Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP | Hà Nội tin mỗi chiều

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP; 95% giao dịch thu phí gửi xe không dùng tiền mặt thành công; Chuẩn bị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn;… là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP. Đây là mục tiêu vừa được thành phố đưa ra khi triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô".

Hà Nội có gần 6 nghìn di tích được kiểm kê; hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ. Hà Nội lại có lực lượng lao động dồi dào; có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố có thiết chế giáo dục giàu tiềm năng với nhiều trường đại học và hàng loạt trung tâm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực.

Theo Sở du lịch Hà Nội, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022. Trong bức tranh tổng thể với gam màu tươi sáng về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, du lịch văn hóa tạo sức bật khi trong năm 2023, nhiều sản phẩm du lịch gắn với văn hóa được ra mắt. Điển hình, Hà Nội xây dựng chuỗi sản phẩm khai thác giá trị các di tích, di sản, làng nghề truyền thống; công bố 15 sản phẩm du lịch đêm - trở thành địa phương đi đầu trong phát triển du lịch đêm; xây dựng sản phẩm du lịch golf để thu hút dòng khách cao cấp, lưu trú dài ngày tại Hà Nội…

Đây là tiền đề thuận lợi để Hà Nội phát huy bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa trong việc chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sự bứt phá của các ngành công nghiệp văn hóa với con số cụ thể đóng góp 5% GRDP.

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP. Ảnh minh họa (Internet)

UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế tiềm năng như du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; ẩm thực; phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang...

Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

95% giao dịch thu phí gửi xe không dùng tiền mặt thành công

Thời gian đầu, việc thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe máy trước cửa Bệnh viện Việt Đức gặp khó khăn do lượng người gửi xe đông. Không ít khách ngoại tỉnh sử dụng điện thoại không có kết nối Internet hoặc tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đã tương đối suôn sẻ. Người dân đã quen và giao dịch thành công với phương thức thu phí gửi xe không dùng tiền mặt tại 17 vị trí đang triển khai thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ ngày 15/4 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra để việc thu phí và thanh toán ngày càng thuận lợi hơn đối với người dân. Đây là nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện Đề án 06 quốc gia về cải cách hành chính, chuyển đổi số, đồng thời, từng bước hướng tới xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hương, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: Dự án sẽ là mô hình để thành phố, Sở Giao thông Vận tải, các quận, huyện nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ đối với hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố.

Thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu hiện nay.

Việc thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe bên cạnh giảm ùn tắc, loại dần hành vi chặt chém còn là tiền đề xây dựng nên bản đồ số thông minh về các bãi trông giữ xe trên toàn thành phố, giúp các lái xe dễ dàng tìm được điểm đỗ trong thời gian ngắn nhất, giảm mật độ, lưu lượng phương tiện đi lại trên đường. Không chỉ vậy, trên cơ sở những dữ liệu về phương tiện ở các bãi trông giữ xe sẽ giúp TP Hà Nội cũng như cơ quan chức năng trong công tác quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh, quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống giao thông ngầm, giao thông trên cao.

Giới chuyên gia giao thông cũng đánh giá đây là giải pháp tích cực nhằm xóa bỏ những bãi trông xe chặt chém như báo chí đã nhiều lần lên tiếng, đồng thời cho rằng người dân cần thích ứng và thay đổi thói quen. Chuyên gia giao thông Ngô Minh Thủy cho rằng, việc mới thí điểm ở một vài nơi là khá khiêm tốn. Hà Nội cần mở rộng thí điểm ở ít nhất 50 điểm trông xe khu trung tâm thành phố để người dân làm quen và thích ứng, sau đó tiến hành điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Bà Trương Kiều Anh - Phó trưởng phòng Phát triển công nghệ giao thông vận tải - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết: Sở sẽ tiếp thu ý kiến phản hồi trong thời gian thí điểm để hoàn thiện giải pháp. Sở đề nghị các đơn vị liên quan hạn chế cấp mới giấy phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe cho các tổ chức, cá nhân chưa áp dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, nếu chỉ thay thế tiền mặt bằng chuyển khoản hay quét mã QR thì vẫn còn “thủ công”, với việc công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển vượt bậc như hiện nay, đòi hỏi sớm có một ứng dụng phổ cập, càng dùng càng quen tay, càng dùng càng thuận tiện cho người dân.

Chuẩn bị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền...

Để thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ đạo các địa phương triển khai những quy định này.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), rào cản lớn nhất là do thói quen, ý thức của nhiều người dân, hộ dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị môi trường. Tức là nhiều người đang ứng xử theo kiểu làm sao cho nhà mình sạch đẹp mà không quan tâm tới không gian công cộng. Rào cản thứ hai là tính đồng bộ giữa cả một hệ thống. Như việc nhiều hộ gia đình đã triển khai phân loại, chia tách rác thải sinh hoạt ngay tại nhà theo từng loại rác thải gồm rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và các chất thải khác, nhưng khi đem ra điểm tập kết thì tất cả các loại rác lại để chung vào một thùng, môt xe vận chuyển.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Hiện mới có 13% tổng số rác thải phát sinh hằng ngày được đem đốt, 16% được chế biến và khoảng 71% rác là chôn lấp. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải theo cả ba phương pháp này đều gặp khó khăn bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, cho nên có đến hơn 70% lượng rác thải buộc phải thực hiện chôn lấp. Đáng chú ý, tại các điểm xử lý rác thải theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, gây bức xúc cho cộng đồng.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng để hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai đồng bộ, việc quy định, hướng dẫn các bước trong phân loại rác ở các địa phương cần phải chi tiết hơn. Việc tổ chức đấu thầu theo cơ chế thị trường đối với các đơn vị thu gom, xử lý rác cũng cần phải có quy định cụ thể, cạnh tranh minh bạch, hiệu quả. Tiếp theo là cơ chế giám sát chéo phải chặt chẽ, nhất là việc làm sao phân biệt được giữa rác đã được phân loại và rác không phân loại khi người dân vứt bỏ. Vì thế quy định cần phải cụ thể, để không lặp lại những thất bại như đã gấp phải trước đây.

Chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý. Ngoài ra, kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp. Một số nước dùng app điện thoại để người dân thấy việc phân loại rác rất dễ dàng. Và không nhất thiết phải 3 thùng rác. Đổ rác hằng ngày thì có 3 túi rất nhỏ gọn, không nhất thiết hằng ngày đi đổ rác mà có những loại rác đổ hàng tuần.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.