Người 'sửa ký ức' giữa lòng Thủ đô

Khi mà ai bây giờ cũng thành nhiếp ảnh gia với chiếc điện thoại, giữa lòng Thủ đô Hà Nội còn đó một gia đình bốn đời làm nghề sửa máy ảnh cũ. Người ta gọi đó là một nghề cổ.

Cùng với trào lưu chơi ảnh số và sự trở lại của máy ảnh phim trong thời gian gần đây, các cửa hàng sửa chữa máy ảnh mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể bắt bệnh và sửa chữa được những chiếc máy ảnh chụp phim xưa cũ có tuổi đời đến vài chục năm.

Thế mà giữa lòng Thủ đô Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, anh Nguyễn Ngọc Long, thế hệ thứ tư của gia đình vẫn theo nghề sửa máy ảnh cổ, mà giới nhiếp ảnh gọi là nghề "sửa ký ức".

Người thợ "sửa ký ức" Nguyễn Ngọc Long. (Ảnh: Dân trí)

Máy ảnh phim ra đời từ rất lâu về trước, hoạt động nhờ vào những cuộn phim được gắn trong máy. Từng công đoạn, từ chọn phim và ISO, lắp phim, chỉnh thông số đến chụp, tráng phim  mang lại cho những người yêu nhiếp ảnh nhiều cung bậc cảm xúc như phấn khích, hồi hộp, mong chờ. Mỗi loại phim sẽ cho ra một màu ảnh riêng. Chất màu máy ảnh phim thường khá trầm và thiên về hướng sắc xanh hoặc đỏ. Nét hoài cổ và giàu cảm xúc trong mỗi bức ảnh phim đều là những điều mà máy ảnh kỹ thuật số khó lòng mang lại được.

Thời đại 4.0, thời đại của những chiếc điện thoại thông minh và máy ảnh kỹ thuật số. Vì thế, tưởng chừng máy ảnh phim đã bị lãng quên và mất đi sức hút, thế nhưng thời gian gần đây, thú chơi máy ảnh phim bất ngờ trở lại một cách mạnh mẽ. Đây là một thú chơi nhuốm màu thời gian và mang theo màu sắc hoài cổ.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề sửa chữa máy ảnh, anh Nguyễn Văn Long ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với từng chi tiết, từng con vít, niềm đam mê sửa chữa máy ảnh trong anh cũng bắt đầu từ đó.

Trong giới những người yêu nhiếp ảnh trên đất Hà Thành, cái tên Long "Tân Binh" đã không còn quá xa lạ. Anh Long cho hay, gia đình không qua trường lớp dạy sửa chữa máy ảnh: "Gia đình mình tất cả đều không qua một trường lớp dạy về máy ảnh nào cả mà đều là tự đúc kết kinh nghiệm từ nhiều năm để trở thành nghề gia truyền. Từ đời ông mình đến bố của mình thì mọi người biết đến là gia đình sửa chữa máy ảnh có tiếng ở Hà Nội chứ còn không có tên. Sau những năm 2000 trở lại thì tên Long Tân Binh mới trở cái tên thương hiệu của mình".

Cửa hàng của anh Long với rất nhiều loại máy ảnh. (Ảnh: Dân trí)

Cửa hàng có đủ các loại máy ảnh từ kỹ thuật số đến máy ảnh phim cổ điển, đều được anh Long xem xét sửa chữa một cách tỉ mỉ. Sửa chữa máy ảnh phim không giống máy ảnh số bởi chúng chạy bằng cơ và bánh răng. Phần len phim hoạt động bằng tay nên đòi hỏi người sửa máy phải hiểu rất rõ từng chi tiết máy và đặc biệt phải có những hiểu biết về cơ khí thì mới có thể sửa chữa được.

Cũng giống như một số nghề sửa chữa, việc làm cho một số bộ phận có thể hoạt động trở lại khi bị hỏng hóc là điều tiên quyết. Nhưng với máy ảnh phim là một câu chuyện hoàn toàn khác, một phần vì các chi tiết làm nên một chiếc máy ảnh rất nhỏ, tinh xảo và có độ chính xác cao, phần khác là các đồ đạc hiện không còn sản xuất nên việc thay mới là bất khả thi đối với những người làm nghề như anh Long. Để sửa được một chi tiết máy ảnh đôi khi phải kiêm cả nhà sáng chế.

Máy ảnh, ngoài hệ thống cơ học, máy móc của thân máy, một chi tiết rất quan trọng làm nên chiếc máy ảnh chính là ống kính. Ống kính máy ảnh được ví như đôi mắt của con người, chính vì thế nó vô cùng quan trọng. Chỉ một hạt bụi nhỏ cũng có thể làm cho chất lượng ảnh không như mong muốn. Để sửa chữa một chiếc ống kính bị lỗi là cả một quá trình tìm tòi của người làm nghề.

Những chiếc máy ảnh có tuổi đời lâu năm nên không tránh khỏi chuyện hỏng hóc. Để tháo lắp, sửa chữa máy ảnh cũ, không phải người thợ nào cũng có thể làm được. Những thợ sửa chữa có tay nghề dường như đã không còn. Nhưng tiếp nối truyền thống gia đình, anh Long đã mày mò nghiên cứu về máy ảnh phim từ nhiều năm nay và theo đuổi đam mê chụp ảnh.

Đây không chỉ là một nghề khó mà đòi hỏi sự đam mê thực sự. Từng chiếc máy ảnh với những chi tiết rất nhỏ được mở ra và tìm lỗi. Mỗi một máy lại có những lỗi khác nhau. Đây cũng là thử thách cho người làm nghề, không phải việc tìm ra nguyên lý hoạt động, chỉ ra lỗi mà có thể sửa được ngay, bởi một số linh kiện rất khó tìm. Với những trường hợp như vậy, người thợ phải chế tạo, sửa chữa những chi tiết hỏng hóc trở về nguyên trạng thì máy mới có thể sử dụng.

Trong căn phòng nhỏ, ánh đèn vàng nhạt chiếu rọi xuống bàn làm việc của anh Long. Bàn tay anh khéo léo xoay từng chiếc ốc vít, nhẹ nhàng tháo rời chiếc máy ảnh phim. Chiếc máy này đã đi qua bao nhiêu năm tháng, ghi lại biết bao khoảnh khắc đáng nhớ. Và giờ đây, dưới bàn tay tài hoa này, nó sẽ được hồi sinh.

Căn phòng nhỏ, nơi anh Long làm việc. (Ảnh: Lao động)

Anh Long quan niệm. công việc của người thợ sửa máy ảnh không chỉ đơn thuần là sửa chữa máy ảnh, đó còn là cách làm sống lại những ký ức đẹp đẽ mà những chiếc máy ảnh đã lưu giữ cùng chủ nhân của mình. Và đó cũng chính là động lực để anh yêu nghề và giữ nghề.

Mỗi bức ảnh chụp bằng máy ảnh đều là một dấu ấn của một thời điểm cụ thể trong quá khứ. Khi nhìn lại những bức ảnh cũ, chúng ta như được quay trở về quá khứ, sống lại những cảm xúc, những kỷ niệm đã qua. Trong một thế giới tràn ngập những hình ảnh số, nơi ký ức được lưu giữ trong những chiếc điện thoại thông minh, thì nghề sửa máy ảnh cổ lại như một làn gió mát lành đưa ta trở về quá khứ.

Những người thợ sửa máy ảnh, họ không chỉ đơn thuần là những người thợ lành nghề mà còn là những người giữ gìn ký ức, những người khâu vá thời gian. Người thợ sửa máy ảnh không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà còn cần có một trái tim nhạy cảm. Họ phải biết lắng nghe những câu chuyện mà chiếc máy ảnh muốn kể, phải cảm nhận được những cảm xúc mà nó mang theo. Với từng động tác tỉ mỉ, họ như đang khôi phục lại một phần ký ức của người khác.

"Giờ thì mình cũng lớn tuổi, có thể là mình sẽ sửa đến khi nào mình không làm được nữa thì thôi", anh Long chia sẻ.

Máy ảnh phim như thứ đồ cổ xưa dành cho những người ưa sống chậm, thích tận hưởng dư âm của thời gian, lưu giữ từng lát cắt trong cuộc sống. Vì một thước phim chụp ra không thể xóa được và cũng không thể nhìn được qua màn hình hiển thị. Thay vào đó, nó chỉ có thể cảm nhận bằng mắt, bằng trái tim hay những dòng cảm xúc.

Vì thế, những người thợ sửa máy ảnh còn lại cho đến nay như anh Long không chỉ giữ lại một nghề khá đặc biệt mà họ đang giữ lại một thú chơi làm nên nghệ thuật của cuộc sống.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Diễn ra trong ba ngày cuối tuần qua, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội đã thu hút hàng ngàn du khách tham quan và trải nghiệm.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.

Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.

Jack Soloman, một người Anh mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam, đã kể lại câu chuyện của mình như một minh chứng cho xu hướng ngày càng nhiều người ngoại quốc đến Hà Nội và chọn nơi đây làm nơi gắn bó lâu dài.

Ngôi làng Tri Trung vốn là nơi nổi tiếng với những buổi biểu diễn chèo, đặc biệt hơn, các diễn viên chính đều là những người dân trong làng. Dù bận rộn với công việc hàng ngày, người dân trong làng vẫn đam mê những làn điệu chèo, coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống yên bình của họ.

Mặt trời đã ngủ, nhưng thành phố thì vẫn thức. Khi ánh đèn thay thế ánh mặt trời, cũng là lúc cuộc sống ở Hà Nội bước vào một nhịp điệu khác, với đa dạng lựa chọn sống của những người dân đô thị. Tất cả đều góp phần tạo nên nhịp điệu không ngừng nghỉ của một thủ đô đầy sức sống.