‘Ngày thứ Hai đẫm máu’: Chuyện gì đang xảy ra tại Trung Đông?

Sự kiện “Ngày thứ Hai đẫm máu” tại miền Nam Liban đang khiến sự lo ngại lan rộng trong giới quan sát địa chính trị và quân sự quốc tế. Hành động gây hấn bất chấp của Israel cũng như các hoạt động trả đũa của Hezbollah thúc đẩy căng thẳng leo thang đến mức quá giới hạn. Chuyện gì đang xảy ra tại Trung Đông và căng thẳng hiện tại liệu có đẩy khu vực tới miệng hố của một cuộc chiến tranh toàn diện?

Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah, gắn liền với cuộc chiến tại Gaza, đã đạt đến một cột mốc căng thẳng khi cả hai bên liên tục thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm.

NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI:

•  Các cuộc tấn công gần đây: Israel và Hezbollah liên tiếp mở các đợt tấn công sau khi hàng loạt thiết bị nhắn tin của lực lượng này được cho là bị Israel kích nổ hàng loạt, gây thương vong lớn. Đỉnh điểm là sự kiện “ngày thứ Hai đẫm máu” khiến gần 500 người chết và hơn 1.600 người bị thương tại Nam Liban.

•  Israel chuyển hướng hoạt động quân sự: Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố "giai đoạn mới" trong cuộc chiến tại Gaza và tăng cường lực lượng tại biên giới Liban, chuyển trọng tâm lên phía Bắc, hướng vào lực lượng Hezbollah.

•  Tác động khu vực: Sự leo thang căng thẳng có nguy cơ kéo nhiều quốc gia khác tham gia vào, trong đó có Iran. Liên hợp quốc và nhiều quốc gia kêu gọi các bên kiềm chế. Nhiều quốc gia khuyến cao công dân rời khỏi Liban ngay lập tức khi các chuyến bay thương mại còn hoạt động.

•  Nguy cơ leo thang rộng hơn: Israel và Hezbollah có những liên minh mạnh mẽ, có thể kéo các nước khác như Iran và Mỹ vào cuộc đẩy thành cuộc chiến tranh toàn diện và nguy cơ xung đột lớn. Truyền thông phương Tây vốn ủng hộ Israel hiện đã lên án các hành động khiêu khích cũng như chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào dân thường.

Tình hình vẫn đang thay đổi nhanh chóng, và nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn đang ngày càng gia tăng khi cả Israel và Hezbollah tiếp tục leo thang các hành động quân sự.

Tình hình hiện tại ra sao? 

Vào thứ Bảy tuần trước, một cuộc không kích của Israel vào khu ngoại ô phía Nam Beirut đã giết chết 14 người, trong đó có một chỉ huy cấp cao của Hezbollah và làm bị thương 66 người. Quân đội Israel cho biết họ đã tiến hành 400 cuộc tấn công vào Liban chỉ trong đêm Chủ nhật, trong khi Hezbollah tuyên bố đã phóng rocket vào căn cứ không quân Ramat David gần thành phố Haifa của Israel. Lực lượng kháng chiến Hồi giáo đồng minh với Iran tại Iraq cũng tuyên bố đã phóng tên lửa al-Arqab vào các căn cứ của Israel, mặc dù không có thương vong nào được báo cáo.

Đây là cuộc tấn công thứ hai của Israel vào các mục tiêu của Hezbollah trong vòng chưa đầy hai tháng, trước đó cuộc tấn công khác đã giết chết hai trẻ em và làm bị thương 74 người để tiêu diệt chỉ huy cấp cao Fuad Shukr.

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày thứ Hai (23/9), Israel phát lệnh tấn công ồ ạt vào lực lượng Hezbollah tại miền Nam Liban gây ra hàng nghìn thương vong cho dân thường, với cả phụ nữ và trẻ em. Hàng nghìn người đang phải sơ tán dọc tuyến đường ven biển phía Nam Liban. Sự kiện "Ngày thứ Hai đẫm máu" này khiến một loạt tờ báo phương Tây vốn ủng hộ Israel buộc phải lên án mạnh mẽ hành động khiêu khích cũng như chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào dân thường.

Khói bốc lên tại một khu vực miền Nam Liban sau cuộc không kích của Israel. Ảnh Reuters.

Tại sao xung đột leo thang vào lúc này?

Israel tuyên bố rằng họ đang chuyển hướng tập trung về phía Bắc, tức là đối đầu với Hezbollah, lực lượng đã liên tục hướng hỏa lực về phía Israel để hỗ trợ đồng minh Hamas kể từ khi chiến sự tại Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023. Trong tuần qua, Hezbollah đã phải chịu hai cuộc tấn công vào hệ thống liên lạc, và nhóm này cáo buộc Israel đứng sau các cuộc tấn công đó. Đồng thời, Israel đã tăng cường mạnh mẽ lực lượng quân đội dọc theo biên giới của họ. Israel đã chính thức lên tiếng phủ nhận sự liên quan tới hoạt động kích nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm khiến hàng nghìn người thương vong tại Liban.

Vào thứ Tư tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã tuyên bố về một “giai đoạn mới” trong cuộc chiến tại Gaza, thông báo việc triển khai Sư đoàn 98, bao gồm 10.000 đến 20.000 binh lính, tham gia vào Bộ Chỉ huy Bắc Israel, nơi đang có bốn lữ đoàn vũ trang hoạt động gần biên giới với Liban.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant phát biểu tại căn cứ không quân Ramat David hôm 18/9/2024. Ảnh cắt từ clip Bộ Quốc phòng Israel/Reuters.

Theo truyền thông phương Tây - những tờ báo từ trước tới nay luôn ủng hộ Israel, những bình luận của Gallant gần như là lời thừa nhận trách nhiệm của Israel trong hai cuộc tấn công vào hệ thống liên lạc của Hezbollah. Từ ngày 17 đến 18/9, hàng loạt thiết bị tìm kiếm và bộ đàm của Hezbollah đã phát nổ, khiến 37 người chết trong đó có hai trẻ em, và hàng ngàn người khác bị thương hoặc mất khả năng lao động.

Theo các nhà phân tích chính trị, những cuộc tấn công này đã tạo ra áp lực lớn đòi hỏi Hezbollah phải đáp trả mạnh mẽ, mặc dù tổ chức này đang gặp nhiều khó khăn.

Cuộc xung đột có thể diễn biến như thế nào? 

Các liên minh của Israel hoặc Hezbollah có thể kéo theo nhiều lực lượng khác tham gia vào cuộc xung đột. Hezbollah và Iran đã hợp tác chặt chẽ kể từ khi Hezbollah được thành lập nhằm đáp trả cuộc xâm lược Liban của Israel vào năm 1982. Về phía Israel, nước này đã nhất quán coi các cuộc chiến trong nước với Hamas và Hezbollah là một phần của cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại Iran.

Xe quân sự Israel gần biên giới Liban. Ảnh: AFP.

Iran, mặc dù chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng được cho là đã tiến gần đến việc đạt được khả năng này sau khi thỏa thuận hạn chế phát triển hạt nhân của nước này bị hủy bỏ bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018. Ngay cả khi không có chương trình vũ khí hạt nhân, Iran vẫn là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất trong khu vực. Bên cạnh mạng lưới liên minh với các nhóm như Houthi tại Yemen và Hamas tại Gaza, Iran còn sở hữu một trong những đội quân thường trực lớn nhất trong khu vực.

Để đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chủ chốt. Mặc dù luôn ủng hộ Israel, nhưng Mỹ cũng thường xuyên đối đầu với Iran trong cuộc chiến giành quyền lực tại khu vực.

Điều gì có thể kéo các quốc gia khác vào cuộc xung đột này? 

Cả Mỹ và Iran đều tỏ rõ nhận thức về những rủi ro mà bất kỳ sự leo thang nào có thể gây ra. Mặc dù Israel liên tục khiêu khích - như vụ không kích vào lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria vào tháng 4 năm 2024 và vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran vào tháng 7 - Iran vẫn giữ thái độ dè dặt.

Phản ứng của Iran đối với cuộc không kích vào tháng 4 đã được báo trước từ lâu và hầu hết bị đánh chặn. Cho đến nay, vẫn chưa có phản ứng nào trước cái chết của Haniyeh. Tuy nhiên, sau các cuộc tấn công bằng thiết bị tìm kiếm của Hezbollah và các nạn nhân vô tội, chỉ huy lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Hossein Salami, đã hứa rằng "sẽ có một phản ứng đè bẹp từ phe kháng cự".

Tòa nhà Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria bị đánh sập ngày 1/4. Ảnh Reuters.

Mặc dù Mỹ vẫn ủng hộ Israel, họ cũng tỏ ra nhận thức về những rủi ro leo thang. Các nhà ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã công bố một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 5, mặc dù sau đó nó bị từ chối.

Kịch bản nào cho cuộc xung đột trong những ngày tới?

Xung đột leo thang: Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã chạm ngưỡng báo động, và có thể dẫn đến cuộc chiến toàn diện. Sự leo thang của các cuộc tấn công từ cả hai phía trong những ngày gần đây, như việc Israel tấn công các mục tiêu của Hezbollah và ngược lại, đặc biệt là sự kiện “ngày thứ Hai đẫm máu” tại Nam Liban khiến xung đột có thể tiếp tục được đẩy lên cao và lan rộng. Các vụ tấn công qua biên giới có thể gia tăng, và Israel có thể tăng cường lực lượng quân sự ở phía Bắc để đối phó với Hezbollah. Rất có thể Iran - đồng minh lớn của Hezbollah sẽ tham gia vào cuộc xung đột trong những ngày tới

Sự can thiệp của các lực lượng quốc tế: Hoa Kỳ và các nước phương Tây có thể đóng vai trò hòa giải nhằm ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng. Mỹ có thể gây áp lực buộc Israel và Hezbollah ngừng bắn hoặc làm trung gian cho các cuộc đàm phán ngừng bắn như đã làm trong các cuộc xung đột trước đây. Tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác cũng có thể can thiệp nhằm tránh thảm họa nhân đạo và kêu gọi hòa bình.

Xung đột kéo dài không chính thức: Một kịch bản khác là tình trạng xung đột kéo dài nhưng không chính thức giữa Israel và Hezbollah, giống như các cuộc đối đầu trong quá khứ. Mặc dù có thể không có chiến tranh toàn diện, hai bên có thể tiếp tục các vụ tấn công nhỏ lẻ qua biên giới, kéo dài căng thẳng nhưng không đủ để bùng phát thành cuộc chiến lớn. Điều này có thể gây bất ổn cho cả khu vực và làm gia tăng lo ngại về sự leo thang bất ngờ.

Iran có thể thể hiện vai trò quyết định: Iran có thể đóng vai trò quyết định trong việc liệu Hezbollah có tiến xa hơn trong các cuộc tấn công hay không. Nếu Iran cho phép Hezbollah tăng cường hoạt động quân sự, xung đột có thể nhanh chóng bùng nổ. Tuy nhiên, nếu Iran tiếp tục giữ thái độ dè dặt, Hezbollah có thể phải cân nhắc lại chiến lược của mình để tránh gây ra một cuộc xung đột lớn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.

Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.