Nga vững vàng trước 'rừng' lệnh trừng phạt, cô lập ngoại giao
“Sứ mệnh hoà bình” của Thủ tướng Hungary
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã tập hợp một liên minh với 141 quốc gia ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế, phương Tây chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của phần lớn thế giới. 47 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, phiếu chống hoặc không tham gia bỏ phiếu.
Có một thực tế rõ ràng là sau hơn hai năm xung đột, nhiều quốc gia vẫn duy trì quan hệ kinh tế hoặc ngoại giao với Nga. Thậm chí một số quốc gia ban đầu phản đối chiến dịch quân sự của Moscow, giờ đây, các nước đó coi xung đột là vấn đề ở khu vực khác và bắt đầu chuyển sang quan điểm trung lập hơn. Và mặc dù liên minh phương Tây vẫn vững chắc, nhưng họ chưa bao giờ thuyết phục được phần còn lại của thế giới về việc cô lập Nga.
“Sứ mệnh hoà bình” của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Ukraine, Nga và Trung Quốc ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cùng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngay sau khi nhậm chức là những minh chứng mới nhất cho thấy các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã không đạt được mục tiêu trước đó.
Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) với nhiệm vụ định hình chương trình nghị sự của liên minh trong 6 tháng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thực hiện hàng loạt chuyến công du con thoi nhằm thực hiện một chương trình ngoại giao toàn cầu với mục tiêu mang lại hòa bình cho Ukraine.
Ngày 2/7, một ngày sau khi nhậm chức Chủ tịch EU, ông Orban đến thăm Thủ đô Kiev của Ukraine để trao đổi về những nỗ lực hòa bình với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.
Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Orban cho biết: “Tôi đã đề xuất với Tổng thống Ukraine suy nghĩ xem liệu có thể đảo ngược quy trình và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn trước hay không. Lệnh ngừng bắn có thời hạn sẽ tạo cơ hội để đẩy nhanh đàm phán hòa bình”.
Thủ tướng Orban khẳng định, vấn đề này là trọng tâm chuyến thăm và cũng là vấn đề quan trọng đối với EU khi Hungary đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên.
Đáng chú ý, ngày 5/7, Thủ tướng Hungary tiếp tục có chuyến thăm không báo trước tới Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin. Với chuyến đi này, ông Orban đã trở thành nhà lãnh đạo châu Âu thứ hai, sau Thủ tướng Áo Karl Nehammer tới thăm Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa có nhiều tiến triển. Tháng 6/2024, Tổng thống Putin đề xuất các điều kiện đàm phán hòa bình, song Ukraine không chấp thuận.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Orban cho rằng, số lượng các quốc gia có thể thảo luận với cả Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột đang giảm dần. Trong tương lai gần, Hungary có thể là quốc gia duy nhất trong EU duy trì quan hệ và đối thoại với cả Nga và Ukraine. Ông cũng muốn nhân cơ hội này thảo luận một số vấn đề khó khăn và tìm hiểu quan điểm của Nga về các vấn đề quan trọng đối với châu Âu.
Chính phủ Hungary coi quãng thời gian nửa năm sắp tới khi Hungary giữ chức Chủ tịch EU và những công việc sẽ được thực hiện sau đó là một sứ mệnh hòa bình.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Chuyến thăm Moscow của ông Orban đã phải nhận sự chỉ trích từ Kiev và giới quan chức EU, những người khẳng định Thủ tướng Hungary không đại diện cho toàn bộ liên minh.
Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn được Thủ tướng Hungary tiếp tục thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh mà ông gọi là “Sứ mệnh hòa bình 3.0”.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 8/7, Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc là “cường quốc chủ chốt tạo điều kiện cho hòa bình” đối với cuộc xung đột bắt nguồn từ năm 2014 và đã bùng nổ thành chiến tranh toàn diện năm 2022, đồng thời ca ngợi các sáng kiến hòa bình “mang tính xây dựng và quan trọng” của nước này.
Thủ tướng Hungary tuyên bố “không tranh luận về việc ai đúng, ai sai”, khẳng định “mục đích chỉ là hòa bình và ngừng bắn”.
Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng Viktor Orban nhằm mang đến một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Về phần mình, ông Viktor Orban cho biết, Trung Quốc và Hungary sẽ duy trì liên lạc về các vấn đề liên quan đến Ukraine vì những nỗ lực đồng bộ hướng tới hòa bình của cả hai.
Sau khi hoàn thành “sứ mệnh hòa bình 3.0”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục lên đường thăm Mỹ và tham dự cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Washington. Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích từ đồng minh ở châu Âu, sứ mệnh hòa bình 4.0 tại Mỹ của nhà lãnh đạo Hungary đang được dư luận quan tâm.
Dự kiến, ông Orban sẽ gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau Hội nghị thượng đỉnh NATO. Giới phân tích cho rằng diễn biến này hé lộ chiến lược dài hạn của ông Orban khi nhà lãnh đạo Hungary muốn "đón đầu" khả năng trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay của ông Trump, người đã từng tuyên bố sẽ đẩy nhanh thỏa thuận hòa bình Ukraine nếu đắc cử. Trong chuyến đi Mỹ trước đó, ông Orban cũng đã đến gặp ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago mà không gặp Tổng thống Joe Biden.
Nga không bị cô lập
Giới quan sát nhận định, chuyến công du của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga và Trung Quốc hàm chứa những thông điệp và dấu hiệu của một trật tự thế giới đa cực, đồng thời là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Nga Putin.
Thủ tướng Viktor Orban là nhà lãnh đạo duy nhất trong EU và NATO nhiều lần phản đối các biện pháp viện trợ tài chính, quân sự cho Ukraine, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga là phản tác dụng và việc chuyển giao vũ khí cho Kiev là hành động nguy hiểm, chỉ làm cuộc chiến kéo dài.
Phản ứng trước việc một số nhà lãnh đạo EU cho rằng, vai trò chủ tịch luân phiên không có nhiệm vụ phải thay mặt cho EU hợp tác với Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild, Thủ tướng Hungary Orban đã đả kích “chính sách chiến tranh” của châu Âu với cuộc chiến ở Ukraine, cho rằng nạn nhân thực tế của chính sách này không ai khác chính là kinh tế và người dân châu Âu. Thủ tướng Hungary cũng khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ có thể đánh bại Nga.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố không nhất trí với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào giữa bối cảnh các lực lượng Nga đang kiểm soát 1/5 lãnh thổ nước này. Tổng thống Zelensky đã yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào tháng trước.
Tuy nhiên, cũng chính tại hội nghị này, Ukraine đã không thể thuyết phục các nước lớn từ bán cầu Nam tham gia vào nỗ lực cô lập Nga. Trung Quốc cho biết nước này không tham gia vào các cuộc trao đổi mà không có Nga.
Brazil cũng chỉ tham dự hội nghị chỉ với tư cách là một bên “quan sát”. Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia và Nam Phi đều từ chối ký vào tuyên bố chung của hội nghị mặc dù một số vấn đề bất đồng đã được loại bỏ với hy vọng thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Nga là người bạn thực sự của Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Modi nhậm chức nhiệm kỳ ba, cũng là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ấn Độ lâu nay vẫn duy trì lập trường trung lập liên quan đến Ukraine.
New Dehli từ chối cùng các nước phương Tây lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và Thủ tướng Modi mới đây đã từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Modi cho thấy cam kết vững chắc của New Dehli về mối quan hệ bền chặt với Nga, bất chấp áp lực từ phương Tây
Điện Kremlin ngày 8/7 đã đăng tải đoạn video Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại khu dinh thự ở Novo-Ogaryovo. Hai nhà lãnh đạo đã dành cho nhau cái ôm nồng ấm.
Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin lái chiếc ô tô điện mini chở Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đi vòng quanh dinh thự của ông. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng trao tặng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi huân chương đầu tiên và cao nhất của Nga - Huân chương Thánh Andrew.
Mối quan hệ Ấn Độ - Nga ngày càng sâu sắc kể từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Moscow từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi. Sau khi đắc cử vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Putin. Đến nay, hai nhà lãnh đạo đã có hơn 20 cuộc gặp.
Trước thềm chuyến thăm Moscow, Thủ tướng Modi khẳng định Tổng thống Nga Putin là một người bạn lâu năm và đánh giá cao “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga” đã phát triển trong 10 năm qua, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, an ninh, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã cùng Tổng thống Nga Putin thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng cường hợp tác về thương mại đến giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nói rằng Nga nổi tiếng là quốc gia lạnh giá, nhưng mối quan hệ Nga - Ấn Độ luôn nồng ấm.
Điều đầu tiên mà người Ấn Độ nghĩ đến khi nghe từ 'Nga' là Nga luôn sát cánh cùng Ấn Độ trong mọi hoàn cảnh. Nga là người bạn thực sự của Ấn Độ. Nhiệt độ đôi khi xuống dưới 0 độ C ở Nga, nhưng nhiệt độ luôn trên 0 độ C trong quan hệ Ấn - Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hai nước đã ký 15 văn kiện, trong đó có tuyên bố chung của Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn Độ lần thứ 22, cũng như tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo về phát triển các lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước cho đến năm 2030.
Khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, phương Tây từng rất hy vọng rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga sẽ xấu đi. Tuy nhiên, ảo tưởng đó đã tan biến khi Ấn Độ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Nga. Bất chấp mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn trở thành nhà cung cấp dầu số một cho Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Trong năm tài chính 2023 - 2024, thương mại song phương đạt mức cao nhất mọi thời đại là 65,7 tỷ USD. Con số này thể hiện mức tăng đáng kể là 33% so với năm trước, nhấn mạnh khả năng phục hồi và sức mạnh của quan hệ đối tác Ấn Độ - Nga. Con số này cũng cao gấp đôi mục tiêu 30 tỷ USD mà hai nhà lãnh đạo đặt ra trước đó cho thương mại song phương vào năm 2025.
Chưa dừng lại tại đó, trong chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Ấn Độ Modi, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2030.
Chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa tái đắc cử, đã cho thấy sự độc lập của New Dehli, bất chấp thực tế chính quyền Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy quan hệ với quốc gia này.
Theo ông Nandan Unnikrishnan, Giám đốc chương trình Á - Âu tại Observer Research Foundation - một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi, qua chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ, Tổng thống Nga Putin có thể truyền tải thông điệp rằng: Ấn Độ là một người bạn và tất cả các cuộc trao đổi về việc cô lập Nga là vô nghĩa.
Trên thực tế, hơn hai năm sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, Nga đã không bị cô lập. Ở nhiều nơi tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng của Nga vẫn luôn mạnh mẽ, thậm chí có phần tăng thêm. Sức mạnh vốn có từ nguồn cung khổng lồ về dầu và khí đốt tự nhiên đã tạo nên khả năng phục hồi tài chính và chính trị cho nước Nga trước các áp lực từ phương Tây.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0