Nghề thêu tay Quất Động, khi kim chỉ xuyên thấu thời gian

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 23km về phía Nam, làng thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín là làng nghề thêu thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XVII. Trong không gian tĩnh lặng của xưởng thêu, những người thợ vẫn miệt mài với những mũi kim, sợi chỉ.

Ánh mắt những người thợ dõi theo từng đường kim mũi chỉ, đôi tay thoăn thoắt luồn lách giữa những sợi chỉ màu. Mỗi một họa tiết hoa sen, mỗi một đường nét rồng phượng đều mang trong đó tâm hồn và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Những bức tranh thêu không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là những câu chuyện, những ký ức được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo sử sách xưa ghi lại, ông tổ nghề thêu của làng Quất Động là Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606 tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1637, Lê Công Hành đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê. Năm 1646, ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong thời gian này, ông đã học được cách thêu lọng và sau này đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

Các tác phẩm nổi bật của các nghệ nhân của Quất Động là tranh thêu phong cảnh, có thể kể đến như cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như: chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế… hay những bức tranh mang đậm tích xưa như: "Đám cưới chuột", "Vinh quy", "Hứng dừa", "Cá chép trông trăng"… Tại đây, mỗi tác phẩm đều là một câu chuyện riêng.

Tại làng nghề thêu tay Quất Động, cô Nguyễn Thúy Đào ngồi bên khung cửi, đôi mắt tinh anh dõi theo từng mũi kim. Đôi bàn tay cô khéo léo luồn lách giữa những sợi chỉ màu, tạo nên những bông hoa, những con chim thật sống động. Cô kể rằng, nghề thêu đã gắn bó với mình từ thuở thiếu thời. Cha, mẹ cô đều là những người thợ thêu tài hoa. Tiếng kim cọt kẹt, tiếng cười nói rôm rả của những người thợ đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của cô Đào.

"Bản thân tôi cũng cảm thấy mình rất may mắn vì được sinh ra ở làng nghề truyền thống cha ông để lại. May mắn hơn nữa vì gia đình tôi cũng là gia đình theo nghề truyền thống. Từ lúc hơn 10 tuổi tôi đã thích và cũng đam mê nghề rồi. Nghề này mình phải kiên trì từng đường kim mũi chỉ bé xíu, thậm chí có những cái mình phải làm đi làm lại thì mới có thể ra được một sản phẩm đẹp, mình phải hết sức kiên nhẫn", cô Đào chia sẻ.

Nghề thêu nhẹ nhàng song rất cần kỹ thuật và sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo của người thợ. Giá trị của tác phẩm thêu tay chính là chứa đựng tình cảm, tâm hồn, sự cảm thụ vẻ đẹp của người thợ.

Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến những bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lenin… Đối với các bức tranh chân dung, ngoài yếu tố kỹ thuật, các nghệ nhân còn phải có hiểu biết về nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh để diễn tả thần thái của người trong bức tranh.

Hiện nay, nghề thêu tranh Quất Động còn có bước đột phá mới với kỹ thuật tranh thêu hai mặt. Tranh thêu hai mặt được thể hiện trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm. Với kỹ thuật thêu mới này, để giữ được chân chỉ, các nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ, công phu nên thời gian hoàn tất tranh lâu gấp ba lần tranh thêu thông thường. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người xem khó có thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc, bởi những chân chỉ được các nghệ nhân giấu vào chính giữa. Cũng vì lẽ đó mà khi xem tranh thêu hai mặt, người xem sẽ có cảm giác thư thái, tâm hồn như dịu lại.

Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng có từ 200 - 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai.

Tình yêu nghề của người Quất Động đã được đền đáp khi nghề dần được khôi phục, phát triển trở lại, khẳng định được uy tín trên thị trường, giúp cuộc sống của người dân thêm ổn định. Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều ngành nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp, thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông.

Nghề thêu không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công mà còn là một phần hồn cốt của dân tộc. Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường, không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ và cũng bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tròn 1 năm thành lập, CLB văn hóa áo dài Việt Nam đã tổ chức Lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 38 nhà thiết kế áo dài từ mọi miền Tổ quốc đã dâng hương, tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông long trọng tổ chức Lễ Khai mạc triển lãm và công bố giải thưởng cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam năm 2024".

Tại Hà Nội, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, đã chủ trì tiệc chiêu đãi, giao lưu giữa Đại sứ các nước của đoàn ngoại giao. Tham dự sự kiện có hơn 50 Đại sứ và Trưởng các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội.

Trình diễn thực cảnh tương tác - hình thức nghệ thuật sân khấu mới mẻ đang mang đến một cách tiếp cận độc đáo để khám phá lịch sử và văn hóa Thủ đô. Thay vì chỉ xem, khán giả được hòa mình vào câu chuyện, trực tiếp tham gia vào không gian và nhịp sống của quá khứ được tái hiện.

Tại Bảo tàng Hà Nội, vào tối 10/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức tổng kết Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 và ra mắt Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội.

Từ bao đời, sen Tây Hồ, giống sen trăm cánh, hay còn gọi là sen Bách Diệp riêng có của Tây Hồ đã trở thành niềm tự hào của vùng đất kinh kỳ Thăng Long. Từ giống sen quý, nghệ thuật ướp trà sen của người dân Quảng An - Tây Hồ đã nâng tầm những cánh trà, đưa việc thưởng trà thăng hoa thành một nghệ thuật, ẩn chứa tinh hoa của cả đất trời trong chén trà nhỏ và hơn thế, là cả sự tao nhã, cao sang của người thưởng trà.