Người gìn giữ nghệ thuật hoa chẻ cánh truyền thống Hà Nội
Trải qua thời gian, nghệ thuật hoa chẻ cánh truyền thống của Hà Nội xưa có lẽ đã từng có thời điểm bị mai một trước sự đổ bộ của nhiều loại hoa đẹp, mẫu mã, hình thức bắt mắt. Thế nhưng, ở Hà Nội, vẫn có một người phụ nữ gốc Hà Thành đến nay vẫn gìn giữ nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống như giữ gìn lại một nét đẹp văn hóa riêng có của người Hà Nội. Đó chính là chị Nguyễn Thị Thu - một trong số ít người còn theo đuổi, gìn giữ và nâng tầm nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Thu sinh năm 1973 tại Hà Nội. Giống như nhiều gia đình Hà Nội những năm 1980 ngày ấy, chị Thu cũng được bố mẹ cho đi học lớp nữ công tinh hoa như bao người con gái Hà Nội ngày xưa. Thiếu nữ Hà Thành ngày ấy nhanh chóng bị thu hút bởi bộ môn nghệ thuật tỉa hoa chẻ cánh từ quả đu đủ xanh.
Trong kí ức của chị Thu, những bông hoa đu đủ được tỉa rất kỳ công và tỉ mỉ thường xuất hiện trong các dịp quan trọng của người Hà Nội. Chính vì vậy, để làm nên một bông hoa từ quả đu đủ xanh cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu.
"Mình sẽ phải lựa chọn quả đu đủ thuôn dài, màu xanh ngắt chứ không phải là màu xanh non. Đại đa số các bông hoa đều cần đu đủ đặc nhưng cũng có một vài loại cần loại đu đủ không đặc. Nó rỗng nó lại tốt. Đu đủ đặc thì mình sẽ tỉa được nhiều lớp. Vì thường thường hoa là sẽ phải phải chẻ cánh nhiều lớp thì đu đủ đặc sẽ đẹp hơn." chị Thu chia sẻ.
Không biết nghệ thuật cắt tỉa hoa đu đủ có từ bao giờ nhưng nó đã xuất hiện từ lâu trong cuộc sống của người Hà Nội xưa. "Hoa đu đủ" là bông hoa được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người con gái với thao tác chẻ cánh bằng dao đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mẩn. Thú chơi hoa chẻ cánh của người Hà Nội xưa cũng rất công phu, đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ từng chút một trong từng công đoạn để làm nên một bông hoa đu đủ mềm mại trông giống bông hoa thật. Qua từng công đoạn tỉ mỉ cắt tỉa, quả đu đủ xanh dần dần thành hình bông hoa rực rỡ.
Hơn 30 năm đam mê và gắn bó với nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh, 10 năm tìm hiểu và nghiên cứu về môn nghệ thuật này, theo chị Thu, bông hoa khó thực hiện nhất có lẽ phải nói đến hoa sen.
"Khó nhất là hoa sen. Bởi vì hoa sen đòi hỏi bạn phải chẻ bản cánh to, đi được những lát thật mỏng. Kỹ thuật uốn hoa sen cũng là một kỹ thuật rất dễ nhưng cũng rất khó. Hoa phù dung cũng khó nhưng cũng không khó như hoa sen. Bởi vì phù dung gần như không có cách uốn mình cứ gài vào là xong, còn cái hoa sen thì khác. Kỹ thuật khó nhất của hoa sen là khi mình chẻ cánh mình phải chẻ được bản cánh to và mỏng mịn, mượt."
Đã từng tỉa rất nhiều loại hoa, từ hoa quỳnh, hoa sen, hoa súng, hoa mẫu đơn,... nhưng loại hoa khiến chị Thu đam mê tìm tòi cách tỉa nhiều nhất là hoa cúc. Để tỉa một bông hoa cúc thường mất khoảng 40 - 60 phút tùy theo loại và kích thước. Những bông hoa cầu kỳ sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ngắm nhìn những bông hoa lung linh được tạo nên từ trái đu đủ xanh, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến sự trợ giúp của những bộ dụng cụ cắt tỉa cầu kỳ để tạo nên những bông hoa này. Thế nhưng thực tế, các dụng cụ để làm nên một bông hoa đu đủ lại đơn giản như dao bổ cau để chẻ cánh hoa; kéo cắt sửa tạo hình cánh hoa; đũa để uốn cong cánh và tăm tạo gân cánh hoa. Trong đó, chiếc dao bổ cau truyền thống của bà, của mẹ ngày xưa có lẽ là dụng cụ đặc biệt vẫn được chị Thu sử dụng từ xưa đến nay và không thay đổi sang bất kì một loại dao nào khác khi tỉa hoa đu đủ chẻ cánh.
Qua nhiều năm nghiên cứu, tự tìm tòi, sáng tạo và làm bằng tất cả đam mê, chị Thu đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm và phát triển bộ môn nghệ thuật tỉa hoa chẻ cánh từ quả đu đủ xanh. Hiện nay chị Thu đã mở các lớp học dạy tỉa hoa đu đủ để gìn giữ, phát triển môn nghệ thuật độc đáo của người Hà Nội. Tỉa hoa đu đủ chẻ cánh không chỉ là một nét đẹp văn hóa Hà Thành mà còn giúp mỗi người rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại.
Từ quả đu đủ xanh, những bông hoa như hoa ngọc lan, hoa bưởi, hoa súng, hoa thược dược hay những bông cúc đại đoá, bông hồng nhung mướt cánh, những bông sen bách diệp dần bung nở rực rỡ tỏa hương sắc được tạo nên từ đôi bàn tay cắt tỉa khéo léo của người con gái Hà Thành.
Dù hiện nay, cuộc sống ở Thủ đô đã có nhiều sự thay đổi với nhịp sống nhanh và hiện đại, thế nhưng vẫn có những người phụ nữ Hà Thành giống như chị Nguyễn Thị Thu đang ngày ngày gìn giữ môn nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống, cũng là gìn giữ lại một nét tinh hoa văn hóa độc đáo của người Hà Nội.
Ở Hà Nội có những con phố cổ đông đúc cả ngày. Phố Hàng Chiếu cũng không phải ngoại lệ. Đây là một trong số những con phố hiếm hoi buôn bán đúng mặt hàng gắn với tên gọi "Hàng Chiếu".
Cùng sử dụng chất liệu sợi tơ tằm giống như lụa nhưng "the" hay "sa" dường như đã trở nên khá xa lạ trong đời sống ngày nay. Với khát khao gìn giữ hơi thở của the lụa từng vang danh gắn với mảnh đất quê hương mình, nghệ nhân Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình đó có không ít gian nan.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.
Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.
Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.
Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.
0