Người nhóm máu A có kháng nguyên B mắc phải hiếm gặp

Vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã báo cáo một trường hợp hiếm gặp là người có nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải. Đây là trường hợp hiếm gặp cả ở Việt Nam và thế giới.

Đây là một trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, tham gia hiến máu lần đầu vào tháng 4/2022 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Kết quả xác định nhóm máu ban đầu cho thấy có sự bất đồng giữa hai phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu.

Theo quy định của Bộ Y tế, việc định nhóm máu hệ ABO với đơn vị máu hiến phải được thực hiện và kết luận khi có sự phù hợp kết quả bằng cả 2 phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu.

TS. BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW trình bày báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Gia Thắng).

Với trường hợp người hiến máu này, ở phương pháp huyết thanh mẫu: Hồng cầu của người hiến máu cho phản ứng ngưng kết mạnh với cả anti-A và anti-AB, đồng thời cũng cho phản ứng ngưng kết yếu với anti-B.

Ở phương pháp hồng cầu mẫu: Huyết thanh cho phản ứng ngưng kết với hồng cầu mẫu B và không ngưng kết với hồng cầu mẫu A. Chứng auto âm tính chứng tỏ trong huyết thanh của người hiến máu không có tự kháng thể chống lại hồng cầu của chính mình.

Từ kết quả ban đầu đó, nhóm nghiên cứu nghĩ đến 2 khả năng có thể xảy ra: (1) Người hiến máu có nhóm máu AB và có kháng thể bất thường trong huyết thanh; (2) Người hiến máu có nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường của người hiến máu với bộ panel sàng lọc kháng thể bất thường của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương bằng kỹ thuật ngưng kết cột gel. Kết quả cho thấy trong huyết thanh của người hiến máu không có kháng thể bất thường và như vậy loại trừ khả năng 1.

Tiếp đến, để minh chứng khả năng người hiến máu có nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải, nhóm đã thực hiện hàng loạt xét nghiệm bao gồm: Xét nghiệm Coombs trực tiếp trực tiếp đối với hồng cầu của người hiến máu, kỹ thuật hấp phụ và tách kháng thể, xét nghiệm dịch nước bọt của người hiến máu…

Sơ đồ thực hiện các xét nghiệm để xác định nhóm máu cho người hiến máu trong nghiên cứu của nhóm tác giả.

 

Theo các tài liệu trên thế giới, kháng nguyên B mắc phải là một trong những nguyên nhân gây khó khăn khi xác định nhóm máu hệ ABO. Kháng nguyên B mắc phải thường gặp ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc nhiễm trùng huyết do vi khuẩn gram âm, nhưng cũng có thể gặp ở những người khỏe mạnh và có thể biến mất theo thời gian.

Việc hiểu biết về kháng nguyên B mắc phải sẽ giúp nhân viên y tế giải quyết được nguyên nhân gây bất đồng giữa hai phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu khi tiến hành định nhóm máu hệ ABO, đồng thời giúp xác định được nhóm máu hệ ABO cho bệnh nhân hoặc người hiến máu.

Với trường hợp người hiến máu trên, sau khi xác định có nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tư vấn đầy đủ về nhóm máu, để người hiến máu không hiểu sai, lo lắng về nhóm máu và sức khỏe của mình và chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh sớm (nếu có).

Kỹ thuật viên khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu tiến hành các xét nghiệm (Ảnh: Công Thắng).

TS. BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – đại diện nhóm tác giả đề tài trên cho biết: “Đây là trường hợp hiếm gặp cả ở Việt Nam và thế giới. Người hiến máu có nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải nên có thể dẫn đến kết luận nhầm là nhóm máu AB khi làm xét nghiệm tại các cơ sở khác. Nếu trường hợp này cần phải truyền máu thì có thể truyền khối hồng cầu A hoặc O, truyền chế phẩm huyết tương nhóm AB”.

Trong các hệ thống nhóm máu thì hệ nhóm máu ABO đóng vai trò quan trọng nhất trong thực hành truyền máu. Chính vì vậy, việc xác định chính xác nhóm máu hệ ABO cho bệnh nhân hoặc người hiến máu là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn truyền máu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư mới quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73.

Việc khám sàng lọc khiếm thính, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh về chức năng nghe cho trẻ mầm non là rất quan trọng. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh của thành phố đã và đang được triển khai miễn phí tại 10 quận, huyện ở Hà Nội.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2024/TT-BYT quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, người mắc sởi trong thời gian gần đây tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và trên 11 tuổi, mặc dù nhiều trẻ đã được tiêm phòng.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép lưu hành cho vắc xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết. Vắc xin này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.