Người nhà quê - Người Hà Nội

Câu chuyện về 'người nhà quê', 'người Hà Nội' mà một người bạn đã kể khiến cho Hường phải suy nghĩ. Một gia đình tự cho là gốc Hà Nội, nề nếp gia phong, có điều kiện về kinh tế, lại quý người, tri thức đầy mình… nhưng lại mang tư tưởng kỳ thị vùng miền nặng nề, thì liệu có đúng với danh xưng mà họ tự khoác cho mình là 'người Hà Nội gốc' chăng?

Bạn thân mến! Hường sẽ kể bạn nghe câu chuyện về “người nhà quê”, “người Hà Nội”. Một người bạn kể với Hường như thế này:

Ông cháu biết tôi vừa về quê, liền ra nhà. Nhờ chú ngày mai vào nhà cháu, cùng tiếp chuyện với khách. Ông cháu nói thế. Khách là bố mẹ bạn trai của con gái, từ Thủ đô về. 

Ông cháu không ngại ngần nói với tôi: Con gái cháu quen biết, yêu đương cậu trai Hà Nội, giờ đã có bầu. Chiều mai gia đình cậu trai vào.

Nhà trai gồm: bố mẹ, bà, bác và dĩ nhiên cậu con trai. Họ mang theo một tháp quà na ná tháp quà trong lễ dạm hỏi, cùng một túi bánh, như là bánh trung thu. Nhà gái gồm: bố mẹ cùng các bậc ông, bà bên nội của cháu gái.

Sau đôi phút chào hỏi, giao đãi, ông bố của cậu trai hầu như làm chủ diễn đàn. Ông tự giới thiệu ông là luật sư, có nhiều bằng đại học, đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc. Ông hơn một lần nhấn mạnh gia đình ông gốc Hà Nội, nề nếp gia phong, có điều kiện về kinh tế, lại quý người…Con trai ông giỏi giang, hai bằng đại học, nhưng chọn nghề làm đẹp.

Cưới vợ cho con trai đầu, ông đặt tới 100 mâm, 1.500 khách. Thực khách đông đến mức tắc cả một con phố. Rồi ông nói về tự do yêu đương, kèm theo cái câu “hữu duyên” và “vô duyên”, “năng tương ngộ” và “bất tương phùng”…Ông dẫn ra mấy cặp “sao” này “giăng” nọ ăn ở với nhau nhiều năm, con cái đã khôn lớn mà có đăng ký kết hôn hay cưới hỏi gì đâu!

Kết lại, ông nói, cháu gái nhà quê, không hợp với văn hóa người Hà Nội, nhưng cứ về nhà ông mà sống, ông sẽ giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn. Chuyện cưới xin, kết hôn, “hồi sau sẽ tính”.

Tôi nhìn thẳng vào mắt vị khách và ngờ vực, có khái niệm người Hà Nội, Hà Nội gốc ở con người nhiều lời này sao?

Tôi sinh ra, lớn lên ở nhà quê. Vào tuổi 14, 15 đã xa quê, lang thang trọ học. Khi ra trường, suốt hơn 20 năm lập nghiệp nơi miền rừng Tây nguyên, sống, làm việc với anh em người Ê đê, Jơ rai, Ba na, K’ ho... Bên họ, tôi thấy mình còn quá nhiều nông cạn, hời hợt. Mãi đến non nửa phần đời còn lại mới được về Hà Nội, được kết giao, làm việc với người Hà Nội, người từ nhiều miền tụ về. Chấp chới nơi kinh kỳ kẻ chợ được gần 20 năm thì cầm quyết định nghỉ hưu.

Những năm tháng ở miền rừng Tây nguyên, tôi đau đáu nỗi quê. Khi ra Hà Nội, tôi năng về quê là để thỏa nỗi nhớ quê, để thấm đẫm hồn quê. Nhưng thật lạ, khi về quê, lại nặng trĩu tâm trạng. Tự thấy mình thành kẻ xa lạ, thành kẻ ngụ cư ngay cả trên chính quê hương mình.

Những năm tháng ở Tây nguyên, tôi thấy mình ít nhiều nhiễm thứ văn hóa miền cao nguyên, ít nhiều tiếp nhận khí chất con người vùng đất bazan thừa nắng thừa gió. Nhưng tự sâu thẳm, tôi chưa thể trở thành người Tây Nguyên, con người mà theo tôi sâu đậm tâm thức cộng đồng, vị tha, khoáng đạt.

Và cũng thật lạ, ngót 25 năm sống, làm việc nơi kinh kỳ kẻ chợ, ăn chung mạch nước Hồ Gươm, hít thở ngọn gió sông Hồng, chưa khi nào tôi thấy mình là người Hà Nội. Tôi vẫn là kẻ ngụ cư. Sao thế nhỉ?

Hơn nghìn năm trước, Đức vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Ngài có vướng vất tâm trạng ngụ cư trên vùng đất mà Ngài chọn dựng đế đô muôn đời? Có khi nào Ngài nghĩ đến một ngày nào đó hậu thế sẽ truy vấn quê gốc của Ngài, và ồ lên: Đức vua quê vùng Kinh Bắc, đâu phải người Hà Nội gốc.

Gần 600 năm trước, người Anh hùng xuất thân áo vải Lê Lợi, sau 10 năm nếm mật nằm gai tổ chức cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, khôi phục giang sơn xã tắc, từ miền Lam Sơn mịt mờ xa lắc, lên ngôi Hoàng đế nơi đất đế đô. Nương theo ân đức của Ngài, lớp lớp con dân chân đất nhà quê tìm đến “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” mà sinh cơ lập nghiệp. 

Những con dân chân đất nhà quê thuở ấy, đến giờ đã được là người Hà Nội gốc chưa nhỉ? Và Đức vua Lê Thái Tổ, từ khi nào, thành công dân Thủ đô?

Bạn thân mến! Vừa rồi là câu chuyện về “người nhà quê”, “người Hà Nội” mà một người bạn đã kể cho Hường nghe. Hường quên chưa hỏi rồi cô gái ấy và gia đình của cô gái sau khi nghe ông thông gia tương lai tuyên bố rằng: "Cháu gái nhà quê, không hợp với văn hóa người Hà Nội, nhưng cứ về nhà ông mà sống, ông sẽ giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn. Chuyện cưới xin, kết hôn, hồi sau sẽ tính”, thì cuối cùng có quyết định để cô và em bé trong bụng cô về nhà ông sống hay không?

Một gia đình như ông đã khẳng định gốc Hà Nội, nề nếp gia phong, có điều kiện về kinh tế, lại quý người, ông lại là luật sư, có nhiều bằng đại học, tri thức đầy mình…mà còn mang tư tưởng kỳ thị vùng miền nặng nề như vậy, nếu là cô gái kia, chắc Hường không dám về nhà đấy ở đâu, cho dù là đã trót có em bé.

Là một người con gái sinh ra từ xứ Thanh, quê hương của Đức vua Lê Thái Tổ, thì Hường cứ xin giữ nguyên chất “nhà quê”, xin cứ là “con gái Thanh Hóa”… mãi thôi. Chứ giờ mà về nhà ông, không nghe theo ông thì không được, mà để ông lại uốn nắn mình và con mình thành hai thế hệ kỳ thị vùng miền nữa thì sợ lắm./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.