Người lao động quay lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ cao | Hà Nội tin mỗi chiều
Người lao động trở lại làm việc sau Tết Giáp Thìn chiếm tỷ lệ cao
Hơn 80 % doanh nghiệp đã mở xưởng với gần 89 % công nhân lao động trở lại sản xuất. Đó là con số được Liên đoàn lao động TP Hà Nội công bố trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn. Số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng vào ngày 19/2/2024. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho một năm mới với kỳ vọng ổn định việc làm, đời sống công nhân sẽ được cải thiện, doanh nghiệp tăng trưởng.
Tại Công ty Sumitomo Heavy – Khu công nghiệp Thăng Long, anh Nguyễn Văn Quý quê ở tỉnh Nghệ An là một trong những công nhân được tổ chức Công đoàn đưa về quê ăn Tết và đón quay trở lại Hà Nội làm việc. Với anh Quý, sự quan tâm và món quà ấm áp trong ngày đầu năm mới của tổ chức Công đoàn và công ty là nguồn động viên giúp những người lao động như anh hăng hái lao động sản xuất ngay từ ngày đầu tiên làm việc của năm mới.
Tín hiệu khả quan cũng diễn ra ở địa bàn quận Long Biên. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Nguyễn Trường Giang, do làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán nên đã có 95% cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn bắt tay vào công việc những ngày đầu năm mới.
Còn tại công ty URC – Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, ngay mồng 6 Tết đã có 100% công nhân đi làm. Thu nhập ổn định, đảm bảo lương thưởng Tết và cam kết việc làm năm mới là yếu tố quan trọng để ổn định nguồn lao động tại các nhà máy.
Sau kỳ nghỉ lễ dài, việc quay trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày cũng không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, việc đi học, đi làm ngày đầu năm mới, gặp lại bạn bè, đồng nghiệp với những lời chúc, câu chuyện để cùng hứng khởi lên dây cót cho một năm mới ai cũng đều hào hứng. Khí thế hăng say lao động, tinh thần phấn chấn là điều thấy rõ trong ngày trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Ghi nhận tại các cơ quan, công sở của thành phố Hà Nội, các cán bộ, công chức thuộc bộ phận hành chính công đã khẩn trương, nghiêm túc xử lý công việc. Do đó, người dân, doanh nghiệp cũng có khởi đầu thuận lợi, suôn sẻ đầu năm khi đến giải quyết thủ tục hành chính.
Gác lại những cảm xúc của kì nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, hàng triệu công nhân, viên chức và người lao động đã trở lại Thủ đô và bắt tay vào công việc, khởi đầu một năm mới bận rộn nhưng cũng mang theo hy vọng thuận lợi và thành công.
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm dịch vụ trông giữ xe
Trong những ngày đầu xuân năm mới ở Thủ đô, nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô tăng đột biến do lượng du khách tham quan, du xuân đông đảo. Các địa điểm trông giữ xe tự phát, thu phí quá giá quy định có thể thấy ở quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, các phố gần quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hoặc tại khu vực gần đền Quán Thánh… Nhiều điểm trông giữ xe ở khu vực hồ Hoàn Kiếm là tự phát do các hộ dân tự ý căng dây và tự chế vé trông xe. Cụ thể, trên các phố Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí, Cầu Gỗ… luôn có hàng chục xe máy, ô tô để tràn ra vỉa hè, lòng đường và được người trông xe ở đây thu với mức giá phổ biến là 20.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/xe ô tô.
Tương tự, tại khu vực đường Nguyễn Thái Học, phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình, vỉa hè, lòng đường nơi đây cũng trở thành điểm trông giữ xe ô tô với giá 100.000 đồng/xe ô tô; 20.000 đồng/xe máy. Theo ước tính, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe đến quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dù Ban Quản lý di tích đã bố trí điểm trông giữ xe có nhân viên hướng dẫn, nhưng do nhu cầu gửi xe quá lớn nên các bãi trông xe tự phát vẫn không ngừng tăng lên. Một số tuyến phố còn có “cò” trông xe lao ra đường vẫy khách gây nhiều phiền phức cho người đi đường.
Đại diện các cơ quan chức năng cho biết, đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, chỉ tính riêng từ đêm 30 Tết (tức ngày 9/2) và đến hết mùng 2 Tết (tức ngày 11/2), Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt vi phạm hành chính 14 điểm trông giữ xe quá diện tích cấp phép, thu quá giá quy định và điểm trông xe tự phát. Chính quyền các phường trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa liên tục nhắc nhở các gia đình không tổ chức trông xe tự phát, đồng thời bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm trường hợp chây ỳ, cố tình vi phạm.
Một điểm sáng trong việc trông giữ xe đầu năm tại Hà Nội phải kể đến là tại Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Năm nay là năm đầu tiên, tại Phủ Tây Hồ áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ô tô và xe máy thông qua việc thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia.
Hiện Phủ Tây Hồ có bốn bãi trông giữ phương tiện, trong đó có ba bãi trông giữ xe ô tô gồm một điểm khép kín có camera cùng máy VETC và hai bãi ô tô mở. Trước khi áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ô tô, các đơn vị nơi đây đã được đào tạo triển khai thực hiện Đề án 06. Ngoài ra, các tổ công tác của Công an quận Tây Hồ hỗ trợ, hướng dẫn để thực hiện nhanh chóng, tránh ùn tắc tại các bãi trông giữ xe… Đối với xe ô tô đã dán thẻ VETC sẽ thanh toán tự động qua ví VETC. Với xe ô tô đã dán thẻ Epass sẽ thanh toán qua tài khoản ngân hàng (mã QR động). Với xe ô tô chưa dán thẻ sẽ hỗ trợ dán thẻ VETC cho khách để thanh toán. Với xe máy tiến hành thu phí qua tài khoản ngân hàng (mã QR). Giá vé được niêm yết công khai tại bãi xe.
Với việc triển khai hình thức này, người dân đều cảm thấy hài lòng, bởi không còn thấy các điểm trông xe tự phát dẫn đến tình trạng nâng giá tùy tiện như những năm trước đây. Đối với xe máy, với tư duy thu phí 5.000 đồng nên nhiều người dân lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt nhưng đã được cơ quan chức năng tư vấn, vận động để chuyển đổi nhận thức thanh toán không dùng tiền mặt. Khi xảy ra tình trạng ùn xe hoặc bất khả kháng, Công an quận Tây Hồ đã linh hoạt xử lý tránh tình trạng để xảy ra ùn tắc gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhiều cơ sở kinh doanh cạnh Phủ Tây Hồ áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này không chỉ thuận tiện với người dân mà còn tránh được tình trạng kẻ gian lợi dụng sự đông đúc trong lễ hội để thực hiện hành vi móc túi người đi lễ gây mất an ninh trật tự, an toàn và văn minh tại không gian linh thiêng, nơi thờ tự. Mô hình này rất cần được triển khai rộng khắp trên toàn Thành phố, để mỗi người dân đều cảm thấy an tâm và hoan hỉ khi đi du xuân đầu năm./.
- 10 triệu lượt người đi tàu Cát Linh - Hà Đông mỗi năm | Hà Nội tin mỗi chiều
- Khó đạt chỉ tiêu quản lý sức khoẻ cho người dân | Hà Nội tin mỗi chiều
- Người dân Hà Nội có thể đăng ký xe đến chiều 30 Tết | Hà Nội tin mỗi chiều
- Uống rượu, bia ngày Tết - ‘vui thôi, đừng vui quá’ | Hà Nội tin mỗi chiều
- Du lịch Việt bội thu dịp Tết Giáp Thìn | Hà Nội tin mỗi chiều
Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.
Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?
Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.
Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?
Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?
0