Nao nức Tết ngày rằm tháng Chạp
Không khí Tết ngập tràn các tuyến phố
Dọc theo con phố Hàng Mã ngày này, dễ dàng cảm nhận được hơi thở của Tết. Đồ trang trí truyền thống với tông màu đỏ vàng rực rỡ như câu đối, mành, quạt, đèn lồng... là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn để trang trí nhà cửa mỗi khi xuân về. Giá cả của những đồ trang trí này dao động từ 200.000-600.000 đồng tùy thuộc vào kích cỡ, mẫu mã của từng sản phẩm.
Phố Tạ Hiện cũng trở nên nhộn nhịp, tấp nập khi nhiều bạn trẻ trong trang phục áo dài truyền thống đủ màu sắc tạo dáng chụp ảnh. Phố Tạ Hiện, với không gian hoài cổ, lối kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20, rất thích hợp cho những người mong muốn chụp những bộ ảnh phong cách vintage, xưa cũ.
Không khí nao nức chờ đón Tết cũng theo những tà áo dài đến không gian hồ Gươm với tháp Rùa cổ kính trầm mặc, cầu Thê Húc đậm tươi sắc đỏ và đền Ngọc Sơn thấp thoáng dưới tán cây. Đây là không gian lý tưởng để những thiếu nữ phô diễn thanh xuân cùng tà áo dài.
Sắc xuân của những chậu bưởi, cành đào, cây quất... đang bao phủ khắp phố phường Thủ đô Hà Nội. Cảnh người mua kẻ bán tấp nập càng làm không khí đón Tết thêm nhộn nhịp. Theo đánh giá từ các tiểu thương, giá đào và quất cảnh năm nay dự kiến sẽ tăng nhẹ so với mọi năm. Nguyên nhân chính được cho là do thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vừa qua.
Tết về trên những gánh hàng rong
Năm nay Tết sớm nên có lẽ ai cũng cảm thấy vội vã hơn, tất bật hơn trong nhịp sống hối hả đang trôi về những ngày cuối cùng của năm. Hòa cùng dòng người ngược xuôi trên phố thời điểm này, những gánh hàng rong với nhiều mặt hàng rất đặc trưng như một chỉ dấu của Tết đã len lỏi khắp các phố phường.
Ngày cận Tết, những người phụ nữ từ ngoại thành, từ tỉnh lân cận vào nội thành Hà Nội buôn bán. Trên vai họ những ngày này là gánh hàng hoa nhiều màu sắc.
Từ Bắc Giang lên Hà Nội để bán hoa dịp Tết, bà Lê Thị Đoan ngày ngày đến khắp các ngả đường, từ những con phố nhỏ đến những khu chợ đông đúc. Dù nay đã là ngày rằm tháng Chạp, thế nhưng gánh hoa của bà vẫn vắng khách.
Bà Đoan chia sẻ: "Năm nay hoa bán khá chậm. Tầm này năm ngoái là tôi đã bán hết hoa rồi. Năm nay tiêu thụ chậm, do lũ lụt nên cũng không có nhiều hàng nhưng chúng tôi cũng không bán được mấy".
Nhiều người bán hàng rong cũng giống bà Đoan, là những phụ nữ miền quê, từ sáng sớm đã tất bật chuẩn bị những bó hoa tươi, mang đến từng con phố với niềm hy vọng góp Tết cho mọi nhà, để có Tết cho nhà mình.
Với đôi quang gánh trên vai, những người bán rong mang hương sắc của mỗi vùng quê qua từng con phố tấp nập, làm vừa lòng người dân thành phố. Những bó rau xanh mướt, những củ quả tươi ngon, những món đồ làm nên sắc hương Tết cho mỗi căn nhà, những thức quà thân thuộc...
Những gánh hàng rong và tiếng rao ngày cận Tết đã trở thành một phần không thể thiếu của nhịp sống đô thị. Nó không chỉ là một công việc mưu sinh đơn thuần, mà còn giúp cho bức tranh phố xá thêm phần đa sắc, sinh động, đặc biệt trong những ngày cuối năm khi mọi người hướng đến một cái Tết đoàn viên, ấm cúng.
Nao nức rằm tháng Chạp
Trên các con phố chuyên bán hàng hóa phục vụ Tết như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Buồm... người bán, người mua tấp nập. Đủ loại mặt hàng trang trí, từ câu đối, đèn lồng đến dây pháo, bao lì xì... mang đến cảm giác xuân đang đến rất gần.
Vào ngày rằm tháng Chạp, NTK Nguyễn Thị Xuân Hồng dành thời gian đi lựa chọn những cành hoa, cây cảnh để trang trí nhà đón Tết. Là người sinh ra ở Hà Nội, Tết Nguyên đán với chị Hồng là phải có đào, có quất, phải có những món ăn truyền thống trong mâm cúng ngày Tết.
Chị Hồng cho biết: "Đối với mình, Tết đã thấm đẫm vào tâm hồn và tâm thức của mình từ khi còn còn nhỏ nên khi được sống giữa bầu không khí Tết ở Việt Nam như thế này mình thấy như được hòa nhập vào cùng không khí chung của cả dân tộc".
Nhiều năm liền đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài nên chị Hồng rất trân trọng những giây phút được đi dạo chợ Tết và trải nghiệm không khí Tết ở quê nhà.
Còn với gia đình chị Đinh Quỳnh Trang (phường Khương Thượng, Đống Đa), không khí Tết đã rất nao nức. Mặc chiếc áo "Tết nhà mình" dạo phố, gia đình nhỏ này đã có những giây phút vui vẻ cùng nhau lựa chọn đồ trang trí, trải nghiệm không khí những ngày cận Tết. Câu đối, đèn lồng, cành hoa... những món đồ này mang đến sự tươi mới cho không gian sống, đồng thời cũng là lời cầu chúc tốt lành, gắn kết tình cảm gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Những người đi mua sắm Tết ngày này, dù là già hay trẻ, đều thể hiện sự háo hức, vui tươi. Những gương mặt tươi rói, những ánh mắt hân hoan như báo hiệu một cái Tết an lành và một mùa xuân tươi mới đang đến gần.
Sáng nay (19/1), Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng 100 kiều bào tiêu biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên - Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng Phu nhân và kiều bào đã dâng hương tại Điện Kính Thiên, cùng bày tỏ lòng thành kính cầu cho quốc thái dân an, đất nước bước vào năm mới với nhiều thành công đột phá hơn nữa.
Khoảng 5h sáng 19/1, trên Đại lộ Thăng Long tại khu vực nút giao Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa nhiều xe ô tô.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, miền Bắc sắp đón một đợt không khí lạnh cực mạnh, dự kiến ảnh hưởng từ ngày 21/1, khiến nhiệt độ giảm sâu và rét đậm trên diện rộng.
Tại quận Ba Đình, Hà Nội, đông đảo người dân đang cùng nhau chung tay dọn dẹp vệ sinh, xóa bỏ các điểm rác tồn đọng và trang hoàng cờ hoa để chuẩn bị đón chào năm mới.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố vừa có Văn bản số 01về việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành.
0