Ngổn ngang mặt tiền phố Hà Nội
Lộn xộn không gian mặt phố
6h sáng, tại phố Thái Thịnh, các cơ sở kinh doanh bắt đầu bày hàng, bê biển quảng cáo đặt ra vỉa hè.
Cột tên đường trở thành cột treo biển quảng cáo “Xôi khúc 20K”.
Các thân cây thì đầy rẫy các loại bún, từ bún chả cho đến bún riêu, bánh đa cua...
Dọc phố Thái Thịnh, không khó bắt gặp hình ảnh hàng loạt quán ăn, cửa hàng ngang nhiên kê bàn ghế, căng bạt, nấu nướng, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ, nay bị thu hẹp đáng kể bởi hàng quán. Thay vì đi bộ trên vỉa hè, người ta phải đi xuống lòng đường.
Còn tại phố Nguyễn Văn Tuyết, tại thời điểm 18h chiều, từng hàng xe xếp dọc vỉa hè, thậm chí là dưới lòng đường.
Loay hoay với mặt tiền phố phường Hà Nội
Anh Nguyễn Tùng Linh, ở phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Tôi đã sống ở đây từ những năm 90, chứng kiến rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt về mặt kiến trúc tôi thấy khá là lộn xộn, cá nhân tôi thích kiến trúc cũ hơn. Tôi thấy về mặt buôn bán, nếu những khu phố vẫn giữ được vẻ cổ kính của mình thì sẽ thu hút khách du lịch nhiều hơn. Tôi thấy đúng như câu "đất chật người đông", nên không thể tránh khỏi việc cơi nới để lấy không gian sống cho bản thân. Theo tôi, nếu được quy hoạch chuẩn chỉ thì phố phường sẽ đẹp hơn rất nhiều".
Theo bà Trần Thị Cúc, ở phố Lương Ngọc Quyến: "Kiến trúc cổ thì chỉ có 2 tầng thôi, còn bây giờ dân cứ tự ý xây thêm tầng lên, còn ở bên dưới thì không cơi nới ra được tại vì xung quanh không phải của mình mà của nhà hàng xóm, nên họ chỉ có nước cơi nới lên trên theo chiều dọc thôi".
Bà Nguyễn Thị Phương, ở phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Theo quy định Nhà nước thì bây giờ không cho phép tự ý mở rộng nhà ra nữa đâu, mà ở khu phố cổ, tôi thấy việc mở rộng nhà khó hơn ở những chỗ khác. Dân ở đây sống chật chội, rất muốn có cái ban công để nhìn ra ngoài đường nhưng giờ thì không được phép nữa rồi".
"Tôi thấy hàng quán bày ra vỉa hè rất là nhiều, nên trong giờ cao điểm, người đi bộ không có chỗ để đi thì họ lại phải vòng xuống lòng đường. Tôi thấy tình trạng đó gây mất mỹ quan đô thị và đồng thời rất là mất vệ sinh môi trường", chị Trương Hải Anh, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ.
Bà Trần Thị Sâm, phường Mỹ Đình 1, phàn nàn: "Mỗi khi tôi đi đường, vì vướng hàng quán nên bắt buộc phải đi bộ dưới đường, mà mỗi lần còi xe vang lên là cứ phải nép người vào, mỗi lần xe đi qua tôi sợ lắm. Tôi thấy cứ để thế chẳng mấy chốc sẽ có tai nạn giao thông mà thôi".
Chị Đinh Thị An Thanh, phường Mỹ Đình 1, nhận xét: "Hiện nay, tôi thấy việc thiếu quy hoạch những khu vực kinh doanh hàng hóa vỉa hè đang gây rất nhiều bức xúc cho mọi người. Khi tôi đi du lịch hay khách du lịch từ nơi khác đến Hà Nội muốn ngắm cảnh đường phố, chứng kiến hàng quán rất là mất vệ sinh, lấn chiếm nơi công cộng, sẽ tạo ra những hình ảnh rất là tiêu cực về thành phố Hà Nội".
Dưới long lanh, trên xập xệ
Những hộ kinh doanh thuê lại mặt bằng để làm cửa hàng dường như chỉ chú trọng trang trí, gia cố và làm mới tầng 1 rất chỉn chu, để có một mặt tiền cửa hàng đẹp mắt và thu hút nhất, nhưng khi nhìn từ tầng 2 trở lên thì trông khá là lộn xộn.
Nhìn vào phố Phạm Ngọc Thạch, Giảng Võ hay Khâm Thiên..., tình trạng chung là các cửa hàng kinh doanh ở tầng 1 đều có biển hiệu trang trí rất bắt mắt, nhưng bên trên lại là dãy nhà tập thể lâu năm, xập xệ. Điều này làm cho hình thức tổng thể ngôi nhà bị thay đổi, phía dưới long lanh bắt mắt nhưng bên trên xập xệ. Hay, giữa tầng trên và tầng dưới không liên quan đến nhau trong thiết kế, kim - cổ đan xen, khá lộn xộn.
Hầu hết những ngôi nhà cũ mặt tiền phố lớn ở Hà Nội được sửa sang đẹp mắt phục vụ kinh doanh, trong khi các tầng trên vẫn nguyên trạng. Ban công được cơi nới, quần áo phơi tràn cả ra đường là những hình ảnh dễ thấy nhất tại rất nhiều con phố của Thủ đô.
Hai mảng hiện đại sáng rỡ và cổ cũ xập xệ hiện diện trong một ngôi nhà không khó để bắt gặp trên phố Lương Ngọc Quyến, hay trên phố Hàng Lược, Hàng Mã... Không chỉ riêng khu phố cổ, nhiều dãy phố khác tại Thủ đô cũng trong tình trạng tương tự.
Các cách bảo vệ không gian phố khác nhau trên thế giới
Các quốc gia như Trung Quốc và Malaysia đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ không gian mặt tiền phố, nhằm cải thiện vẻ đẹp đô thị, giữ gìn trật tự và bảo vệ các khu vực có giá trị văn hóa.
Ở Trung Quốc, nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã tích hợp thông minh việc quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường và bảo vệ các cảnh quan, đồng thời yêu cầu các tòa nhà mới phải tuân thủ các tiêu chuẩn về kiến trúc, độ cao, màu sắc và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.
Trong quy định của thành phố Bắc Kinh về Quy hoạch đô thị nêu rõ các công trình xây dựng khác nhau như khu bảo vệ di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên phải được kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền kiểm soát việc sử dụng các mặt tiền tòa nhà để bảo vệ vẻ đẹp và tính thẩm mỹ của không gian công cộng.
Giám đốc điều hành Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat), trong một lần trả lời phỏng vấn tờ China Daily, đã dành lời khen cho kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng các chính sách nhà ở toàn diện, khai thác không gian theo chiều dọc để tối ưu hóa sử dụng đất, từ đó bảo vệ không gian mặt tiền phố.
Trung Quốc có những quy định nghiêm ngặt đối với biển quảng cáo ngoài trời. Chẳng hạn, quảng cáo cho các sản phẩm thuốc lá và rượu mạnh không được phép xuất hiện ở các khu vực công cộng, nhằm bảo vệ không gian phố khỏi những hình ảnh gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Các quảng cáo không được phép sử dụng các biểu tượng quốc gia, hình ảnh của các tổ chức nhà nước, hay gây tổn hại đến di sản văn hóa và môi trường. Quy định này giúp duy trì tính thẩm mỹ và văn hóa của các khu vực đô thị.
Tại Malaysia, đặc biệt là tại các khu vực di sản văn hóa như George Town (Penang) và Malacca, việc bảo vệ các mặt tiền phố rất được chú trọng. Điển hình như việc Malaysia đã thông qua kế hoạch Penang2030. Đây là một phần của chiến lược phát triển đô thị thông minh nhằm đảm bảo rằng các giải pháp đô thị được thiết kế phù hợp với tính đặc trưng của khu vực di sản, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị thông qua việc tái sinh George Town, khu định cư đô thị lâu đời nhất ở Penang.
Quốc gia này cũng đưa ra quy định việc tái cấu trúc đường phố trong khu vực di sản cần được thực hiện một cách cẩn trọng để không gây ảnh hưởng đến không gian mặt tiền phố, vừa kết hợp các mạng lưới đường hiện đại vừa không làm mất đi đặc điểm của các khu phố cổ.
Giống như Trung Quốc, Malaysia cũng có những quy định nghiêm ngặt về lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời. Quảng cáo ngoài trời không được phép sử dụng ngôn ngữ thô tục hoặc phản cảm, không chứa hình ảnh thuốc lá, đồ uống có cồn, các sản phẩm từ thịt lợn hay các hình ảnh trang phục thiếu đứng đắn. Các quy định này cũng là cách Malaysia tôn trọng các chuẩn mực văn hóa và bảo vệ không gian mặt tiền phố.
Các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Kuala Lumpur cũng chú trọng đến việc phát triển không gian công cộng xung quanh, như công viên, khu vực đi bộ. Điều này không chỉ giúp cải thiện cảnh quan mà còn tạo ra những không gian sinh hoạt cộng đồng.
Đã đến lúc tất cả người dân cần coi những mặt tiền của ngôi nhà mình đang sinh sống, đang kinh doanh là tài sản chung của xã hội, không vì sự tiện lợi của cá nhân các gia đình mà làm mất đi giá trị kiến trúc của thành phố.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ. Trong đó, dự án cải tạo phố Tạ Hiện là kinh nghiệm quý trong bảo tồn những công trình nhà ở của người dân, đảm bảo hài hòa yếu tố thẩm mỹ, kinh tế, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Trước đây, toàn bộ mặt tiền những ngôi nhà ở Tạ Hiện trông khá lộn xộn. Chính quyền quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ đã có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ kích thước biển hiệu, màu sơn nhà, sơn cửa, về vị trí lắp đặt điều hòa, hệ thống ánh sáng... cho những ngôi nhà trên phố, để giữ gìn vẻ đẹp phố cổ lâu dài.
Giờ đây, với những chiếc cửa gỗ sơn xanh, có chấn song theo phong cách những năm đầu thế kỷ XX, lòng đường được lát đá tự nhiên, ngay cả đường ống thoát nước từ mái các ngôi nhà cũng được làm bằng ống gốm đất nung - điều hiếm thấy trong kiến trúc đương đại, khó hình dung một phố Tạ Hiện trước khi chỉnh trang trong hình ảnh phố Tạ Hiện hiện tại.
Với người dân sinh sống trên phố Tạ Hiện, nhất là các gia đình có mặt tiền, hiểu việc cải tạo bảo tồn mặt tiền nhà mình nói riêng, vẻ đẹp mỹ quan của con phố nói chung nên rất ủng hộ những quy định này. Họ mong muốn có thêm nhiều khu phố được cải tạo như vậy. Có thể thấy, trong công tác bảo tồn, nhất là ở những công trình, sự ủng hộ của nhân dân là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.
Bên cạnh đó, cần có những quy định xử phạt cụ thể và mạnh tay hơn với những hành vi làm xấu mỹ quan đô thị. Bởi có nhiều trường hợp, mặc dù có quy định rồi nhưng người dân không thực hiện, như con phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội là phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Vào năm 2016, sau khi mở rộng tuyến đường này, UBND quận Thanh Xuân và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cùng tính toán, đưa ra quy chuẩn thống nhất về màu sắc, kích cỡ biển, bảng quảng cáo lắp ở mặt tiền các ngôi nhà mặt phố. Tuy nhiên, sau 8 năm, không còn giữ đồng phục biển hiệu với quy chuẩn thống nhất về màu sắc, kích cỡ biển, bảng quảng cáo lắp ở mặt tiền các ngôi nhà mặt phố, vỉa hè lòng đường lại bị lấn chiếm.
Việc bảo vệ không gian phố không chỉ đơn thuần là giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn là bảo tồn di sản văn hóa, tạo dựng một môi trường sống chất lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Mùa Xuân dường như đang về sớm hơn trên các bản làng tái định cư sau lũ của đồng bào Tày, Mông, Dao vùng cao Lào Cai. Thời điểm này, ngay trước buổi lễ khánh thành, người dân các thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), Nậm Tông, xã Nậm Lúc và Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) đang hối hả dọn đến nơi ở mới.
Sau hai ngày với các hoạt động dành riêng cho khách chuyên ngành, ngày 21/12, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 đã mở cửa tự do cho người dân, du khách vào tham quan.
Theo thông tin từ Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bình Định cho biết vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 21/12, 14 thuyền viên gặp nạn trên biển đã được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn (Bộ đội biên phòng tỉnh) đã phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tiếp nhận, đưa vào bờ an toàn.
Bên cạnh các khí tài quân sự lớn, tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, công chúng còn được chiêm ngưỡng những thiết bị quốc phòng công nghệ cao do Tập đoàn Viettel sản xuất. Đặc biệt, nhiều sản phẩm lần đầu tiên được công bố đã thu hút sự chú ý và khiến người dân vô cùng thích thú.
Hưởng ứng phong trào thi đua hành động để Thủ đô “sáng – xanh – sạch – đẹp”, nhân dân ở nhiều quận, huyện đã tích cực tham gia tổng vệ sinh, duy trì đường phố thông thoáng, sạch đẹp và an toàn.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân chủng Hải quân tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
0