Ngành du lịch toàn cầu sẽ có một năm bùng nổ

Báo cáo mới nhất của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới dự đoán năm 2024 sẽ là một năm đặc biệt bùng nổ cho ngành du lịch, với đóng góp kinh tế toàn cầu dự kiến đạt con số khổng lồ 11,1 nghìn tỷ USD - mức cao nhất mọi thời đại.

Du lịch toàn cầu có thể đạt 11,1 nghìn tỷ USD

Theo nghiên cứu tác động kinh tế mới nhất của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) được thực hiện với sự hợp tác của Oxford Economics, ngành du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 9,1% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đạt tổng giá trị hơn 9,9 nghìn tỷ USD, với lực lượng lao động gần 330 triệu người, tạo tiền đề cho một năm 2024 phá kỷ lục ở mức 11,1 nghìn tỷ USD.

Trong số 185 quốc gia được phân tích trong báo cáo, 142 quốc gia dự kiến sẽ vượt qua mức đỉnh điểm về du lịch trước đại dịch. Lĩnh vực này cũng được dự đoán sẽ tạo ra gần 348 triệu việc làm trên toàn cầu, tăng hơn 13,6 triệu việc làm so với hồi năm 2019. Chi tiêu của du khách quốc tế sẽ đạt 1,89 nghìn tỷ USD, gần đạt mức cao nhất năm 2019, trong khi chi tiêu du lịch nội địa được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục 5,4 nghìn tỷ USD.

Ngành du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, bà Julia Simpson nhận định rằng trong bối cảnh bất ổn, lĩnh vực du lịch và lữ hành vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn của thế giới.

Đây không chỉ là việc phá kỷ lục. Ngành du lịch đã trở lại trạng thái tốt nhất sau một vài năm khó khăn, mang lại động lực kinh tế đáng kể cho các quốc gia trên thế giới và tạo ra việc làm cho hàng triệu người.

Bà Julia Simpson - Chủ tịch và Giám đốc điều hành WTTC.

Thập kỷ tới được coi là “kỷ nguyên vàng” đối với du lịch và lữ hành. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới dự báo rằng đến năm 2034, ngành du lịch sẽ đóng góp con số đáng kinh ngạc là 16 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, chiếm 11,4% GDP. Ngành này cũng dự kiến sẽ cung cấp việc làm cho 449 triệu người, tương đương 12,2% lực lượng lao động trên toàn thế giới, thể hiện vai trò then chốt trong thị trường việc làm toàn cầu.

Thập kỷ tới được coi là “kỷ nguyên vàng” đối với du lịch và lữ hành.

Nhận định về phân khúc các loại hình du lịch trong thời gian tới, ông Vivek Neb, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Du lịch và Lữ hành Escalent cho biết nhu cầu ngày càng tăng về những trải nghiệm độc đáo, phong phú đang thúc đẩy du lịch trải nghiệm tăng vọt. Khách du lịch sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro và tham gia đầy đủ vào văn hóa và ẩm thực của điểm đến, đồng thời ngày càng bận tâm đến tính bền vững.

Khi lựa chọn điểm đến, các gói giải trí dưới nắng vàng và biển xanh sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của du khách toàn cầu trong 4 năm tới. Dựa trên phân tích của Escalent, chi tiêu cho phân khúc này dự kiến sẽ tăng từ khoảng 107 tỷ USD vào năm 2024 lên 233 tỷ USD vào năm 2028.

Các chuyến du lịch văn hóa và di sản dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ, với dự báo chi tiêu sẽ tăng hơn gấp đôi trong phân khúc này vào năm 2028.

Các chuyến du lịch văn hóa và di sản dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ, với dự báo chi tiêu sẽ tăng hơn gấp đôi trong phân khúc này vào năm 2028. Người tiêu dùng đang tìm kiếm những điểm đến giàu lịch sử và văn hóa, trong đó, các khu vực như Trung Đông thu hút lượng khách ngày càng tăng. Du lịch mạo hiểm cũng theo sát phía sau, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ khoảng 45 tỷ USD vào năm 2024 lên 103 tỷ USD vào năm 2028. Khi người tiêu dùng chuyển sang điều chỉnh kế hoạch du lịch phù hợp với lối sống và giá trị của họ, du lịch chăm sóc sức khỏe và sinh thái cũng đang nổi lên như những lựa chọn thích hợp, với mức doanh thu dự kiến đạt lần lượt 70 tỷ USD và 34 tỷ USD vào năm 2028.

Du lịch Nhật Bản hưởng lợi từ đồng Yên yếu

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, doanh thu ngành du lịch phụ thuộc vào hai loại giao dịch chính. Thứ nhất, chi tiêu trực tiếp cho việc đi lại, bao gồm tất cả các chi phí có liên quan rõ ràng nhất đến hoạt động lữ hành như khách sạn, di chuyển. Thứ hai là chi tiêu du lịch gián tiếp, tức là chi tiêu từ các hoạt động như ăn uống, mua sắm. Tại Nhật Bản, sự suy yếu của đồng Yên trong thời gian qua đã tạo áp lực lên người tiêu dùng và nhiều ngành kinh tế, nhưng cũng đồng thời được coi là “cú hích” cho lĩnh vực du lịch. Du khách từ khắp thế giới đang đổ xô đến Nhật Bản, tận dụng sự trượt giá của đồng Yên khiến các kỳ nghỉ trở nên rẻ nhất trong nhiều thập kỷ.

Du khách từ khắp thế giới đang đổ xô đến Nhật Bản, tận dụng sự trượt giá của đồng Yên khiến các kỳ nghỉ trở nên rẻ nhất trong nhiều thập kỷ.

Kể từ cuối tháng 3, giá trị đồng Yên của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ lãi suất ở mức 0%, từ đó duy trì khoảng cách lớn giữa lãi suất Nhật Bản và Mỹ.

Nhật Bản từng được nhiều người coi là điểm đến nghỉ dưỡng đắt đỏ, tuy nhiên đồng Yên Nhật mất giá đã làm thay đổi điều này. Một số người tiêu dùng cho biết mua sắm ở đất nước mặt trời mọc là rẻ nhất trong nhiều thập kỷ khi đồng Yên dao động quanh mức được thấy lần cuối vào năm 1990.

Nhật Bản từng được nhiều người coi là điểm đến nghỉ dưỡng đắt đỏ, tuy nhiên đồng Yên Nhật mất giá đã làm thay đổi điều này.

Du khách nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ Mỹ, cho biết sự trượt giá của đồng Yên đã thúc đẩy chi tiêu trong kỳ nghỉ của họ.

Khi tôi kiểm tra thẻ tín dụng của mình, và nhìn tỷ giá chuyển đổi giữa đồng Yên và đồng USD, tôi nhận ra mình đang chi tiêu ít hơn là tôi tưởng. Thật tuyệt vời, vì như vậy tôi có thể chi tiêu thêm cho nhiều thứ khác trong chuyến đi.

Chị Gennilyn Lacuesta – du khách Mỹ.

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), lượng khách quốc tế đến Nhật Bản vào tháng 3 vừa qua đã tăng 89% so với một năm trước đó lên 2,78 triệu người, cao hơn 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Với việc hoa anh đào đang nở rộ, lượng khách du lịch đến Nhật Bản dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Nhà vệ sinh công cộng hút khách ở Nhật Bản

Sự đa dạng và sáng tạo trong các sản phẩm du lịch đang trở thành yếu tố quan trọng thu hút du khách. Những sản phẩm du lịch mới mẻ không chỉ giúp du khách tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, mà còn tạo cơ hội cho các địa phương phát triển du lịch bền vững, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa và môi trường. Trong đó, phải kể đến là trải nghiệm tour du lịch nhà vệ sinh ở Nhật Bản, đắm chìm trong cảnh sắc rực rỡ của nửa triệu bông hoa tulip nở rộ ở miền Nam nước Anh, hay ngắm nhìn cảnh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp kết hợp tìm hiểu văn hóa truyền thống ở Trung Quốc.

Trải nghiệm tour du lịch nhà vệ sinh ở Nhật Bản.

Ra mắt từ tháng 3, đúng dịp du khách đổ xô đến Nhật xem hoa anh đào, tour tham quan nhà vệ sinh công cộng ở Thủ đô Tokyo mang đến cho du khách trải nghiệm khác thường. Với giá vé 4.950 Yên (tương đương 32,76 USD), khách du lịch sẽ được tham quan 17 nhà vệ sinh công cộng độc đáo tại quận Shibuya. Đây là những nhà vệ sinh được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật Bản và trên thế giới.

Tối tăm, bẩn thỉu, hôi hám và đáng sợ là những từ mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nhắc đến nhà vệ sinh công cộng. Nhưng những nhà vệ sinh này khác biệt, chúng sạch sẽ, sáng sủa và thậm chí trẻ em cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Với những nhà vệ sinh này, chúng tôi muốn thu hút du khách tới những khu vực ít người ghé thăm ở Shibuya.

Chị Yumiko Nishi - Quản lý Hiệp hội du lịch Shibuya.

Cùng với những ngôi đền và hoa anh đào, giới chức địa phương kỳ vọng nhà vệ sinh công cộng cũng sẽ trở thành những biểu tượng được yêu thích ở Nhật Bản.

Nửa triệu bông hoa tulip nở rộ ở miền Nam nước Anh

Một cánh đồng với hơn nửa triệu bông hoa tulip nở rộ chắc chắn là một điểm đến mà khách du lịch không thể bỏ qua khi ghé thăm miền Nam nước Anh những ngày này. Nằm tại trang trại Tulleys gần thị trấn Crawley, cách Thủ đô London 45km về phía Nam, cánh đồng trồng khoảng 100 loại hoa tulip với hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau.

Cánh đồng trồng khoảng 100 loại hoa tulip với hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau.

Dù đang vào mùa xuân và bầu trời nước Anh thường xuyên u ám, nhưng những bông hoa đã tô điểm thêm sắc màu rực rỡ cho mùa xuân xứ sở sương mù. Cánh đồng tulip đặc biệt này sẽ mở cửa đón du khách đến cuối tháng 4.

Thiên nhiên mùa xuân rực rỡ ở Trung Quốc

Các điểm du lịch ít được biết đến của Trung Quốc đang đón lượng du khách tăng đột biến trong kỳ nghỉ lễ thanh minh và mùa du xuân năm nay.

Ở tỉnh Chiết Giang, huyện Lâm An thuộc thành phố Hàng Châu đang quyến rũ những du khách đến từ thành thị bằng phong cảnh bình dị và các hoạt động nông nghiệp. Du khách có thể đắm mình trong vẻ đẹp của hoa đào, thưởng thức thịt nướng và đặc sản nổi tiếng của địa phương là măng.

Du khách có thể đắm mình trong vẻ đẹp của hoa đào.

Trong khi đó, tại một ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở Cám Châu, nằm ở tỉnh Giang Tây, khách du lịch bị thu hút bởi khung cảnh nông thôn thanh bình và hoạt động hái lá ngải cứu - thành phần chính trong món cơm nắm xanh truyền thống của địa phương. Du khách cũng có thể thưởng thức há cảo hấp và bánh bao tẩm nước ngải cứu, mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo.

Đối với những người bị hấp dẫn bởi văn hóa truyền thống Trung Quốc, thành phố Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam hứa hẹn một hành trình văn hóa phong phú.

Đối với những người bị hấp dẫn bởi văn hóa truyền thống Trung Quốc, thành phố Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam hứa hẹn một hành trình văn hóa phong phú. Tại đây du khách có thể mặc thử các loại trang phục lấy cảm hứng từ thời cổ đại, từ đó có những bộ ảnh kỷ niệm khó quên.

Venice chính thức thu phí tham quan trong ngày từ 25/4

Khi lượng du khách quá đông, các điểm đến nổi tiếng thường đối mặt với nguy cơ bị xuống cấp nhanh chóng, từ việc hao mòn cơ sở vật chất đến sự suy giảm chất lượng môi trường xung quanh. Tình trạng này khiến các nhà quản lý phải triển khai một số biện pháp để giới hạn số lượng du khách đến hàng ngày. Thành phố du lịch Venice của Italia vừa thông báo mức phí mới dành cho những du khách tham quan trong ngày nhằm bảo vệ địa danh nổi tiếng này khỏi du lịch đại chúng, bắt đầu từ ngày 25/4 tới.

Venice là một trong những địa danh thường xuyên chật cứng du khách ở châu Âu, nhưng ước tính khoảng 80% khách du lịch chỉ tham quan thành phố này trong ngày.

Venice là một trong những địa danh thường xuyên chật cứng du khách ở châu Âu, nhưng ước tính khoảng 80% khách du lịch chỉ tham quan thành phố này trong ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ lớn khách đi du lịch trong ngày, tức những người có xu hướng chi tiêu ít, có thể đẩy một địa điểm du lịch rơi vào nguy cơ suy thoái. Do đó, Chính quyền Venice đã quyết định từ ngày 25/4, những du khách tham quan Venice trong ngày sẽ phải đăng ký trực tuyến trước và trả một khoản phí 5 euro.

Du khách ở lại qua đêm được miễn phí. Các trường hợp miễn trừ khác bao gồm trẻ em dưới 14 tuổi cũng như những người đến thành phố để làm việc và học tập hoặc thăm các thành viên trong gia đình. Để thực thi chính sách này, cảnh sát thành phố và các thanh tra viên được ủy quyền sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên. Bất kỳ ai không có mã QR đăng ký trước sẽ bị phạt tới 300 euro.

Điều này có thể bị chỉ trích, nhưng nó có thể giúp giải quyết những bất ổn. Đây không phải là sáng kiến đóng cửa một thành phố. Chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng khiến mọi người đặt trước chuyến tham quan ở đây.

Ông Luigi Brugnaro - Thị trưởng Venice.

Chính sách trên được đưa ra trong bối cảnh UNESCO cảnh báo Venice có nguy cơ bị tổn hại không thể khắc phục do hàng loạt vấn đề, từ du lịch ồ ạt đến biến đổi khí hậu. Đối với các nhà nghiên cứu, Venice là trường hợp điển hình của tình trạng quá tải du lịch mà người dân phải gánh chịu hậu quả - sống chung với tình trạng tắc nghẽn giao thông, môi trường bị hủy hoại và nguy cơ lối sống cũng như văn hóa bị ảnh hưởng từ 20 triệu du khách. Hiện dân số Venice có khoảng 50.000 người và liên tục giảm, từ mức đỉnh điểm là 175.000 người. Nếu dân số giảm xuống dưới 40.000 người, người ta lo ngại rằng Venice sẽ không còn là một thành phố đáng sống.

UNESCO cảnh báo Venice có nguy cơ bị tổn hại không thể khắc phục do hàng loạt vấn đề, từ du lịch ồ ạt đến biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch đang tiến đến kỷ nguyên rực rỡ nhất, với hơn ba phần tư số quốc gia trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt doanh thu về du lịch vượt mức cao nhất của năm 2019. Ngày càng nhiều điểm đến mới, độc lạ và hấp dẫn sẽ xuất hiện. Ngành công nghiệp không khói đang hứa hẹn sự thịnh vượng, đổi mới và kết nối ở quy mô chưa từng thấy. Bên cạnh đó, cũng kéo theo những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các quốc gia phải có những biện pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả để có thể đưa ngành du lịch phát triển bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.