Nền 'kinh tế ly hôn' phát triển tại Trung Quốc

Tan Mengmeng, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cưới cho biết cô đã chuyển hướng dịch vụ chụp ảnh của mình sang các vụ ly hôn, sau khi chứng kiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các văn phòng xử lý ly hôn.

Tan Mengmeng kiếm sống bằng việc ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của các cặp đôi. Tuy nhiên, khi tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc ngày càng giảm, cô gái 28 tuổi này, chủ một studio chụp ảnh ở tỉnh Hà Nam, cảm thấy cần phải thích ứng để duy trì nguồn thu nhập.

Nhận thấy sự gia tăng xu hướng ly hôn trong xã hội, Tan đã quyết định mở rộng dịch vụ của mình. Không chỉ ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn khi các cặp đôi trao nhau lời thề ước, mà giờ đây, cô còn chụp ảnh cho những lễ kỷ niệm đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hôn nhân.

Kể từ năm ngoái, cô đã thực hiện khoảng 30 buổi chụp ảnh cho những cặp vợ chồng đang trong quá trình cắt đứt mối quan hệ hôn nhân. Trong những bức ảnh của mình, Tan đã ghi lại không chỉ nỗi buồn mà còn cả sự giải thoát và niềm vui khi họ bắt đầu một chương mới trong cuộc sống.

“Đây thực sự là một công việc kinh doanh tốt. Cuối cùng, dù là niềm vui hay nỗi buồn, tất cả đều xứng đáng được lưu giữ”, Tan chia sẻ về những gì cô đã làm.

Sự thay đổi về mục đích chụp ảnh của các nhiếp ảnh gia đám cưới như Tan Mengmeng sẽ còn tiếp diễn khi theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang giảm mạnh, từ mức khoảng 13 triệu vào năm 2013 xuống dưới 7 triệu vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1985.

Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhẹ cặp đôi kết hôn, lên tới 8 triệu, nhưng các nhà chức trách vẫn lo ngại khi số vụ ly hôn đã tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 4,7 triệu vụ vào năm 2019, cao gấp hơn 4 lần so với hai thập kỷ trước.

Giấy ly hôn được nhiều phụ nữ Trung Quốc coi là “giấy chứng nhận hạnh phúc” - Ảnh: Xinhua.

Hai sự thay đổi này đã góp phần làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt, một cuộc khủng hoảng đã trầm trọng hơn do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dân số già đi nhanh chóng và thực tế là ngày càng ít phụ nữ muốn sinh con.

"Bước đột phá" của Tan Mengmeng khi gia nhập "nền kinh tế ly hôn" đang phát triển của Trung Quốc phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong cách nhìn nhận hôn nhân của người dân nơi đây. Trước kia, ly hôn bị xem là điều cấm kỵ trong xã hội, nơi mà giá trị của sự đoàn kết và ổn định gia đình luôn được coi trọng, đặc biệt ở một quốc gia đề cao các giá trị truyền thống như Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng nhiều người trẻ chọn lựa không kết hôn, và nếu quyết định kết hôn, họ cũng có xu hướng dễ dàng chấp nhận ly hôn nếu hôn nhân không suôn sẻ.

Sự chuyển mình trong văn hóa này đã mở ra cơ hội lớn cho ngành chụp ảnh ly hôn, không chỉ cho Tan mà còn cho nhiều nhiếp ảnh gia khác đang tìm kiếm cách tăng thu nhập. Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, những bức ảnh về các cặp đôi trong những khoảnh khắc ký giấy ly hôn hay chụp cùng giấy chứng nhận ly hôn đã trở nên phổ biến.

Một người dùng đã chia sẻ bức ảnh kèm chú thích hài hước: "29 tuổi. Ly hôn vui vẻ nhé", bên cạnh hình ảnh giấy chứng nhận kết hôn và ly hôn của mình, thể hiện một cách nhìn tích cực và nhẹ nhàng về một giai đoạn trong cuộc sống.

Một cặp đôi ly hôn đứng trước Sở dân chính ở Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Tan Mengmeng.

Nhanh chóng chớp lấy cơ hội kinh doanh, các công ty đã đưa ra dịch vụ độc đáo giúp loại bỏ những kỷ vật của cuộc hôn nhân đã qua như một nghi lễ. Việc này không chỉ đơn thuần là dọn dẹp đồ đạc mà còn là một cách để các cặp đôi đã ly hôn tìm thấy sự giải thoát khỏi những kỷ niệm cũ.

Theo bà Peng Xiujian, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Victoria ở Australia, sự thay đổi trong cách nhìn nhận hôn nhân của thế hệ trẻ cho thấy họ ưu tiên hơn cho tự do cá nhân và phát triển sự nghiệp bản thân. Bà nhấn mạnh rằng ngày càng ít người cảm thấy cần thiết phải duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc chỉ vì lý do vẻ bề ngoài hoặc nghĩa vụ xã hội.

Với kinh nghiệm nghiên cứu các xu hướng nhân khẩu học ở Trung Quốc, bà Peng cho biết sự suy giảm tỷ lệ kết hôn cũng chịu ảnh hưởng từ những yếu tố kinh tế và xã hội, như môi trường làm việc căng thẳng, thị trường lao động cạnh tranh và chi phí sinh hoạt ngày càng cao.

Tan Mengmeng cho rằng việc ly hôn hiện nay không còn bị xem là điều đáng xấu hổ. “Dũng cảm ly hôn không có gì phải ngại cả. Cả hai bên vẫn có tình nghĩa và họ muốn kỷ niệm mối quan hệ này”, cô chia sẻ.  Một trong những cặp đôi mà Tan chụp hình đã chọn một nhà hàng nơi họ lần đầu hẹn hò. Họ gọi những món ăn gợi nhớ về quá khứ và ngồi đối diện nhau trong im lặng. “Cuối buổi chụp hình, cả hai đều khóc”, Tan kể lại.

Cô hiểu rằng mặc dù giữa họ vẫn có sự quan tâm, nhưng áp lực từ gia đình và công việc đã khiến họ mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải cuộc chia tay nào cũng đầy cảm xúc. Trong một buổi chụp hình khác, một người đàn ông chỉ ngồi nghịch điện thoại trong suốt thời gian chụp, trong khi người phụ nữ bên cạnh bắt đầu khóc. Khi Tan đưa cho cô những bức ảnh, cô nhận ra có rất ít bức có hình chồng cũ. “Tôi không dám nói với cô ấy rằng chính người chồng đã yêu cầu tôi không chụp mặt anh ấy”, Tan chia sẻ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tan phát hiện ra rằng người đàn ông đó đã thuê một nhiếp ảnh gia khác để chụp ảnh cưới với người bạn đời mới của mình, điều này càng làm tăng thêm sự đau lòng của người phụ nữ trong buổi chụp ảnh trước đó.

Cách thủ đô Bắc Kinh 90km, trong một nhà máy nhỏ, Liu Wei cùng đội ngũ của mình đang điều hành một dịch vụ độc đáo dành cho các cặp vợ chồng đã ly hôn: tiêu hủy mọi bằng chứng về cuộc hôn nhân của họ. Những bức ảnh cưới cũ được phun sơn để bảo vệ quyền riêng tư, sau đó bị ném vào máy nghiền, cùng với các vật kỷ niệm khác. Toàn bộ quá trình này được ghi lại bằng video để đảm bảo mọi thứ diễn ra minh bạch.

Liu chia sẻ rằng, thỉnh thoảng, anh cảm thấy như một bác sĩ, phải giữ vững tinh thần khi chứng kiến những cuộc chia ly. "Ly hôn không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực. Đôi khi, nó mang lại điều tốt đẹp hơn, vì vậy không có lý do gì để buồn bã về nó", anh Liu chia sẻ với CNN.

Các dịch vụ của Liu có mức giá từ 8 đến 28 USD, và nhu cầu ngày càng cao đã mang lại cho anh một doanh nghiệp phát đạt. Kể từ khi thành lập nhà máy vào năm 2021, anh đã hủy bỏ ảnh cưới của khoảng 2.500 cặp đôi.

Gary Ng, một nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), cho biết mặc dù khó có thể xác định quy mô thị trường và tiềm năng phát triển, nhưng với tỷ lệ ly hôn gia tăng ở Trung Quốc, rõ ràng sẽ có nhiều hoạt động kinh tế phát sinh từ tình huống này.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đảo ngược sự gia tăng số vụ ly hôn, áp đặt luật mới vào năm 2021 yêu cầu các cặp đôi phải trải qua giai đoạn hoà giải 30 ngày trước khi chia tay. Dữ liệu cho thấy nỗ lực này đã dẫn đến sự sụt giảm tạm thời, nhưng sau đó số vụ ly hôn lại tăng vọt, tăng 25% vào năm 2023 so với năm trước.

Nhưng trước thực trạng đó, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy hi vọng. Nhiếp ảnh gia Tan Mengmeng đã sớm nghĩ đến cách mở rộng công việc của mình. Kế hoạch mới nhất của cô là tạo ra một chương trình khuyến mại để thu hút những khách hàng đã ly hôn quay trở lại. “Tôi sẽ giảm giá 18% nếu hai người quyết định tái hôn và chọn tôi làm nhiếp ảnh gia cho ngày trọng đại của họ”, cô nói với sự hào hứng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hãng tin TASS dẫn thông báo từ Văn phòng báo chí Hạm đội phương Bắc của Nga cho biết, tàu đô đốc Golovko đã tiến vào Địa Trung Hải trong sứ mệnh triển khai tầm xa, nhằm đảm bảo sự hiện diện của Hải quân Nga ở những khu vực chủ chốt của đại dương trên toàn cầu.

Israel đã tiến hành không kích vào một trường học ở dải Gaza - nơi những người di tản đang trú ẩn, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.

Người phát ngôn của lực lượng Houthi ở Yemen, ông Yahya Saree tuyên bố nhóm này đã tấn công “một mục tiêu quan trọng” tại thành phố cảng Eilat của Israel bên bờ Biển Đỏ bằng một số thiết bị bay không người lái (UAV).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 ở Thủ đô Lima, Peru.

Công ty năng lượng Gazprom vẫn đang vận chuyển khí đốt tự nhiên tới châu Âu qua Ukraine ở mức bình thường, dù cắt đứt quan hệ với một trong những đối tác lâu năm nhất của mình là OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo.

Sáng 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu 2024.