Người bệnh vẫn khổ vì bệnh viện công thiếu thuốc
Bệnh nhân nặng từ nhiều địa phương luôn coi bệnh viện công tuyến cuối Trung ương là hy vọng cuối cùng của họ, vì ở đó luôn có đội ngũ y bác sỹ có tay nghề và y đức. Nhưng hiện tại, nhiều bệnh nhân khi về Hà Nội lại gặp những khó khăn ngoài dự liệu.
VIdeo: Nhiều bệnh viện tuyến trung ương gặp tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế
Tại khu vực cổng bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân Nguyễn Văn Mạnh ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, không phải đang đi dạo hay tập phục hồi chức năng, mà anh đang phải tự đi mua vài thứ thuốc cơ bản mà bệnh viện không có hoặc không còn. Anh Mạnh cho biết: “Nhiều thứ người bệnh chúng tôi vẫn phải mua ngoài như kim truyền”.
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Nguyễn Văn Nam ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đang phải ra hiệu thuốc bên ngoài mua xông dạ dày, dây truyền, dung dịch thay băng, bơm tiêm…theo đơn của bác sĩ để chuẩn bị cho ca mổ của người nhà vào ngày hôm sau.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân Tạ Minh Cương, 64 tuổi, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, vừa phẫu thuật đại tràng nhưng không được dùng thuốc Ketamin theo chỉ định mà phải dùng thuốc khác thay thế do bệnh viện hết thuốc Ketamin. Mong muốn của ông Cương là tất cả các bệnh viện trên toàn quốc có thể lo đủ thuốc để phục vụ tốt nhất sức khỏe cho người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó GĐ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chỉ thiếu hai loại thuốc trong điều trị, đó là thuốc Ketamin và thuốc Biseko. Thiếu Ketamin là do công tác tổ chức đấu thầu, chúng tôi lập kế hoạch không sát với thực tế. Còn thuốc Biseko thiếu là do thị trường không có. Chúng tôi đấu thầu thì không có nhà thầu nào tham gia. Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp visa nhập khẩu thuốc về cho bệnh viện.”
Việc thiếu thuốc và vật tư y tế không chỉ diễn ra ở một số bệnh viện Trung ương ở miền Bắc, mà trong miền Nam, tình cảnh này cũng diễn ra tương tự. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, bà Trần Thị Kẽm ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, bị bệnh pakison và tim, thường xuyên phải tái khám. Lần này, bệnh viện lại hết thuốc, bà Kẽm phải mua 4 loại thuốc ở bên ngoài. “Đã 3 tháng nay bệnh viện thiếu mấy loại thuốc và bác sĩ cho bệnh nhân ra ngoài mua”, bà Kẽm chia sẻ.
Nhiều người bệnh phải xoay xở tìm mua vật tư y tế chuyên dụng và các thuốc biệt dược vì các bệnh viện công không sẵn có.
Kim tiêm, dây truyền dịch, dây nối, găng tay, bông băng… tương tự như những vật tư mà các bệnh nhân phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức đang hàng ngày, hàng giờ phải mua bên ngoài phố Phủ Doãn. Đây là những vật tư y tế thông thường và phổ biến, tưởng chừng không thể là mối bận tâm của bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Nhưng ở nhiều thời điểm và vì nhiều lý do, các bệnh viện công tuyến Trung ương không có sẵn, hoặc không đủ để cung cấp theo yêu cầu điều trị.
Không chỉ những vật tư y tế thông thường, người nhà bệnh nhân còn phải xoay xở để mua bằng được những vật tư y tế đặc chủng, những loại biệt dược khác phục vụ điều trị bệnh của chính mình hoặc người nhà. Nếu các bệnh viện công có đủ vật tư và thuốc, thì bệnh nhân và người nhà đã không phải vất vả thêm.
Đến thời điểm này, hiện tượng thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, GĐ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết: “Cứ thỉnh thoảng, bác sĩ trưởng khoa gây mê lại kêu hết thuốc này thuốc kia rồi, nhanh chứ không thì phải hoãn mổ. Như thế làm chúng tôi rất không yên tâm công tác. Tôi rất mong trong tương lai chúng ta tường minh khâu mua sắm thuốc cho cả nước theo một hướng. Cả một công đoạn thiếu một cái ốc mà cái ốc xưa mua 10 đồng bây giờ người ta cứ bán 12 đồng, không một ông giám đốc nào ông ký. Các bệnh viện đều phải mua mặt hàng cũ nhưng giá lại cao hơn thì không ai duyệt trúng thầu được.”
Ông Nguyễn Văn Thường, GĐ Bệnh viện đa khoa Đức Giang chia sẻ: “Nguyên nhân đầu tiên tôi cho rằng các văn bản về luật đấu thầu, Nghị định 24, Thông tư 07 vừa mới ra đời, do vậy cần có thời gian để các bệnh viện nghiên cứu các văn bản này dẫn đến độ trễ. Thứ hai là có một số thay đổi, ví dụ như thay đổi về thành phần, thay đổi về năng lực, thành viên của các tổ như là tổ thẩm định, tổ chuyên gia. Nhiều bệnh viện, lượng người đáp ứng thành lập các tổ này cũng rất khó khăn, do vậy có sự chậm trễ trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.”
Các cơ sở y tế có thể có lý do khác nhau dẫn đến thiếu thuốc và vật tư. Nhưng có một điểm giống nhau là các y bác sỹ ngần ngại, lo lắng và không chắc chắn khi phải triển khai việc đấu thầu, mua sắm. Họ là những người giỏi về y thuật, có thể biết rất rõ cần phải cứu chữa bệnh nhân như thế nào, nhưng người ngành y lại không biết chắc họ sẽ như thế nào, sau khi ký các quyết định mua sắm thuốc và vật tư.
Xem thêm: Sửa đổi Luật Dược để đảm bảo cung ứng đủ thuốc
Những giọt dung dịch đều cần phải được kiểm soát, chảy từng giọt liên tục để cứu chữa bệnh nhân. Nhưng sự vận hành và cơ chế quản lý, nếu không được điều chỉnh thực sự, mà cứ bị nghẽn lại, nhỏ giọt thì việc chăm sóc cứu chữa người bệnh sẽ rất khó khăn.
Thực hiện: Thu Hà
Đồ họa: Thanh Nga
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).
Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.
Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Hôm qua (19/12), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục khai trương thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại điều trị hiếm muộn tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong hôm nay (19/12), cả 4 bệnh nhân trong vụ cháy quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm đều sẽ được chuyển sang Viện bỏng Lê Hữu Trác.
Sáng 18/12, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức tái khám miễn phí cho toàn bộ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini xảy ra vào tháng 9/2023 ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân), để theo dõi sức khỏe và đánh giá những di chứng do ngạt khói ở những bệnh nhân nặng.
0