Người khai mở phẫu thuật não thức tỉnh tại Việt Nam
Cứu sống nhưng phải bảo tồn tối đa chức năng của người bệnh
Tâm niệm đầy ý nghĩa đó đã khiến những người bác sĩ luôn tìm tòi, học hỏi và áp dụng thành công phương pháp “mổ não thức tỉnh”, nhằm giảm đi các di chứng của người bệnh hậu phẫu thuật. Từ ca mổ đầu tiên bằng phương pháp thức tỉnh có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, đến nay PGS.TS Đồng Văn Hệ và các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này mang lại sự niềm hạnh phúc cho nhiều người bệnh và người nhà của họ.
Cuối tháng 12/2023, chị Nguyễn Thị Hải Anh phát hiện người chồng quốc tịch Bồ Đào Nha là anh Gill Manuel MachadoTeixeira mắc u não. Đây là hiện tượng xuất hiện một khối lượng của tế bào phát triển bất thường trong não hoặc hộp sọ. Một khối u não phát triển sẽ gây nén và làm hỏng các cấu trúc khác trong não. PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, với ca bệnh như thế này nếu áp dụng phẫu thuật theo phương pháp thông thường, người bệnh rất có thể bị rối loạn ngôn ngữ, trầm cảm, thậm chí không thể sống được. Vì thế, phẫu thuật thức tỉnh là phương thức tối ưu nhất để giảm những biến chứng có thể xảy ra.
"Chúng tôi đi học ở nước ngoài và thấy phương thức mổ thức tỉnh sẽ khả thi ở Việt Nam. Phẫu thuật não thức tỉnh là phẫu thuật khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện, hát, chơi nhạc, cử động tay theo yêu cầu của nhân viên y tế trong phòng mổ. Tổn thương ở trong não rất gần vùng chức năng hoặc ngay vùng chức năng. Vì vậy, việc mổ thức tỉnh để không làm bệnh nhân tổn thương vùng não chức năng nói hay vận động để sau khi phẫu thuật người bệnh không có di chứng và trở lại cuộc sống bình thường tốt hơn", PGS Đồng Văn Hệ cho biết.
Trên thế giới, phẫu thuật thức tỉnh là một phương pháp được áp dụng khi phẫu thuật u não, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Thay vì gây mê toàn bộ quá trình, bệnh nhân trong mổ não thức tỉnh được gây tê trong phần lớn thời gian mổ. Việc bệnh nhân tỉnh táo và tương tác với bác sĩ trong quá trình phẫu thuật sẽ giúp bác sĩ theo dõi các chức năng và giảm tối đa các biến chứng cho người bệnh. Làm chủ được kỹ thuật mổ não thức tỉnh, song khó khăn vẫn đặt ra đối với các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đó là không có máy kích thích điện trong mổ - một loại dụng cụ rất đắt tiền nhằm nhận biết vùng vận động của não, tránh gây tổn thương đến vùng này trong quá trình phẫu thuật. Trong cái khó, PGS.TS Đồng Văn Hệ và các bác sĩ đã sáng tạo dùng dao điện – một thiết bị để thay thế mà vẫn đảm bảo hiệu quả nhận biết vùng vận động và an toàn cho người bệnh.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, kỹ thuật mổ thức tỉnh thường chỉ được thực hiện ở những nước giàu, đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, có ekip phẫu thuật - gây mê được đào tạo bài bản và phối hợp rất nhịp nhàng. Trong các năm về trước, phương pháp này vẫn chưa một cơ sở nào thực hiện. Bên cạnh đó còn đòi hỏi sự can đảm của bệnh nhân bởi khi mổ bệnh nhân vẫn tỉnh, nghe được cả tiếng máy khoan sọ, tiếng cắt của dụng cụ. Do đó, nếu bệnh nhân hoảng hốt, khó chịu, sợ hãi thì ca phẫu thuật không thể thành công.
Anh Gill Manuel MachadoTeixeira là một trong số hơn 40 bệnh nhân được mổ não thức tỉnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kể từ ca phẫu thuật đầu tiên vào tháng 3/2019 đến nay. Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua là một cái Tết thật đặc biệt với vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Anh khi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Từ khi phát hiện chồng u não với bao nỗi bất an đến lúc vỡ òa hạnh phúc khi ca phẫu thuật thành công. Chỉ một tuần sau mổ, chồng chị hồi phục bình thường và có thể trò chuyện với các thành viên trong gia đình. "Một tin quá tuyệt với mà tôi nghĩ mình đang mơ. Gia đình tôi lại có để vui vẻ bên nhau, đón thêm thật nhiều mùa xuân và hạnh phúc. Xin cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất nhiều", chị Nguyễn Thị Hải Anh hạnh phúc nói.
Hành trình đưa kỹ thuật mổ não thức tỉnh về Việt Nam
Đỗ thủ khoa kỳ thi Bác sĩ Nội trú, được cử sang Pháp du học và có cơ hội ở lại để phát triển, thế nhưng PGS.TS Đồng Văn Hệ đã lựa chọn về nước, đi theo con đường phẫu thuật thần kinh đầy chông gai. Những ca mổ kéo dài tới gần hai 20 tiếng, những công việc chuyên môn dày đặc cùng với công việc của cương vị Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam và Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, với PGS.TS Đồng Văn Hệ 24 tiếng mỗi ngày là không đủ, song ông luôn cố gắng sắp xếp thời gian dành để trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và đào tạo bác sĩ trẻ trên cả nước. Những năm gần đây, các buổi đào tạo trực tuyến hàng tuần do ông chủ trì luôn thu hút hàng trăm bác sĩ phẫu thuật thần kinh trên cả nước.
PGS.TS Đồng Văn Hệ nhớ lại chính những người thầy của mình đã có lúc phải thốt lên rằng muốn chuyển sang nghề lao động chân tay vì những ca mổ quá áp lực. “Là bác sĩ, ai cũng mong muốn cho người bệnh khỏi bệnh nhanh và quay lại đời sống xã hội sớm nhất có thể. Cho đến bây giờ, mấy chục năm trong nghề nhưng trước mỗi ca bệnh, trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện bất cứ can thiệp nào cho bệnh nhân, chúng tôi đều luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm phương án tối ưu. Thậm chí cân nhắc vài lần cũng chưa yên tâm. Có những ca bệnh khó thì phải đọc sách, tìm hiểu tài liệu, trao đổi, hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài - những người mà họ biết nhiều về bệnh lý đó. Trong quá trình làm việc, cũng có những ca thành công ngay, có ca chưa đạt kết quả như ý muốn. Sau mỗi lần thất bại, chúng tôi lại phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao, rà soát lại toàn bộ quá trình, thay đổi cách thức tiếp cận...”, PGS.TS Đồng Văn Hệ bộc bạch.
Mỗi khi nói về sự nghiệp, bác sĩ Hệ đều tri ân những thầy đã dìu dắt, nhận mình chỉ là học trò. "Tôi may mắn có những người thầy lớn như thầy Tôn Thất Bách, thầy Nguyễn Thường Xuân cũng như các thầy ở Trường Đại học Y Hà Nội và các giáo sư người nước ngoài. Mỗi người thầy giúp cho mình học rất nhiều và hỗ trợ mình trong những lúc sống còn của người bệnh. Có sự tư vấn, trợ giúp của các thầy khiến mình tự tin lên rất nhiều”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
Những thành tựu y học đạt được trong phẫu thuật não thức tỉnh đã mang lại hi vọng và sự sống cho nhiều bệnh nhân đồng thời khẳng định trình độ, tay nghề của các thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và Việt Nam nói chung. Gần 40 năm gắn bó ngành y, PGS.TS Đồng Văn Hệ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Ông ví phòng mổ của mình là nơi "tái sinh" những bộ não và "nếu đã chọn thì phải trực tiếp xông pha trận mạc mới trưởng thành". PGS.TS Đồng Văn Hệ luôn xem bệnh nhân như người nhà để chữa trị, bởi mỗi một ca bệnh là một bài học, một trải nghiệm, một cơ hội trau dồi nghề nghiệp và y đức./.
Người đàn ông 48 tuổi ở Hà Nội đang lái xe ô tô bất ngờ khởi phát cơn đột quỵ, đã gây ra va chạm giao thông. Tại Bệnh viện E, các bác sĩ xác định nam bệnh nhân bị nhồi máu não.
Sau gần 9 tháng thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, các bệnh viện đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1/11 đến ngày 8/11), ghi nhận 16 trường hợp mắc sởi trong đó 14 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng sởi, hai trường hợp đã tiêm vắc xin phòng sởi, tăng 6 trường hợp so với tuần trước.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi, các y, bác sĩ tóc bạc ở TP. Hồ Chí Minh vẫn hằng ngày đến phòng khám từ thiện để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những người khó khăn. Phòng khám được thành lập với sự tham gia của nhiều y, bác sĩ bệnh viện Quân y 175 đã nghỉ hưu.
Bộ Y tế vừa đưa ra đề xuất đưa tiêm ngừa sốt xuất huyết vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng.
Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, những năm qua, y tế Thủ đô đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho các bác sỹ, điều dưỡng tương lai.
0