Nga, Trung Quốc củng cố quan hệ đối tác ‘không giới hạn’
Chuyến thăm của “người bạn cũ”
Chuyến thăm Trung Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì lễ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc hội đàm diễn ra sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, đồng thời nhấn mạnh hai nước đang phát triển hơn nữa mối quan hệ với tư cách là “láng giềng tốt, bạn tốt, đối tác tốt”.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quan hệ Nga - Trung “không nhằm vào bất kỳ ai. Sự hợp tác của hai nước trong các vấn đề thế giới ngày nay là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường quốc tế.”
Nga và Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều thập kỷ. Đặc biệt, vào tháng 2 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc.
Tháng 3 năm 2023, khi ông Tập Cận Bình Tập đến thăm Moscow, ông khẳng định chuyến đi đã mở ra một “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ giữa hai nước. Tiếp đó, vào tháng 10/2023, khi Tổng thống Putin đến thăm Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nói về “tình hữu nghị sâu sắc” giữa hai nhà lãnh đạo khi họ đã gặp nhau 42 lần trong thập kỷ trước.
Không phải vô cớ mà truyền thông Trung Quốc đã gọi chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng thống Nga Putin là chuyến thăm của một “người bạn cũ”.
Trước chuyến đi, Tổng thống Putin cho biết việc ông chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới đã nhấn mạnh “mức độ quan hệ đối tác chiến lược cao chưa từng thấy” giữa hai nước cũng như tình bạn thân thiết giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc, Tổng thống Putin đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là người đã giúp xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược” với Nga dựa trên lợi ích quốc gia và sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc.
“Chính mức độ hợp tác chiến lược cao chưa từng có giữa hai nước đã quyết định việc tôi lựa chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà tôi sẽ đến thăm sau khi nhậm chức tổng thống”.
“Chúng ta sẽ cố gắng thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, vũ trụ và năng lượng hạt nhân hòa bình, trí tuệ nhân tạo, nguồn năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới khác”, ông Putin nói với Tân Hoa Xã.
Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự buổi dạ tiệc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Bắc Kinh, cũng như khai mạc Năm Văn hóa Nga - Trung.
Tổng thống Nga cũng sẽ thăm Cáp Nhĩ Tân ở phía Đông Bắc Trung Quốc, thành phố có quan hệ chặt chẽ với Nga, và dự lễ khai mạc triển lãm EXPO Nga - Trung được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 5.
Tổng thống Putin cũng sẽ dự lễ khai mạc Diễn đàn Nga - Trung về hợp tác liên khu vực, đồng thời gặp gỡ các sinh viên và giáo sư của Học viện công nghệ Cáp Nhĩ Tân.
Lợi ích song trùng
Dự kiến cuộc gặp không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao hai nước diễn ra vào chiều tối nay (16/5) sẽ có vai trò quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày của Tổng thống Nga Putin.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yury Ushakov, cho biết các cuộc đàm phán này sẽ xoay quanh vấn đề Ukraine, châu Á, năng lượng và thương mại.
Tân Bộ trưởng quốc phòng Nga Andrei Belousov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu cũng sẽ tham dự, cùng với các CEO quyền lực nhất của Nga.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Nga – Trung Quốc đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong quý I năm nay. Cũng trong năm ngoái, lượng dầu của Nga đến Trung Quốc, bao gồm cả qua đường ống theo hợp đồng dài hạn, đã tăng 1/4, lên mức kỷ lục 2,14 triệu thùng/ngày, khiến Moscow trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Bắc Kinh trong năm thứ hai liên tiếp.
Dữ liệu do Reuters phân tích cho thấy Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 4,34 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023 khi mua dầu Nga với giá rẻ.
Về ngoại giao, một số quan sát nhận định, bản thân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga và cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước cũng là sự kiện quan trọng, cho thấy Nga không bị cô lập sau hơn 2 năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết: “Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga – đây là con đường được Tổng thống Nga và lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn – và sẽ không có gì thay đổi được điều đó”.
Còn theo ông James Char, một học giả an ninh tại Trường S. Rajaratnam của Singapore: “Việc Trung Quốc tiếp đón Tổng thống Nga Putin đã là một hình thức ủng hộ Nga vì Trung Quốc là một quốc gia lớn và không cô lập Moscow.”
Nga và Trung Quốc từng tuyên bố hai nước muốn xây dựng lại trật tự quốc tế phù hợp với tầm nhìn riêng. Phát biểu ngày 14/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow và Bắc Kinh đóng “vai trò cân bằng quan trọng trong các vấn đề toàn cầu” và chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc sẽ “củng cố nỗ lực chung của hai nước”.
Cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với Mỹ, Anh và Pháp.
Theo chuyên gia phân tích chính trị người Nga Aleksandr Dugin, cả Trung Quốc và Nga đều mong muốn trở thành hai “trụ cột” của thế giới đa cực. Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa hai trụ cột này sẽ khuyến khích nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới tham gia vào việc xây dựng một trật tự quốc tế mới chống lại chủ nghĩa đơn phương và bá quyền.
Những thử thách mới
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, khi căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố sáng sớm ngày 15/5, Tổng thống Nga cho biết ông ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine, nói rằng Bắc Kinh hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân đằng sau kế hoạch đó.
“Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu nguyên nhân gốc rễ và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc xung đột”, ông Putin nói, theo bản ghi bằng tiếng Nga được công bố trên trang web của Điện Kremlin.
Đến nay, Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và tránh cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga trong cuộc xung đột. Bắc Kinh cũng tìm cách khẳng định mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine khi cử đặc phái viên đến Moscow, Kiev và các thủ đô khác sau khi đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm của riêng mình nhằm chấm dứt giao tranh.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” Nga – Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với thử thách mới. Việc Nga - Trung Quốc xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại đây sẽ là đòn bẩy để Moscow lách lệnh trừng phạt và vẫn có nguồn lực tài chính để chi cho chiến sự. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại về quan hệ Nga - Trung khi gặp người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh hồi tháng 4.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 12/2023 ký sắc lệnh cho phép trừng phạt gián tiếp ngân hàng nước ngoài liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga, loại những tổ chức này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Đây được coi là một trong những động thái quyết liệt của Mỹ nhằm thách thức mối quan hệ “không giới hạn” giữa Moscow với Bắc Kinh.
Các nhà quan sát cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Trung Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế, bởi cả hai nước này đều là những cường quốc trên thế giới.
Mối quan hệ giữa hai nước có thể nâng lên một tầm cao mới như thế nào là điều mà thế giới đang rất quan tâm. Một điều thấy rõ là Moscow và Bắc Kinh đang đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chiến lược, giúp đỡ nhau vượt qua các khủng hoảng, thách thức để phát triển thịnh vượng và tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu, góp phần thiết lập một trật tự thế giới đa cực.
Mặc dù đã có không ít trường hợp phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, an ninh trật tự xã hội. Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này vẫn diễn ra, phải chăng do chế tài xử phạt không đủ mạnh hay do thiếu hiểu biết pháp luật của các đối tượng có hành vi vi phạm?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Cảnh sát Interpol ra quyết định truy nã quốc tế đối với bị can Lê Khắc Ngọ (Sinh năm 1990; Hộ khẩu thường trú: Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 22/12, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cùng Công an quận Hà Đông cho biết đang điều tra làm rõ vụ gãy đổ cột báo làn đường BRT tại ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu, quận Hà Đông.
Ban chỉ đạo 197 quận Long Biên đã tổ chức ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường dịp cuối năm 2024 và Xuân hội 2025.
Sáng 22/12, tuyến Metro số 1 đã chính thức vận hành trong niềm hân hoan của chính quyền và người dân TP.HCM, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Thời điểm này là cao điểm tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2025 - 2027. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, công tác lựa chọn nhân sự là vấn đề được quan tâm.
0