Ngập lụt có nguy cơ tái diễn tại Hà Nội trong những ngày tới | Hà Nội tin mỗi chiều

Dự báo, trong những ngày tới, khu vực Hà Nội sẽ có mưa vừa, mưa to, do đó tình trạng ngập lụt có nguy cơ tái diễn như đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.

Hà Nội: mưa lớn kéo dài, nguy cơ ngập lụt tái diễn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã vừa ký Công điện số 08 hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chủ động  phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Theo cảnh báo của Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8 năm 2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ, đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

Nỗi lo sống chung với ngập lụt khi Hà Nội dự kiến mưa lớn kéo dài. Ảnh: Kinh tế nông thôn.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.

Cuối tháng 7 vừa qua, mực nước sông Bùi, sông Tích lên cao vượt mức báo động ba trong nhiều ngày đã khiến hàng nghìn hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai rơi vào cảnh ngập lụt. Đợt ngập lụt vừa xảy ra là đợt ngập lụt lần thứ tư trong vòng 15 năm trở lại đây.

Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống của cư dân ven sông, nỗi lo ngập lụt còn khiến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bị gián đoạn. Cùng với nhiều đồ đạc bị hư hỏng, vật nuôi bị cuốn trôi thì hàng trăm ha sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, của bà con nông dân bị ngập nước đã mất trắng.

Một khu vực dân cư ven sông Bùi tại huyện Chương Mỹ bị ngập lụt trong đợt mưa lũ cuối tháng 7/2024. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

Trong khi công tác thống kê, khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua còn chưa kết thúc, các địa phương ven sông Bùi, sông Tích lại đứng trước nguy cơ ngập lụt tái diễn.

Bản tin của Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định từ ngày 11/8 đến ngày 15/8, tại các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ bao gồm cả Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa trong đợt này phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 400 mm. Do vừa qua đã liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đã bão hòa nước, nước trên các sông suối đang ở mức cao nên khả năng cao sẽ xuất hiện lũ trên các sông suối, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, trung du và các vùng sườn dốc, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp, trũng, đô thị.

Giải bài toán ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội

Những năm gần đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu để cố gắng đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt. Chi cục Thủy lợi Hà Nội năm 2020 đề xuất đề tài khoa học cấp thành phố nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ, thực hiện trong năm 2022 - 2023.

Chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Viện Quy hoạch Thủy lợi cho hay, nhóm đã đề xuất cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất trước mắt cắt, tách lũ rừng ngang để không tràn vào vùng trũng thấp của huyện Chương Mỹ; xây dựng đê bao chắn lũ và cải tạo hệ thống sông suối thoát lũ. Đê Hữu Bùi cùng toàn bộ đê chống lũ rừng ngang cần được nâng cao, phân thành bốn đoạn đê bao.

Người dân ở xã Nam Phương Tiến đi lại bằng thuyền tự chế trong những ngày ngập tháng 7-8/2024.
Ảnh: Giang Huy/ VnExpress.

Để tiêu úng, cần nâng cấp toàn bộ 11 trạm bơm hiện có, xây thêm ba trạm mới. Bà Thủy cho rằng với các giải pháp như trên có thể chống được mức lũ tương đương với trận lũ năm 2008, 2017, 2018 và đợt lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua.

Về lâu dài, bà Thủy cho biết cần tiếp tục nâng cấp công trình đê để không chỉ chống được mức lũ như những năm qua mà cả lũ từ sông Hồng vào sông Đáy với tần suất 2.500 m3/s như trong Quyết định 1821 về phòng chống lũ sông Đáy. Muốn làm điều này, hệ thống đê phải được nâng cao lên một mét nữa. Người dân của 10 xã, thị trấn bị ngập nặng cần phải di dời.

Với những người sinh ra và lớn lên từ làng, mọi phong tục tập quán, kế sinh nhai đều gắn liền với vùng này để rời xa làng quê và đi đến một vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp quả thực không dễ dàng!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.