Nền nhiệt Hà Nội mùa hè năm nay lên đến 45 độ C | Hà Nội tin mỗi chiều
Nền nhiệt Hà Nội mùa hè năm nay lên đến 45 độ C
Mùa hè năm nay, Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng từ 7 đến 10 đợt nắng nóng diện rộng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt; cao điểm nắng nóng tập trung từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7.
Phần lớn các tỉnh thành miền Bắc nước ta đang thực sự bước vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ từ hôm nay đến khoảng cuối tuần sẽ đều đặn tăng. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội được dự báo sẽ lại có ngày nhiệt độ lên đến 45 độ C. Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 5-7 đợt nắng nóng diện rộng từ 2 ngày trở lên, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Từ tháng 8 đến tháng 10, Hà Nội ảnh hưởng 2-3 đợt nắng nóng nhưng không gay gắt. Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 7 ở mức cao hơn so với cùng thời kỳ trung bình nhiều năm từ 1 đến 1,5 độ C.
Từ tháng 5 đến tháng 7, thành phố Hà Nội có khả năng xảy ra 1-2 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng và một số đợt mưa lớn cục bộ; tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 7, Biển Đông xuất hiện 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Sự xuất hiện của nắng nóng sớm đã cho thấy sự thay đổi bất thường của khí hậu. Một mùa Hè có nắng nóng gay gắt được dự báo đang đến gần.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dưới tác động của hiện tượng El Nino, nhiệt độ cả nước và Hà Nội đều có xu hướng tăng, nắng nóng đến sớm. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do đó từ bây giờ, người dân cần phải chủ động tâm thế sẵn sàng để ứng phó với thời tiết nắng nóng có thể gây tác hại đến sức khỏe, mùa vụ, sức lao động. Nắng nóng kéo dài cũng sẽ dẫn đến tình trạng mất điện cục bộ. Phương châm là chấp nhận sống chung với thời tiết khí hậu cực đoan bất thường, từ đó thay đổi để tồn tại và phát triển.
Hà Nội thiếu hàng chục nghìn mét khối nước vào mùa hè năm nay
Mùa hè nắng nóng đã đến, cũng là thời điểm mà nỗi lo thiếu nước sạch luôn thường trực đối với người dân Thủ đô. Dự kiến cao điểm hè năm nay, toàn thành phố Hà Nội có thể thiếu hụt khoảng 50.000 - 70.000 m3 nước một ngày đêm.
Trong năm 2023 vừa qua, tại nhiều quận huyện của Hà Nội đã có thời điểm người dân hàng ngày phải xếp hàng vào lúc 1-2h sáng chờ lấy nước từ các xe téc lưu động. Nhiều người phải nhịn tắm, sơ tán sang nhà người thân hoặc khoan giếng. Theo Công ty nước sạch thành phố Hà Nội, việc cấp nước mùa hè năm 2024 tại 16 quận, huyện với tổng số dân khoảng 4 triệu người sẽ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản lượng nước của công ty sản xuất trung bình 600.000 m3/ngày đêm chiếm 82% tổng sản lượng; nước mua từ Sông Đà, sông Đuống khoảng 120.000 m3/ngày đêm. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước năm 2024 tiếp tục tăng nhanh, khoảng 2- 4% so với cùng kỳ năm 2023 ở mức 750.000 - 780.000 m3/ngày- đêm, cao điểm những ngày nắng nóng có thể tăng đến 9%, lên mức 800.000 m3/ngày-đêm. Trong khi đó các nguồn nước do Công ty nước sạch thành phố Hà Nội tự sản xuất giảm do ảnh hưởng của sụt giảm nguồn nước ngầm và chất lượng nước. Dự báo nguồn nước sẽ thiếu so với nhu cầu bình quân từ 10.000 - 50.000 m3/ngày đêm, cao điểm có thể thiếu tới 60.000 đến 70.000 m3/ ngày đêm.
Công ty nước sạch Hà Nội dự báo hè 2024 một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước, thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng. Như tại quận Ba Đình có khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc... Quận Tây Hồ có khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An. Quận Hai Bà Trưng có điểm Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu...
Khi các nguồn nước mặt không đủ cung ứng, buộc phải sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng. Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài vài chục năm, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen. Thành phố có định hướng sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, từng bước giảm dần nước ngầm. Thế nhưng, các nguồn cấp nước tại các nhà máy trong năm nay vẫn chưa cải thiện. Hiện nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng từ quý I/2021, sau hai lần điều chỉnh thời gian dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Dự án nhà máy nước Xuân Mai công suất 200.000m3/ngày-đêm, nhà đầu tư là Công ty CP nước Aqua One, tiến độ hoàn thành năm 2020 đến nay vẫn là bãi đất trống. Theo giám sát của Ban Đô thị, có 4 dự án phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ phê duyệt; ba dự án không thực hiện và 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước trong năm 2024, nhiều giải pháp đang được triển khai. Thành phố yêu cầu Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà chuẩn bị vận hành công suất dự phòng tăng 20% so với hiện nay theo thời điểm và kỹ thuật cho phép. Công ty nước sạch Hà Nội cũng đang gấp rút khoan các giếng ngầm mới, cải tạo, đảm bảo chất lượng nước để khai thác thêm từ 10.000 - 50.000 m3/ngày đêm. Theo ông Trần Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, cơ bản trong mùa hè này, công ty cố gắng cam kết bảo đảm cấp nước cho thủ đô. Nếu xảy ra sự cố thì công ty có những giải pháp kèm theo để khắc phục, nhanh nhất trong khoảng 4-7 tiếng sẽ khôi phục việc cấp nước.
Để đảm bảo nguồn cung cho những năm tiếp theo, Sở Xây dựng cho biết sẽ đôn đốc các dự án cấp nước theo quy hoạch như: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn hai; nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long; nghiên cứu xây dựng giai đoạn hai Nhà máy nước sông Đuống... Khi các dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục. Dân số Hà Nội đến hết năm 2022 là 8,4 triệu, trong đó đô thị hơn 4,1 triệu, nông thôn gần 4,3 triệu. Nhu cầu dùng nước ở nội thành 100-150 lít/ngày/người, nông thôn 50-70 lít. Tỷ lệ đáp ứng đạt 100% khu vực đô thị và 85% nông thôn. Thành phố đặt mục tiêu đến 2025, 100% người dân được sử dụng nước sạch. Trong đó, người dân đô thị được dùng 125-160 lít, dân cư đô thị vệ tinh 100-125 lít và dân cư nông thôn 105-110 lít/người/ngày.
Biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại phố đi bộ Hồ Gươm
Vào các buổi tối cuối tuần, dạo một vòng quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, người dân và du khách sẽ bị níu chân bởi nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Công chúng thủ đô không chỉ được trải nghiệm vẻ đẹp phố cổ và còn được thưởng thức không gian âm nhạc truyền thống.
Theo sự phân công của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội sẽ lựa chọn các tiết mục, trích đoạn đặc sắc, biểu diễn phục vụ du khách tới phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, bắt đầu từ ngày 12/4. Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long sẽ biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc, âm nhạc truyền thống vào tối thứ Bảy, Chủ nhật tuần từ ngày 12/4/2024 đến tháng 8/2024 tại Sân khấu khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu. Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn các trích đoạn, các tiết mục hát Xẩm, hát Văn, Ca trù, Chèo, dân ca và nhạc cổ truyền vào các tối thứ Sáu hàng tuần từ ngày 12/4/2024 đến tháng 10/2024 tại Sân khấu phía trước Đền Bà Kiệu. Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn các trích đoạn vở diễn, kịch ngắn, tiểu phẩm vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần từ ngày 12/4/2024 đến tháng 12/2024 tại sân khấu trước cửa rạp Công nhân, số 42 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhà hát Múa Rối Thăng Long biểu diễn các tiết mục Rối nước, Rối cạn, ca múa nhạc tổng hợp vào các tối thứ Bảy hàng tuần từ ngày 12/4/2024 đến tháng 10/2024 tại sân khấu trước cửa Nhà hát Múa Rối Thăng Long, số 57B phố Đinh Tiên Hoàng cùng với đó là hàng loạt đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng có những buổi biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
Việc thích ứng với nhịp sống hiện đại và biểu diễn trên nhiều sân khấu đa dạng sẽ giúp nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tiếp tục duy trì sức sống lâu dài của loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống đương đại./.
- Thực phẩm bẩn bủa vây cổng trường, xử lý và quản lý thế nào? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn ba triệu hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực, ai chịu trách nhiệm? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội cấm tuyệt đối báo trước kế hoạch kiểm tra ATTP | Hà Nội tin mỗi chiều
- Đến năm 2035 Hà Nội sẽ có 400 km đường sắt đô thị | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ | Hà Nội tin mỗi chiều
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức là nơi kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Thủ đô.
Thành phố Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện gây ô nhiễm môi trường và dự kiến sẽ được thí điểm vào đầu năm sau. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.
Nhiều người Hà Nội và du khách giờ đây đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, trong đó có đường sắt trên cao. Sáng 9/11, Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã diễn ra.
Mùa thu, mùa đẹp nhất của Hà Nội. Những con đường thân quen thường ngày tấp nập và ồn ào dần nhường chỗ cho sự trầm mặc nhưng rất đỗi hào hùng của Hà Nội. Trong ánh mắt và nụ cười người Hà Nội hôm nay, sự tự hào về thành phố sau 70 năm giải phóng vẫn còn đó. Tất cả hiện lên đầy thân thương, sống động và chân thực qua lăng kính của những nhà làm phim.
0