Người giữ hồn cho con rối gỗ Đào Thục

Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.

Múa rối nước dân gian phản chiếu một đời sống phong phú của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những người nghệ sĩ, nông dân bày tỏ những buồn vui, mơ ước, tiếng lòng qua những câu chuyện, tích trò con rối với nét chất phác, bình dị.

Làng múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội là một trong những phường rối có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều thăng trầm nhưng sự hiện diện của những thủy đình buổi biểu diễn, những con rối vẫn hàng ngày được tạo tác cho thấy mạch nguồn nghệ thuật dân gian vẫn âm thầm chảy.

Vốn có tay nghề thợ mộc, ông Phi say sưa với việc tạo hình cho chú tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên…. vô cùng sinh động và bắt mắt. Thấm thoắt đã 15 năm, những con rối độc đáo, mộc mạc của phường rối nước Đào Thục hiện nay đều do một tay ông chế tác.

Làng múa rối Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) giờ đây bừng lên sức sống mới sau khi nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước của làng chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở Đào Thục, các nghệ nhân múa rối nước đều là những nông dân sinh ra và lớn lên tại làng, từ 2-3 tuổi đã được nghe tiếng nhạc và thưởng thức tích trò; đến 4-5 tuổi đã ngâm nga cùng ông bà những làn điệu dân ca quen thuộc.

Những nghệ nhân thuần nông chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hễ có đoàn khách du lịch đến là bỏ ruộng, vào thủy đình, sống hết mình với những vai diễn, tích trò.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống múa rối nước khi bố từng là Phó Trưởng phường múa rối Đào Thục, ông Nguyễn Văn Phi sớm đem lòng yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 2010, nhờ sự động viên của các nghệ nhân trong phường rối Đào Thục, ông mở một xưởng chế tác rối vừa để cung cấp con rối cho Đào Thục và các làng múa rối khác, vừa trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Trong căn nhà xưởng với những mảnh gỗ, lọ sơn nhiều màu sắc, ông Phi tỉ mỉ họa lên những nhân vật rối nước. Tạo hình nhân vật rối nước không chỉ cần sự khéo léo, mà cái chính là sự đam mê cháy bỏng với nghề. Ông Phi chia sẻ, để tạo hình con rối, bước đầu tiên là phải chọn gỗ. Tại phường múa rối nước Đào Thục, toàn bộ con rối đều được tạo hình bằng gỗ sung. Từ đời xưa, các cụ đã truyền lại kinh nghiệm: Gỗ sung nhẹ, ít ngấm nước và khó nứt, vỡ và ẩn sau đó còn có ý nghĩa là sung túc, sung mãnh. Sau khi chọn được gỗ, người thợ sẽ phác thảo và đẽo gọt thành hình các nhân vật, đem đi phơi khô, rồi mới sơn, kẻ mắt, kẻ mũi… tạo thành con rối hoàn chỉnh.

Đến gần 50 tuổi, ông Nguyễn Văn Phi mới chính thức theo đuổi nghề chế tác rối nước. Khi thấy các con rối của phường đã ngả màu cũ kĩ và hư hỏng mà không có ai sửa chữa, tự ông đã kéo cả xe cải tiến con rối về xưởng mộc, gõ gõ, đục đục, sơn, sửa lại màu sắc cho tươi mới. Con nào sửa ít thì miễn phí, sửa nhiều thì ông lấy công làm lãi.

Ðể làm ra những con rối đa dạng, sống động khi biểu diễn ở thủy đình hay các sân khấu rối nước khác, ông Phi đã cất công tìm hiểu những đường nét nhân vật qua việc sưu tầm các con rối cổ mà những người thợ già còn lưu giữ. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, nghề chế tác rối nước không nặng nhọc nhưng đòi hỏi ở nghệ nhân sự kiên trì và đam mê. Với nghệ nhân tạo hình con rối thì cái khó là làm sao có thể thổi hồn vào một khúc gỗ, rồi là những nước sơn, một tâm hồn của nhân vật dân gian để làm sống dậy những tích trò hấp dẫn.

Nhờ tâm huyết và bàn tay khéo léo điêu luyện của những nghệ nhân tạo hình như ông Phi mà những con rối vô tri đã trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn, truyền tải những câu chuyện đời thường. Xưa nay chúng thay con người kể các tích trò về rồng phun lửa hay chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Làng rối nước Đào Thục đang phát triển hưng thịnh và có thời điểm đón tới 5.000 lượt khách tham quan mỗi năm, nhưng không phải là không có những nguy cơ mai một.

"Bản thân tôi đến bây giờ vừa là một người nghệ nhân, vừa là lãnh đạo của địa phương. Tôi rất muốn xây dựng nghề rối nước trở nên hưng thịnh. Nhiều người khi xem rối nước, họ chưa biết đến những giá trị nghệ thuật về rối Việt Nam, vậy thì mình phải biết cách truyền tải. Đặc biệt là phải có tích trò đủ thể loại cho các lứa tuổi. Hơn nữa còn phải xây dựng, áp dụng công nghệ vào nghệ thuật để lớp trẻ xem được và biết đến nghề nhiều hơn" - ông Phi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phi hiện nay là Trưởng thôn Đào Thục và có nhiều đóng góp trong hoạt động gìn giữ bộ môn nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông luôn quan niệm nghệ thuật là một hành trình vô tận, không có điểm dừng.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của nghề múa rối nước mà cha ông để lại, ông cùng những nghệ nhân của phường múa rối Đào Thục đã tổ chức lớp học dạy múa rối. Các lớp được mở vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Những học sinh của lớp thường có độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, phần lớn đều là con em của người dân trong làng. Và chính những nghệ nhân múa rối ở làng Đào Thục là những người thầy của bộ môn "giữ hồn rối nước" này.

Nghề múa rối nước ở Đào Thục đã dần được đầu tư và quan tâm, song việc tạo hình con rối cũng như những người làm ra nó dường như đang bị lãng quên. Ông Phi là nghệ nhân duy nhất và cũng có thể là người cuối cùng ở làng Đào Thục biết cách làm con rối.

Là một loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới với rất nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc, múa rối nước cần nhận được nhiều sự quan tâm và khai thác hơn đến từ người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt. Những người nghệ nhân Đào Thục như nghệ nhân Nguyễn Văn Phi vẫn hàng ngày cẫn mẫn góp sức truyền tải được chiều sâu của nghệ thuật tới lớp trẻ. Vì nghệ thuật truyền thống không chỉ mang giá trị giải trí, mà còn rất nhiều giá trị khác to lớn như giá trị văn hóa, lịch sử của một dân tộc. Từ đó, người trẻ có thể hiểu được rõ nét và khơi dậy niềm tự hào về dân tộc, có nhận thức sâu sắc hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Thưởng thức từng hạt xôi dẻo, từng viên kem ngọt thơm trên những con phố của Hà Nội, dù là mùa đông hay hè cũng đều đem lại cảm giác thật khó quên.

Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.

Tiết chào cờ đầu tuần của buổi sáng thứ hai luôn được các nhà trường duy trì với nhiều hoạt động sôi nổi để khởi động một tuần học tập đầy hứng khởi.

Có bao giờ khi bước đi trên phố và ngắm nhìn những khung cửa sổ của những ngôi nhà bên đường bạn chợt nhận ra đó chính là nơi những công dân đô thị 'kết nối' với bầu trời. Nhưng tiếc thay, những ô cửa sổ ấy, đôi khi, lại chẳng thể mở ra khoảng trời đủ rộng thỏa mãn khát khao 'bay cao' của những con người sống trong những ngôi nhà có những ô cửa sổ ấy.

Với gần 130 gian hàng ẩm thực của Việt Nam và 40 quốc gia, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ là nơi người dân Hà Nội và bạn bè quốc tế được trải nghiệm những hương vị độc đáo làm nên nền ẩm thực nổi tiếng của nhiều quốc gia mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, thúc đẩy quan hệ giữa các nước thông qua ngôn ngữ chung là ẩm thực.