốc Nội Bài - Nhật Tân; cao tốc phía Nam kết nối hai vùng Thủ đô, hoàn thiện 10 tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội trong quá trình hoàn thiện sẽ thống nhất, kết nối chặt chẽ. Ảnh: Nguyễn Quang/ Hanoimoi.

Cải tạo, nâng cấp hệ thống 38 tuyến đường tỉnh hiện có, đầu tư xây mới 7 tuyến đường tỉnh. Đầu tư xây dựng mới hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Để hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối vùng và quốc tế, trong quy hoạch, Hà Nội sẽ mở rộng, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, đưa vào khai thác lưỡng dụng sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm. Phát triển hệ thống giao thông công cộng gắn với chuyển đổi giao thông xanh.

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, để hoàn thành được mục tiêu đề ra, điều quan trọng nhất là thành phố Hà Nội phải chọn ra những dự án vừa bảo đảm khả thi, vừa phát huy tác dụng đối với toàn cục. Bên cạnh đó, phải tận dụng tốt những cơ sở vật chất hiện có để chọn ra các tuyến đường sắt đô thị sẽ triển khai đầu tư xây dựng, ứng dụng những công nghệ mới vào quá trình thực hiện. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông, thành phố cũng phải có những biện pháp hành chính, kinh tế để người dân nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mạng lưới giao thông công cộng văn minh, hiện đại.

Bộ Công an đề xuất quy định nhà ở bắt buộc có lối thoát nạn

Trước thực trạng Luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành đang bộc lộ những bất cập, Bộ Công an đã soạn thảo dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó đề xuất quy định bắt buộc nhà ở phải có phương án thoát nạn và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng.

Trong dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình Quốc hội dự án luật. Ảnh: Media Quốc hội

Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, phải thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài việc bảo đảm các điều kiện vừa nêu thì còn phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, ngoài kế thừa quy định hiện hành, dự luật đã bổ sung quy định mới để khắc phục những vướng mắc hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy. Trong đó, dự thảo quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao yêu cầu cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Để đáp ứng đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là sự phối hợp của người dân. Đầu năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 32 đối với nhà ở riêng lẻ hay còn gọi là nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tuân thủ các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo quy định, nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh phải có một lối thoát nạn, tối thiểu một lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phố lên đèn cũng là lúc bữa tiệc của những tay chơi bắt đầu. Những âm thanh chát chúa vang lên. Tất nhiên không thể thiếu đồ uống có cồn và cả bóng cười. Thoạt nhìn, những quả bóng được thổi lên chẳng khác nào chiếc bóng bay thông thường. Nhưng bên trong nó lại không hề đơn giản.

Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.