Người lưu giữ khoảnh khắc Hồ Gươm

Sự quyến rũ của Hồ Gươm trong từng khoảnh khắc đã trở thành cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Trong số đó có nhà báo Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa Giáo của Báo Nhân dân, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo Nhân dân, một người con Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.

Hơn hai nghìn bước chân là tròn một vòng hồ. Nhưng có lẽ không ai chỉ dừng lại chừng ấy bước khi đã một lần gặp gỡ. Hồ Gươm ngàn năm lịch sử vẫn đầy quyến rũ bởi nhan sắc thanh tân, bởi lộc non cổ thụ, bởi những yêu thương của người Hà Nội. Và trong mênh mang sóng nước, Hồ Gươm lặng lẽ lưu giữ biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, của đất nước, cả biết bao câu chuyện buồn vui đời người.

Trải bao tháng năm kinh thành bị giặc dã, thực dân, đế quốc xâm lược, khiến không ít lần hồ bị tổn thương. Song, chính vẻ đẹp tĩnh tại, trong lành của hồ, của cỏ cây hoa lá, sự kiên cường trung dũng của người Hà Nội đã mau chóng làm lành vết thương chiến tranh và khiến hồ càng thêm quyến rũ.

Sự quyến rũ của Hồ Gươm chính là niềm cảm hứng của nhà báo Hà Hồng. Ông dành tình yêu lớn với Hà Nội, đặc biệt là với hồ Hoàn Kiếm. Bố mẹ lại làm việc ở Báo Nhân dân, ngay bên hồ, nên từ nhỏ ông đã thường xuyên đến đây chơi, nhất là mỗi dịp hè. Từ năm 1983 đến nay, ông công tác tại Báo Nhân dân, tự hào được sống trong không gian văn hóa bên hồ, tình cảm của ông dành cho Hồ Gươm ngày một lớn dần lên.

Trên tường nhà, nhiều bức ảnh chụp Hồ Gươm trong các mùa được nhà báo Hà Hồng phóng to ra để trưng bày. Mỗi bức ảnh nhà báo Hà Hồng giới thiệu không chỉ là một khoảnh khắc đẹp, mà còn ẩn chứa trong đó cảm xúc của một người đã yêu và gắn bó với Hồ Gươm qua năm tháng. Với ông, những bức ảnh ông chụp đi theo trường phái là ảnh như hội họa. Đến giờ, ông đã có hơn 100.000 bức ảnh chụp liên quan tới Hồ Gươm.

Đằng sau mỗi tác phẩm ảnh của Hà Hồng còn là biết bao câu chuyện về lòng kiên trì, đam mê sáng tạo nghệ thuật; là biết bao lần ông mang máy ra để rồi lại trở về không vì ông thấy xuân chưa đến độ, thu chưa chín. Hay có khi, ông lại như một gã lang thang đi kiếm tìm cả cái đã mất và những điều chưa đến. Có lẽ vì thế, có những tác phẩm đôi khi chỉ là một khoảnh khắc nho nhỏ để chớp lấy, nhưng lại có những bức ảnh phải mất hàng tháng để có thể thu hết được cái hồn vào chiếc ống kính. Trong số đó phải kể đến tác phẩm Chữ Xuân trong tiết xuân Hồ Gươm.

Như bất cứ một người Hà Nội nào luôn dành cho Hồ Gươm một tình yêu sâu nặng. Bao nhiêu năm chụp ảnh về Hồ Gươm, ông không chỉ biết mặt, thuộc tên mà còn hiểu cả những khoảng phía sau nhân vật mà ông thu vào ống kính của mình. Ông thuộc từng gốc cây bị mối ăn, từng nhánh cây bị cưa gãy, thuộc từng thân phận người bên hồ. Ông cũng sẵn sàng bỏ cả một buổi chiều ngồi trò chuyện với một chị bán hàng rong hay với ông cụ râu tóc bạc phơ nhà ở đầu phố Bà Triệu... để hiểu hơn về cảnh đời của họ, về chuyện người Hà Nội xưa.

Với một người làm báo như ông, Hồ Gươm luôn là một đề tài không bao giờ hết chuyện để khai thác. Cũng như vậy, hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, lắng nghe từng hơi thở cuộc sống ở đây, có thể thấy được tinh hoa của Hà Nội, một Hà Nội rất đỗi giản dị, đời thường và gắn bó.

Chia sẻ về hành trình gom nhặt từng khoảnh khắc của Hồ Gươm, nhà báo Hà Hồng chỉ bật cười vì có lẽ hành trình ấy sẽ chẳng có hồi kết. Với người cầm máy thì sẽ chẳng khi nào có khái niệm bức ảnh cuối đời cả.

Hồ Gươm đẹp và ngày càng đẹp hơn bởi những con người bình dị giữ hồn cho nó. Còn với nhà báo Hà Hồng, ông bảo, chừng nào đôi chân còn chưa mỏi, chừng đó ông còn cống hiến cho công việc mà ông đắm đuối, mê say.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cùng sử dụng chất liệu sợi tơ tằm giống như lụa nhưng "the" hay "sa" dường như đã trở nên khá xa lạ trong đời sống ngày nay. Với khát khao gìn giữ hơi thở của the lụa từng vang danh gắn với mảnh đất quê hương mình, nghệ nhân Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình đó có không ít gian nan.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.

Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.