Người bà trong ký ức
Gần về trưa, mặt trời lên sắp tới đỉnh đầu. Gió nhè nhẹ thổi qua mát dịu nhưng cũng mang theo mùi hương đặc trưng của dòng sông Tô Lịch. Tôi khẽ nhăn mũi, đưa cốc nước trà đá mát lạnh uống nhanh một ngụm.
Ngồi đợi con tan học ở quán nước đầu làng An Hòa, tôi cứ miên man những suy nghĩ ngang dọc. Hàng bàng Đài Loan xa xa xanh mướt mát vẫy vẫy những tán lá cùng tiếng nói của bà cụ hàng nước hòa vào không gian. Âm thanh lúc lên lúc xuống, vừa hoài niệm lại vừa thân thương như một người dẫn truyện nắm rõ cả tâm ý người nghe trong lòng bàn tay, từ từ mở ra cả những điều đã quên lãng.
Tôi nhớ bà nội tôi.
Bà nội tôi khi ngoài bảy mươi đã bị lẫn. Bà từng đi lạc lên tận Cầu Diễn. Cả nhà tìm bà mải miết suốt ba ngày ba đêm thì bà về. Khi bà không còn minh mẫn thì lúc tỉnh lúc mê, khiến cả nhà căng thẳng, mệt mỏi.
Ngay chính tôi chỉ còn tức giận với bà và quên hết những lần bà chở che tôi khỏi đòn roi của mẹ ngày bé. Tôi quên cả những lần bà chiều ý các cháu rang cơm giòn rụm bằng bếp rạ đầy khói khét lẹt và nóng nhễ nhại mồ hôi giữa trưa hè. Tôi cũng quên người dạy tôi học chữ, truyền cảm hứng biết yêu câu văn, câu thơ là bà. Tôi cũng không nhớ những ngày mất điện bà thức nguyên đêm quạt mát cho các cháu say giấc. Tôi quên sạch sẽ.
Tôi quên tất cả những điều tốt đẹp bà nội dành cho tôi. Tôi chỉ nhớ bà hay chửi đổng khi bà nhớ nhớ quên quên. Nhớ những lần mất ngủ giật mình thon thót khi nửa đêm bà ghé sát mặt vào tôi và mọi người, lần sờ trên khuôn mặt. Thực tại bà dần quên, bà nhớ ngày bà đi bộ đội. Những ám ảnh thời bom đạn ấy khiến bà tin rằng mình đang ở trong một hầm trú ẩn nào đó và không biết xung quanh là ai, người ta còn sống hay chết. Hay có lúc bà lại nằng nặc bảo nhà tôi bạc đãi bà, cơm vừa ăn xong lại bảo là chưa ăn, cứ thế mà nhốn nháo cả gia đình.
Bà cụ hàng nước bảo: "May mà tôi có hàng nước này, có người ra người vào nếu không tôi cũng lẫn".
Bà nội tôi sống cả đời ở quê, vì con vì cháu bà ra Hà Nội. Cuộc sống thành phố khác ở quê nhiều lắm. Bà chỉ có gia đình, không có họ hàng, láng giềng thân quen. Ngày ấy bà đã cô đơn thế nào nhỉ?
Bà cụ hàng nước cũng ăn vận giống bà nội tôi. Mái tóc bà cũng vấn gọn gàng, hàm răng nhuộm đen nhánh, quanh bụng cuốn cái ruột tượng. Mỗi lần lấy tiền của khách hay trả lại bà lại lần mở ruột tượng ra, từng thao tác thân thương và gợi bao nỗi nhớ cho tôi. Bà bảo: "Ai đi qua tôi cũng chào, người ta cứ bảo là thảo mai. Nhưng đó là phép tắc bình thường. Ai lại người đi qua mặt cứ câng câng lên".
Ngày xưa, nội tôi cũng hay dạy dỗ tôi rất nhiều điều như vậy.
Một quả sấu già rơi xuống mặt đường, nảy lên kéo tôi về thực tại. Cuộc sống có phải là vậy? Khi những người yêu quý ở bên, ta thường vô tâm không để ý. Khi họ đã không còn ở bên, ta lại hoài thương nhớ và nuối tiếc.
11 giờ trưa, con gái đón bà cụ về. Mẹ chị ngoài 90 rồi đấy. Nhà cũng không phải khó khăn gì nhưng bà thích ra đây ngồi cho đỡ buồn. Nhìn cách chị ân cần trò chuyện với mẹ mà tôi thấy lòng mình cũng tràn ngập cảm giác ấm áp. Tôi cũng đón con, về nhà với ba mẹ tôi thôi. Về nhà ăn bữa cơm ấm nóng cùng những người mà tôi mãi thương yêu.
Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.
Có người thích ngắm hoàng hôn, những lúc ấy cô thấy hồn mình thật tĩnh lặng. Như rặng núi sau hè nhẹ nhàng chìm vào đêm tối, lối mòn nào bước chân cũng dần xa. Cô hay nhẩn nha, thật ra là không biết làm gì hơn, nhìn mông lung theo ánh nắng buông lơi qua thềm. Mặt trời lặn dần, bâng khuâng ngày khép lại. Ngày mai là một ngày mới, thì thôi đừng nhìn lại, thôi đừng nhớ chuyện đã qua.
0