Người phụ nữ hơn 40 năm làm nghề vá 'kỷ niệm'

Ngày nay, khi mà chiếc áo, chiếc quần có khi chỉ mặc qua một lần chụp ảnh đã thành cũ, thì chuyện vá lại những vết rách trên quần áo là điều hiếm thấy. Thế mà giữa Hà Nội vẫn có một người phụ nữ hàng ngày tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ vá lại những chiếc áo, quần rách.

Nghề mạng - sang sợi quần áo rách đã thịnh hành tại Hà Nội mấy chục năm về trước. Ngày ấy, ngõ Thanh Miến, đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất của những người làm nghề này. Đây cũng là nơi có những người có tay nghề vá quần áo giỏi nhất ở Hà Thành. Người ta có thể vá quần áo từ những sợi vải được lấy ra từ chính bộ trang phục đó. Và rất ít người nhận ra chiếc quần, áo ấy đã được sửa lại. Sau nhiều năm, nghề dần mai một, ít người biết đến. Hãy cùng tìm hiểu về nghề "mạng - sang sợi quần áo" - một nghề cũ của Hà Thành xưa.

Trưa tháng 9, con ngõ Thanh Miến vắng vẻ im lìm, nắng đổ dài trên khắp các mái hiên. Các ngôi nhà đều đóng cửa, chỉ riêng một góc trước cửa ngôi nhà số 2B, cách đầu ngõ vài bước chân, có một người phụ nữ tóc bạc nhỏ nhắn, giản dị ngồi lặng yên trên ghế vá áo.

Mấy chục năm qua, người dân trong ngõ đã quá quen với bóng dáng ấy của bà Nguyễn Thị Hồng. Đã ở cái tuổi ngoài 70, nhưng ngày nào cũng vậy, nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, bà đều cần mẫn ngồi đúng nơi đó trên chiếc ghế cũ, với hộp đồ nghề bên cạnh, toàn kim chỉ đủ màu, kéo, thước dây, bút bi, giấy nhớ...

Hàng ngày bà Hồng vẫn miệt mài bên khung cửa hẹp mạng - sang sợi quần áo. (Ảnh: Dân trí)

Sau lưng bà là lối đi nhỏ vào nhà, cạnh bức tường cũ là chiếc tủ cao quá đầu người, chất đầy quần áo, khăn, tất… mà khách gửi sửa hàng ngày. Ngôi nhà nhỏ đầy mùi hương cũ xưa, đâu đâu cũng thấy các món đồ cổ. Và nhiều nhất là đủ thứ liên quan đến may vá, thêu thùa.

Nhiều người đứng xếp hàng ở cửa hàng sang sợi, mạng, vá quần áo của bà Nguyễn Thị Hồng khá lâu để đợi bà hết nhận hàng lại trả hàng cho khách. Những tưởng thời bao cấp gian khó thì nghề này mới đắt khách, chứ ai nghĩ rằng thời buổi này nam thanh nữ tú quần áo sang trọng, hàng hiệu tràn ngập mà cửa hàng khâu vá của bà lại tấp nập đến thế. Cửa hàng nhỏ dù đã kê một chiếc kệ khá to nhưng quần áo vẫn ngồn ngộn chất đầy cả lối đi.

Bà Hồng vừa thoăn thoắt khéo léo những đường chỉ, vừa trò chuyện và kể: "Năm 1979 khi về làm dâu, tôi được học nghề này từ mẹ chồng, được bà dạy cho nghề may vá. Cái nghề này là nghề thủ công, rất tỉ mỉ. Nghề này người ta gọi là nghề mạng sang sợi quần áo. Làm nghề này là mình làm đẹp cho mọi người, khi người ta nhận được những sản phẩm của mình thì người ta cũng hài lòng và mình cũng thấy vui."

Người mẹ chồng mà bà Nguyễn Thị Hồng vẫn nhắc tới trong câu chuyện là bà Tạ Huê Diệp. Theo lời kể của bà Hồng thì trong trận bom Mỹ ném xuống Hà Nội vào năm 1972, khi cả thành phố lo đi sơ tán thì cụ Diệp ở lại khâu cho hết số quần áo đã nhận và dư chấn của trận bom khiến cụ không còn thính lực. Từ đó, cụ Diệp thấy cô con dâu rất khéo tay nên đã truyền nghề cho, dù cụ có đến ba người con gái. Nghề này không những rèn luyện sự khéo léo của đôi tay mà còn rèn luyện cả tính cách của người.

Vá quần áo tưởng chừng như chỉ tồn tại ở thời bao cấp khi cả năm dài mới có một bộ quần áo mới, gia đình nào cũng có sẵn một hộp những mảnh vải cũ sờn cùng kim, chỉ nhiều màu. Vá quần áo cho lành rất dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng vá mà không thấy miếng vá và mạng, sang sợi những loại quần áo vải quý hiếm thì cần những người thợ khéo tay và có nghề. Cửa hàng nhỏ của bà tồn tại suốt mấy chục năm qua. Theo bà, khách bây giờ chủ yếu là sang - mạng hàng hiệu hoặc những món đồ kỷ niệm.

Nghề mạng - sang sợi cần có đôi bàn tay khéo léo. (Ảnh: Kenh14)

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nghề này thoạt nhìn trông rất đơn giản nhưng vào cuộc mới thấy ngược lại. Không ít lần, bà bị kim đâm vào tay, chảy máu. Nhiều lần bà gặp khách hàng khó tính họ yêu cầu phải vá sao cho đẹp. Đến khi nhận đồ, không ưng ý họ nói nặng lời.

Khi đó, bà nhẹ nhàng giải thích không thể vá lành lặn như cũ vì lý do chất vải hoặc vết rách quá to. Đồ nghề của bà cũng chỉ đơn giản là vài cây kim, cuộn chỉ, cái kéo đựng trong một cái tráp cũ và một cái bàn là. Khách đông là vậy, nhưng bà không muốn thuê người làm. Vì làm nghề này, cũng cần sự yêu nghề và cái tâm nên tìm người rất khó.

"Lúc đầu làm mình nhìn thấy nó tỉ mỉ thì cũng khó. Sau đấy mình học thì mình đam mê và mình cũng thấy cũng đơn giản. Nhưng cái này là phải cần cù, chịu khó mà phải tỉ mỉ, phải sáng tạo làm thì nó mới đẹp được", bà Hồng chia sẻ.

Chỉ vài bước chân ra đến chợ, cửa hàng là mua ngay được món đồ mới, thế nhưng nhiều người vẫn thích vá lại những chiếc áo bục chỉ, sờn vai. Với họ, đó là món đồ yêu thích, dùng còn tốt hoặc gắn liền với kỷ niệm được người thân yêu tặng.

Cả ngày cặm cụi với cây kim, sợi chỉ, bà Hồng bộc bạch, nhiều lúc cũng mệt và mỏi mắt, nhưng đây là nghề mà bà đã chọn và yêu. Cách vá phổ biến nhất bà hay áp dụng là lấy chính sợi chỉ thừa cùng màu của đồ cần sửa, ở mặt trái viền cổ áo, lai quần, cầu vai… rồi khéo léo lấy kim chỉ luồn kín chỗ thủng. Tất cả những loại vải bà đều có thể xử lý được.

Hơn 40 năm ngồi một chỗ, nhưng chưa bao giờ bà thấy chán nghề mà ngày càng thêm gắn bó. Có đợt ốm phải đi viện mấy hôm, không được cầm cây kim, mảnh vải bà cảm thấy rất nhớ nghề. Mẹ chồng bà gắn bó với nghề đến lúc không cầm nổi cây kim nữa. Bà cũng sẽ làm nghề này đến khi không làm được nữa mới thôi. Mỗi khi làm xong cho khách, nhìn khách ưng ý bà cũng vui theo. Với bà đây không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là niềm vui và sự đam mê.

Nghề mạng sang sợi, quần áo không cần đồ làm nghề quá cầu kì, đắt đỏ, chỉ cần một hộp kim cuộn chỉ và vải vá. Tất cả là nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì của người thợ. Người  làm nghề lâu năm sẽ sưu tập được nhiều vải vá với đủ màu sắc, chất liệu cùng kinh nghiệm.

Bộ đồ nghề của Hồng chỉ đơn giản là những cây kim, cuộn chỉ. (Ảnh: Kenh14)

"Tôi yêu cái nghề này lắm, chừng nào tôi còn ngồi ở đây tức là còn có khách cần vá lại những ký ức. Ngày nào cũng cặm cụi mà làm không hết việc, chỉ cần một ngày không cầm đến cây kim, sợi chỉ là tôi đã thấy nhớ. Mình chuyên tâm với nghề thì nghề không phụ mình. Chỉ với nghề mạng sang sợi, mẹ chồng tôi đã nuôi nấng cả 4 người con học hành đến nơi đến chốn. Giờ đến lượt tôi cũng nuôi con thành đạt".

Để giữ nghề, bà Hồng không nhận người học việc mà muốn dạy lại cho con cháu. Các con bà Hồng đều đã có công việc ổn định nhưng bà và hai em dâu của mình đều truyền nghề mỗi ngày một chút cho con cháu, nối đường kim mũi chỉ, âm thầm lưu giữ nghề xưa. Bà Hồng tâm sự chỉ mong khi con dâu về có thể tiếp quản cửa hàng nhỏ này, vừa kiếm thêm thu nhập vừa giữ lại cái nghề đã gắn bó với gia đình bao lâu nay.

Hơn chục năm trước, ngoài ngõ Thanh Miến, một số cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hàng Hòm cũng nhận vá, mạng, sang sợi quần áo nhưng đến nay thì hầu hết đã chuyển nghề, bởi công việc này không phải ai cũng làm được, đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ. Bà Hồng là một trong số ít người bền bỉ giữ nghề. Giữa phố phường đông đúc, hối hả, người phụ nữ Hà Thành ấy nguyện dành cả cuộc đời cho những đường kim mũi chỉ như muốn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các em nhỏ Trường Tiểu học Trung Yên (Hà Nội) trao gửi tình cảm yêu thương chân thành của mình đến những người bạn vùng bão lũ đang phải gồng mình lấy lại cuộc sống bình yên.

Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám Âm lịch, ngày Tết Trung thu.Tết Trung thu ở Hà Nội luôn có màu sắc rất riêng rộn rã, tưng bừng: có cỗ, có đèn, trống, bánh Trung thu cùng những màn múa lân, sư tử... Những bức ảnh về Trung thu ở Hà Nội khoảng 100 năm trước sẽ cho ta thấy những khoảnh khắc đón Trung thu nơi phố cổ cách đây hơn một thế kỷ, những góc nhìn chân thực về một Hà Nội cổ kính, xa xưa.

Điều khiến cho mùa thu Hà Nội trở nên đặc biệt, chính là vì cái không khí dần trở nên mát mẻ sau một mùa hè oi ả là nét lãng mạn cũng tự dưng dâng lên nhiều hơn trong từng ngõ ngách... Chính những điều ấy mới làm cho Hà Nội vô cùng đặc biệt vào những lúc tháng 9 như thế này.

Cơn bão Yagi đã làm ngập úng hàng ngàn cây đào, biểu tượng của mùa xuân Hà Nội, ở làng đào Nhật Tân.

Mâm cỗ Trung thu chẳng khi nào thiếu được bánh nướng, bánh dẻo. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ đẹp tròn đầy của chiếc bánh là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo của những nghệ nhân làm khuôn bánh.

Với niềm đam mê gắn bó với nghề truyền thống, giữa phố cổ Hà Nội, có một gia đình vẫn duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi từ nhiều năm nay.