Ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất gây nhiễu loạn thị trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.
Các cơ quan này được yêu cầu xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện công điện này.
Trước đó, ngày 10/8, 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã được đấu giá. Hơn 1.500 người với trên 4.200 hồ sơ hợp lệ tham gia. Lô LK03-10 có diện tích gần 65 m2 có giá trúng cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m2, gấp tới 8 lần giá khởi điểm.
15 lô khác có khởi điểm từ 955 triệu/lô đều “đội” giá lên hơn 7 tỷ đồng/lô. Đáng nói, trong danh sách trúng đấu giá, chỉ có hai người ở địa phương. Phần lớn còn lại đến từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, nhiều nhất là những nhà đầu cơ đến từ huyện Mê Linh, Hà Nội.
Hai ngày trước, huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Hơn 500 khách hàng với trên 1.500 hồ sơ tham gia đấu giá. Trải qua gần 20 tiếng với 10 vòng đấu căng thẳng, toàn bộ các lô đất đã bán đấu giá thành công. Trong đó, lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng một m2, gấp khoảng 18,2 lần giá khởi điểm. Người trúng đấu giá sẽ phải bỏ ra gần 15,1 tỷ đồng.
Bên cạnh lô đất trên, 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng một m2. Hai lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng mỗi m2, cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm. Trong danh sách trúng đấu giá có 5 người ở huyện Hoài Đức, còn lại đều đến từ các quận, huyện khác của Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thạch Thất.
Trước sự việc giá đất bị đẩy lên cao vọt sau hai phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức, ngày 21/8, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết sẽ làm rõ dấu hiệu và chiêu trò “trả giá cao, tạo sốt ảo” của một nhóm đối tượng tham gia đấu giá.
Bảng giá đất điều chỉnh vừa được UBND Thành phố ban hành có hiệu lực từ 20/12/2024 đến hết năm 2025, trong đó, giá đất ở có mức cao nhất là hơn 695,3 triệu đồng/m² với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm. Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Ba Đình.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố được áp dụng từ nay đến hết năm 2025.
Sau những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương đã yêu cầu người dân phá dỡ chuồng cọp, song sắt. Lối thoát nạn an toàn có vai trò như thế nào khi chẳng may xảy ra cháy nổ?
Trong phiên họp giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.
Triển khai Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành công văn số 4255 yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
0