Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 | Hà Nội tin mỗi chiều

Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ diễn ra trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khi kỳ nghỉ hè của học sinh còn chưa bắt đầu; Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4

Hôm nay (26/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra nhiều khu vực trên cả nước, riêng phía Bắc, vùng nắng nóng còn mở rộng. Không chỉ Tây Bắc Bộ mà nắng nóng trên 35 độ C còn xảy ra diện rộng ở khu vực đồng bằng trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả ba miền sẽ phải đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Đây là hiện tượng thời tiết chưa từng xảy ra trong 10 năm trở lại đây. Thủ đô Hà Nội khả năng cao sẽ đạt mức nhiệt tới 37-38 độ C, còn phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa trở vào đến Bình Định, Phú Yên, nhiệt độ từ 37-39 độ C, vùng núi phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Ngãi nhiệt độ khả năng lên tới 39-41 độ C.

Ảnh minh họa

Khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong những ngày nghỉ lễ này cũng xảy ra nắng nóng với mức nhiệt ở khu vực Tây Nguyên dự báo khoảng 35- 37 độ C, khu vực Nam Bộ nhiệt độ từ 36-38 độ C. Các chuyên gia cũng lưu ý  những con số vừa nêu là nhiệt độ trong lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế mà con người cảm nhận thường cao hơn từ 2 - 4 độ C. Ở những nơi nhiều cây xanh và cảnh quan tự nhiên nói chung thì nhiệt độ cảm nhận cao hơn không đáng kể, còn với những nơi bê tông càng nhiều và các hoạt động kinh tế xã hội càng phát triển thì nhiệt độ cảm nhận càng tăng cao. Khi trời xuất hiện nhiều mây và độ ẩm trong không khí tăng thì cảm giác oi bức càng khó chịu hơn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho hay, những ngày tới đáng lưu ý nhất vẫn là tình trạng nắng nóng. Dự báo xa hơn, từ nay cho đến tháng 6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Các chuyên gia khí tượng lưu ý, trong giai đoạn chuyển từ El Nino sang La Nina, thời tiết thường có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật và khó dự báo do chưa có sự ổn định của hệ thống hoàn lưu quy mô lớn.

Từ ngày mai, người dân cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, nắng nóng gay gắt có lẽ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhiều người. Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn trong những ngày nghỉ lễ vẫn là điều cần được đặt lên hàng đầu. Để hạn chế tác động của nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm 

Liên tiếp xảy ra trường hợp các trẻ em thiệt mạng vì đuối nước ở nhiều nơi mặc dù chưa vào hè. Không chỉ ở những nơi có nhiều sông ngòi, ao hồ mà nguy cơ đuối nước khiến trẻ thiệt mạng tiềm ẩn ở nhiều nơi khác nhau. Mùa nắng nóng được nghỉ học khiến nguy cơ đuối nước ở trẻ lại càng tăng cao. Cần phải làm gì để đuối nước không cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em đó là điều đang được dư luận rất quan tâm.

Mới chỉ trong tháng 4, khi kỳ nghỉ hè của học sinh còn chưa tới đã có rất nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Ngày 23/4, khi được nghỉ học nhóm học sinh đã rủ nhau ra khu vực đập Bái Thượng, tỉnh Thanh Hóa để bơi, một học sinh lớp 8 bị đuối nước và mất tích. Ngày 22/4, tại Đắk Lắk, 3 học sinh tiểu học rủ nhau xuống hồ tắm và rơi vào vùng nước sâu nên bị chết đuối. Cũng trong ngày 22/4, 2 học sinh lớp 5 tại tỉnh Hòa Bình cũng tử vong do đuối nước trong lúc bơi sau giờ học, khu vực đập thủy lợi nơi các em gặp nạn nằm cách xa khu dân cư.

Mất đi những đứa con vì những tai nạn không đáng có như đuối nước là những nỗi đau không thể kể hết của nhiều gia đình, song những trường hợp vừa rồi mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ thực tế về tai nạn đuối nước trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi; tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi đuối nước mỗi năm. Gần  2.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm do đuối nước. Con số này chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người phải giật mình.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt cao, từ người lớn tới trẻ nhỏ đều thích đi bơi tại các ao, hồ, sông…Theo các chuyên gia, việc dạy bơi cho trẻ là chưa đủ, bởi giữa việc bơi thành thục trong bể với bơi ngoài môi trường sông, hồ, biển là hoàn toàn khác nhau. Ngoài biết bơi, các em còn cần thành thục các kỹ năng đối phó với tai nạn đuối nước như gặp vùng nước xoáy, bị chuột rút.... Quan trọng nhất là giúp các em nhận thức được khu vực nguy hiểm. Thực tế có rất nhiều nạn nhân tử vong trong các vụ đuối nước đã biết bơi.

Cũng có ý kiến cho rằng, những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em ngày hè là do bố mẹ các em thiếu sự quan tâm, không dành thời gian cho các em. Điều này không sai nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những vụ việc đã xảy ra. Đặc biệt ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, hoặc bố mẹ đi làm cả ngày chỉ có anh chị em tự trông nhau ở nhà. Do đó ngoài kỹ năng bơi lội, các em cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác để không gặp phải những sự việc đáng tiếc.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Khi có sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, nhà trường và sự phối hợp, giám sát của phụ huynh thì chúng ta mới có thể phòng chống đuối nước hiệu quả và để cho mùa hè không còn là nỗi bất an thường trực với nhiều gia đình.

Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam

Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là đánh giá của các tổ chức và chuyên gia quốc tế đối với Việt Nam về những thành tựu về phát triển con người trong thời gian vừa qua. Điều này một lần nữa khẳng định nỗ lực đảm bảo quyền con người cũng như xây dựng một xã hội mà sự phát triển thực sự vì con người.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển con người (gọi tắt là HDI) mới nhất, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107 tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP đã đánh giá Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong tiến trình giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 46% thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo các tổ chức và chuyên gia quốc tế, đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển.

Ảnh minh họa

Phát triển vì con người, đảm bảo quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người với cách tiếp cận toàn diện. Các nỗ lực, sáng kiến nhằm đảm bảo quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tháng 4 năm nay, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Sự ghi nhận của quốc tế trước những thành tựu về quyền con người, sự phát triển con người của Việt Nam không chỉ khẳng định những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mà còn là minh chứng, những bước hiện thực hóa thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội".

Phát triển con người chính là sự phát triển mang tính nhân văn, giúp người dân được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và có được một cuộc sống ấm no. Và chỉ số này  được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển toàn diện của các quốc gia, được giới nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách sử dụng rộng rãi. Đây sẽ là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung của cả nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đang giữa cái nắng nóng 39-40 độ C, hai hôm nay thời tiết Hà Nội bỗng mưa dông, sấm chớp và se lạnh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về những dị thường của thời tiết trong thời gian gần đây.

Cả nước đón 8 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; 5 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; Từ 2/5, thí sinh đăng ký thi tốt THPT năm 2024... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục; Từ 2/5, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng du khách không tăng đột biến... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Việt Nam thu hút thêm gần 9,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội thu hút gần 1,2 tỷ USD; Nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu dịp nghỉ lễ đang diễn ra tại Hà Nội; Người dân cần cảnh giác chiêu trò lừa đảo dịp lễ là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Có nên phạt nguội đối với người đi xe máy vi phạm luật?; Hệ lụy của tình trạng "chặt chém" khách du lịch; Giá chung cư Hà Nội tăng kỷ lục trong vòng 5 năm qua;... là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP; 95% giao dịch thu phí gửi xe không dùng tiền mặt thành công; Chuẩn bị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn;… là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.