Ngọn đuốc Olympic 2024 và hành trình vòng quanh nước Pháp
Ngọn đuốc Olympic 2024 bắt đầu hành trình vòng quanh nước Pháp
Rạng sáng 9/5 (theo giờ Việt Nam), ngọn đuốc Olympic Paris 2024 đã đến Marseille, một thành phố cảng ở miền Nam nước Pháp. Biểu tượng truyền thống của Thế vận hội được chào đón bằng lễ kỷ niệm hoành tráng quy tụ hơn 150.000 khán giả, cùng sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Nhà vô địch Olympic nội dung bơi 50m nam Florent Manaudou đã vinh dự được lựa chọn làm người đưa ngọn đuốc từ con tàu 3 cột buồm Belem lên đất liền. Manaudou đã trao ngọn đuốc cho vận động viên Paralympic Nantenin Keita, người giành huy chương Vàng điền kinh 400m tại Thế vận hội Rio năm 2016. Sau đó, ngọn lửa được truyền cho rapper Jul, người đã thắp sáng chiếc vạc trước sự phấn khích của đám đông.
Đối với nhiều người dân địa phương và du khách, được chứng kiến ngọn lửa Olympic tại đất Pháp là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời.
Buổi lễ rất thành công, con thuyền thật tráng lệ, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tôi đã chọn một vị trí từ trên cao và được nhìn thấy con thuyền từ mọi phía, nó thật hoành tráng.
Bà Chantal Aurori – du khách đến từ Montpellier, Pháp.
Trước đó, vào ngày 16/4, ngọn đuốc Olympic 2024 đã được thắp sáng tại Hy Lạp, quê hương của Olympic. Nữ diễn viên Hy Lạp Mary Mina, vào vai nữ tu sĩ, thắp ngọn đuốc dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hy Lạp, lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cùng nhiều quan chức khác. Sau nghi lễ thắp đuốc truyền thống, "nữ tu sĩ" truyền ngọn lửa cho người cầm đuốc đầu tiên là nhà vô địch chèo thuyền Olympic Stefanos Douskos, bắt đầu chặng chạy tiếp sức kéo dài 11 ngày ở Hy Lạp. Đến ngày 26/4, ngọn đuốc được trao cho Pháp tại sân vận động Panathenaic, nơi tổ chức kỳ Olympic hiện đại đầu tiên vào năm 1896.
Con tàu 128 tuổi mang tên Belem đã đưa ngọn đuốc rời Athens từ ngày 27/4, lênh đênh 12 ngày trên biển để đến thành phố cảng Marseille. Khi con tàu tiến vào cảng, nó được hàng trăm chiếc thuyền nhỏ hộ tống.
Các máy bay của đội biểu diễn Patrouille de France bay lượn trên không, tạo hình các vòng tròn Olympic và vẽ màu đỏ, trắng và xanh của lá cờ Pháp.
Pháo hoa rực rỡ bầu trời Marseille khi tàu Belem cập bến. Các nhà tổ chức hy vọng màn trình diễn ngoạn mục khởi đầu cho chuỗi các sự kiện Olympic trên đất Pháp sẽ tạo nên không khí hứng khởi chào đón Thế vận hội mùa Hè quay trở lại Pháp sau tròn 100 năm.
Tiếp đến là hành trình rước đuốc dài 12.000km trên khắp nước Pháp, tới cả các lãnh thổ hải ngoại xa xôi của nước này ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Lễ rước đuốc được tổ chức từ ngày 9/5 với sự tham dự của hơn 10.000 người, bao gồm các vận động viên và những người nổi tiếng ở Pháp. Ngọn đuốc sẽ đi qua hơn 450 thị trấn và thành phố của Pháp, trong đó có các địa điểm biểu tượng như lâu đài Mont-Saint-Michel, bãi D-Day ở Normandy và cung điện Versailles ở thủ đô Paris.
Hành trình rước đuốc Olympic giống như một cuộc thi chạy tiếp sức. Mỗi người chỉ cầm ngọn đuốc trong một thời gian nhất định. Khi một người hoàn thành nhiệm vụ của mình, ngọn đuốc sẽ được chuyển cho người tiếp theo. Được lựa chọn làm người rước đuốc luôn là một vinh dự tuyệt vời.
Trong suốt hành trình, ngọn đuốc sẽ được bảo vệ bởi hệ thống an ninh khép kín gồm 115 cảnh sát và hiến binh, được hàng trăm đơn vị cơ động hỗ trợ. Nhiệm vụ của lực lượng an ninh là bảo đảm không có một sự cố nào xảy ra, dù là do tai nạn hay phá hoại.
Khủng bố luôn là nỗi lo ngại đối với an ninh Pháp. Trong trường hợp tấn công khủng bố xảy ra, đơn vị tinh nhuệ của hiến binh sẽ sẵn sàng can thiệp. Bộ Nội vụ Pháp cho biết các đơn vị của lực lượng này sẽ luôn luôn ở gần ngọn lửa. Một thiết bị chống máy bay không người lái UAV sẽ đảm bảo khoảng cách của ngọn đuốc với bất kỳ thiết bị bay nào có thể được sử dụng cho mục đích khủng bố hoặc gây rối.
An ninh là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng vì đã chuẩn bị cho sự kiện trong 7 năm qua. Lễ đón ngọn đuốc có khoảng 200.000 người tham dự và chúng tôi đã huy động lực lượng an ninh gần 7.000 người. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Ngọn lửa đã đến đất Pháp an toàn. Sự đoàn kết này là sức mạnh của chúng tôi, là tinh thần của Olympic Paris 2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau hành trình dài 11 tuần, ngọn đuốc Olympic 2024 sẽ được thắp sáng tại lễ khai mạc diễn ra trên sông Seine ở Paris vào ngày 26/7 tới. Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ 26/7 - 11/8, sau đó là Thế vận hội người khuyết tật Paralympic 2024 từ ngày 28/8 - 8/9.
Lịch sử nghi lễ rước đuốc Olympic
Lễ rước đuốc là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Olympic, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn biểu trưng cho tinh thần hòa bình và tình đoàn kết giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Nghi thức thắp lửa Olympic vốn được lấy cảm hứng từ những nghi lễ Hy Lạp cổ đại từ gần 3.000 năm trước. Tuy nhiên, việc sử dụng ngọn lửa trong lễ rước đuốc như hiện nay không được ghi nhận trong các kỳ Olympic cổ đại mà mới chỉ xuất hiện cách đây chưa đầy 100 năm.
Theo báo Pháp Le Parisien, truyền thống thắp lửa Olympic được lấy cảm hứng từ các nghi thức trong Thế vận hội cổ đại, từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên. Biểu tượng ngọn lửa thiêng xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, khi thần Prometheus đánh cắp lửa từ đỉnh Olympus để trao cho con người, bất chấp lệnh cấm của thần Zeus. Để trừng phạt Prometheus, thần Zeus đã xích ông vào đỉnh núi và để đại bàng ăn gan của ông hàng ngày. Để tưởng nhớ sự hy sinh thần thoại này, người Hy Lạp cổ đại thực hiện nghi thức đốt lửa trong nhiều nghi lễ tôn giáo và cả trong Thế vận hội cổ đại.
Người Hy Lạp đã ngừng tổ chức Olympic trong 1.000 năm vì nhiều lý do. Mãi đến năm 1896, kỳ Olympic hiện đại đầu tiên mới được tổ chức tại Athens, Hy Lạp, nhưng phải tới Olympic Amstersdam 1928 ngọn đuốc mới quay trở lại và tới Olympic Berlin 1936, rước đuốc mới chính thức trở thành một phần của Olympic hiện đại, để thể hiện sự kết nối với lịch sử. Kể từ đó, lễ rước đuốc ở mỗi kỳ Olympic lại mang một màu sắc thú vị khác nhau, và điều người hâm mộ mong chờ nhất là khi ngọn đuốc chính được thắp lên trong buổi lễ khai mạc.
Ngọn lửa Olympic tượng trưng cho sự thanh khiết, nỗ lực vươn tới sự hoàn hảo và tinh thần đoàn kết. Nó cũng nhắc nhở về nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của Thế vận hội. Việc rước đuốc qua nhiều quốc gia phản ánh tinh thần hòa bình và hữu nghị quốc tế mà Thế vận hội mong muốn thúc đẩy.
Quy trình sản xuất ngọn đuốc Olympic Paris 2024
Mỗi kỳ Olympic lại có cách tổ chức và lộ trình rước đuốc độc đáo, phản ánh văn hóa và tinh thần của quốc gia đăng cai, vì thế mà ngọn đuốc của mỗi sự kiện cũng có những đặc điểm và cách chế tác rất riêng biệt. Olympic Paris 2024 cũng không phải ngoại lệ. Với hình dáng, chất liệu độc đáo, ngọn đuốc năm nay được coi là một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo của các nghệ nhân Pháp.
Khoảng 6 tấn thép đã được nhà sản xuất ArcelorMittal nấu chảy để chế tạo 2.000 ngọn đuốc cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024. Quá trình sản xuất kéo dài suốt 9 tháng tại nhà máy ở vùng Normandy, kết thúc vào tháng 1 năm ngoái.
Ngọn đuốc nặng 1,5 kg với chiều cao 70 cm, có khả năng chống nước và chống gió, chịu được sức gió giật lên tới 60 km/h. Nó được nhà thiết kế người Pháp Mathieu Lehanneur sáng tạo, lấy cảm hứng từ 3 yếu tố biểu tượng của Olympic Paris 2024: bình đẳng, nước và hòa bình. Hình dáng của nó mô phỏng hình ảnh phản chiếu của tháp Eiffel trên mặt nước gợn sóng của dòng sông Seine, truyền tải năng lượng hòa bình. Những nét gợn sóng mềm mại tượng trưng cho hành trình từ Hy Lạp băng qua biển Địa Trung Hải và các đại dương để tới các vùng lãnh thổ nước Pháp. Thiết kế đối xứng 2 nửa trên dưới tượng trưng cho sự bình đẳng, công bằng giữa các vận động viên.
Ban tổ chức Olympic 2024 và nhà sản xuất đuốc cũng chú trọng đến yếu tố môi trường. Thay vì nguyên liệu nhôm mới, những ngọn đuốc năm nay được làm bằng thép tái chế. Chúng sử dụng khí sinh học để đốt cháy thay vì propan như mẫu thiết kế của nhiều kỳ Olympic trước đó, và có thể được sạc lại khi hết nhiên liệu. Số lượng đuốc cũng được giảm từ 10.000 chiếc thông thường xuống còn 2.000 chiếc. Trong đó, khoảng 1.500 ngọn đuốc sẽ được sử dụng cho lễ rước đuốc của Olympic 2024, 500 ngọn đuốc còn lại sẽ được sử dụng cho Paralympic.
Độc đáo bộ sưu tập đuốc Olympic trong 40 năm
Trải qua nhiều kỳ Olympic, thiết kế ngọn đuốc đã thay đổi nhiều lần, nhưng đều thể hiện truyền thống và nét đặc trưng của mỗi quốc gia nơi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này diễn ra. Đến thăm tòa thị chính của Olympia cổ đại ở Tây Nam Hy Lạp, nơi ngọn lửa Thế vận hội Paris 2024 đã được thắp lên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự sáng tạo và nét độc đáo của 41 ngọn đuốc của các kỳ Olympic mùa Đông, mùa Hè và Paralympic trong lịch sử.
Ông Stratos Klimou, 65 tuổi, đã dày công sưu tầm những ngọn đuốc Olympic trong suốt 40 năm qua. Bộ sưu tập của ông có nhiều hiện vật độc đáo, bao gồm cả ngọn đuốc đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội hiện đại từ Olympic Berlin 1936 tại Đức. Tuy nhiên, những ngọn đuốc mà ông yêu thích nhất là ngọn đuốc của Olympic London 1948 ở Anh và Olympic Melbourne 1956 ở Australia.
Ông Klimou đã miệt mài tìm kiếm những mẫu đuốc tại các cửa hàng đồ cổ và chợ trời, tìm mua trực tuyến để xây dựng bộ sưu tập quý giá này. Ông rất mong muốn bổ sung ngọn đuốc Olympic Paris 2024 vào bộ sưu tập của mình.
Lễ rước đuốc Olympic tượng trưng cho những gì người Hy Lạp đã làm trong Thế vận hội Olympic cổ đại. Trong các kỳ Thế vận hội Olympic cổ đại, người dân từ Olympia đã đến thăm các thành phố khác của Hy Lạp, truyền bá thông điệp về hòa bình.
Ông Stratos Klimou – chủ nhân bộ sưu tập.
Triển lãm bộ sưu tập những ngọn đuốc của ông Klimou cũng sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp, từ cuối tháng 7 cho đến khi kết thúc kỳ Olympic vào ngày 11/8 tới.
Nghi lễ rước đuốc là một biểu tượng của Olympic, mang theo ngọn lửa với thông điệp về hòa bình và đoàn kết. Bằng nhiều phương thức độc đáo và kỳ công, ngọn lửa biểu tượng cho tinh thần thể thao luôn được thắp lên để đánh dấu sự bắt đầu của một kỳ Olympic. Nghi lễ này không chỉ đại diện cho sự bắt đầu và kết thúc của sự kiện thể thao kết nối toàn cầu, mà còn tượng trưng cho việc con người nỗ lực gìn giữ truyền thống bằng những thành tựu thời hiện đại.
Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
0