Người dân Lại Đà chuẩn bị cho lễ Quốc tang người con ưu tú của làng | Hà Nội tin mỗi chiều

Ngày 19/7/2024 tức ngày 14/6 năm Giáp Thìn, ngày người dân Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, không bao giờ quên! Ngày đó, trái tim lớn của một người con ưu tú, một người thân đặc biệt của họ - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã ngừng đập.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km, ven bờ sông Đuống, làng cổ Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh mang vẻ đẹp bình dị của làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình cùng những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo.

Làng cổ Lại Đà mang vẻ đẹp bình dị của làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình cùng những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo. Ảnh: Báo Tiền phong.

Theo truyền thuyết, làng ra đời cùng thời với kinh thành Cổ Loa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lại Đà vẫn giữ được những giá trị văn hóa, đặc biệt là một làng quê nề nếp, hiếu học.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lại Đà vẫn giữ được những giá trị văn hóa, đặc biệt là một làng quê nề nếp, hiếu học. Ảnh: Báo Tiền phong.

Tại ngôi làng này, cách đây 80 năm, đã sinh ra một người con ưu tú, một nhà lãnh đạo quốc gia đức độ, trí tuệ, hiến dâng cả cuộc đời cho quê hương đất nước.

Người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo quốc gia đức độ, trí tuệ, hiến dâng cả cuộc đời cho quê hương đất nước. Ảnh: Báo Chính phủ.

Những ngày này một không khí trầm lắng lan tỏa khắp làng Lại Đà. Mỗi người, theo một cách khác nhau, đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người con của làng.

Nằm sát với nhà văn hóa thôn là khu di tích đình, chùa Lại Đà. Ông Vương Hữu Nguyên, thủ từ đình Lại Đà, nhớ lại, vào dịp đầu Xuân năm 2014, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tròn 70 tuổi. Tổng Bí thư và gia đình trở về đình làng để mừng thọ.

Buổi lễ diễn ra rất giản dị và đầm ấm. Sau khi chúc sức khoẻ các cụ cao niên trong làng, Tổng Bí thư hứa với dân làng sẽ tiếp tục rèn luyện, giữ gìn đạo đức, tác phong để xứng đáng với sự tin cậy của dân, của Đảng và của dân làng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc thọ Chi hội Người cao tuổi thôn Lại Đà dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Tổng Bí thư trải lòng, ông nặng tình quê hương, mang ơn sâu nghĩa nặng với làng, đi đâu cũng nhớ mình là dân Đông Anh, dân Đông Hội, dân Lại Đà. Còn sau này, do bận công việc nên khi 75 và 80 tuổi, Tổng Bí thư đã không thể về đình làng để dự lễ mừng thọ của mình nhưng vẫn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương. Tổng Bí thư vẫn nhớ tên rất nhiều người dân trong làng.

Vị thủ từ đình làng Lại Đà hướng ánh mắt về cây bồ đề nhân giống từ Đại Bảo Tháp bên Ấn Độ được Tổng Bí thư mang về từ chuyến công tác Ấn Độ năm 2010. Nhân dịp lễ hội làng năm 2014, cán bộ và nhân dân thôn Lại Đà đón nhận, trồng cây này tại đình Lại Đà. Ông Nguyên nói người dân Lại Đà chắc chắn sẽ chăm sóc cây bồ đề, bởi đó đã là cây di sản trong lòng người dân nơi đây.

Cây bồ đề nhân giống từ Đại Bảo Tháp bên Ấn Độ được Tổng Bí thư mang về từ chuyến công tác Ấn Độ năm 2010. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Dù trải qua nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao nhưng mỗi khi về với quê hương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ xem mình là một người bình thường, người con của quê hương Lại Đà, chất phác và gần gũi. Vì thế, ông Vương Hữu Nguyên và mỗi người dân Lại Đà cũng luôn nghĩ Tổng Bí thư là người của làng.

Những ngày này, ông Nguyên và người dân trong làng cùng ra đình, chùa, nhà văn hóa ôn lại kỷ niệm về người của làng, cùng chuẩn bị chu toàn cho công việc hệ trọng - lễ Quốc tang đưa tiễn một nhân cách lớn.

Không ai bảo ai, người dân làng Lại Đà cùng nhau dọn cỏ, chà từng mảng rêu, quét dọn đường làng ngõ xóm. Một rạp lớn được dựng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà để đón thân nhân gia đình Tổng Bí thư cùng các đoàn khách về thăm viếng.

Người dân thôn Lại Đà dọn dẹp, vệ sinh đường làng để chuẩn bị cho tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Trong ngôi nhà thờ nhỏ của dòng họ Nguyễn Phú nằm khiêm tốn trong làng được xây dựng từ thế kỷ XIX, nhiều người dân đã đến với mong muốn được vào thắp nén nhang tưởng nhớ người con ưu tú của quê nhà.

Dù biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời, thế nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn không gì có thể bù đắp. Những giọt nước mắt, những câu chuyện về Tổng Bí thư được người dân nơi đây kể lại với niềm tiếc thương xen lẫn tự hào.

Ông Nguyễn Phú Hoàng vẫn nhớ, mỗi lần về làng, Tổng Bí thư dừng xe từ cổng làng rồi chậm rãi đi bộ về thắp hương tại nhà thờ. Tổng Bí thư luôn căn dặn mọi người phải đoàn kết, gương mẫu giúp nhau xây dựng quê hương, cố gắng làm những điều tốt đẹp cho làng quê, cộng đồng.

Là bạn học từ thuở nhỏ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Ngô Bá Dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Cổ Loa nghẹn ngào khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần.

Ông Ngô Bá Dục lục lại những bức ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Cẩn thận lật lại cuốn album, xem từng tấm ảnh chụp chung với Tổng Bí thư từ thời còn trẻ cho đến lúc tuổi ngoài 80, ông bồi hồi nhớ lại những ngày cùng Tổng Bí thư chân đất đến trường. Những kỷ niệm về người bạn thân Nguyễn Phú Trọng cứ tua chậm trong ký ức của ông.

Lên đại học, mỗi người một trường, nhưng vẫn giữ mối quan hệ khăng khít. Ra trường, ông Ngô Bá Dục đi theo nghề giáo, còn Tổng Bí thư trở thành nhà báo và sau đó tiếp tục con đường học hành, nghiên cứu rồi bước vào chính trường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn thân thiết: Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài. Ảnh: Vietnamnet.

Tuy đã trở thành một chính trị gia lỗi lạc, nhưng theo ông Ngô Bá Dục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn là một người giản dị, khiêm nhường trong mắt bạn bè. Ở góc độ một người bạn đã ngoài 80 tuổi, ông Ngô Bá Dục trào nước mắt khi nghĩ về người bạn. Ở độ tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi, thanh thản vui vầy cùng con cháu thì Tổng Bí thư vẫn miệt mài cống hiến cho đất nước, chưa một ngày ngơi nghỉ.

"Đồng bào, đồng chí yên vui

Tôi lo, thương bạn đường dài, tuổi cao".

Giờ đây, Tổng Bí thư đã thanh thản trở về cõi sum họp cùng cha mẹ và các chị của mình. Trái tim lớn sinh ra từ ngôi làng bình dị bên bờ sông Đuống đã ngừng đập, nhưng tâm hồn cốt cách của một nhân cách lớn vẫn còn mãi. Người dân làng Lại Đà nói rằng hình ảnh người con của làng hoà vào ngọn cỏ bờ đê, vấn vít bên mái đình, ngọn cây.

Trên con đường làng Lại Đà, nhiều người dân từ các tỉnh thành trở về. Họ đứng từ xa nhìn ngôi nhà của Tổng Bí thư, họ muốn tận mắt ngắm ngôi làng nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng một người con ưu tú. Và có lẽ phần thưởng cao quý, danh giá nhất trong cuộc đời vị lãnh đạo với mái đầu bạc trắng chính là sự yêu mến, kính trọng, tin tưởng của nhân dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.