Người tiêu dùng cần tự bảo vệ thông tin của mình

Sáng 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Hầu hết đại biểu đều nhất trí việc cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này thể hiện trách nhiệm, có tính nhân văn, cũng như cập nhật những vấn đề thực tiễn đặt ra. Góp ý một số nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, đối với Điều 89, trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng, cần chú ý các thông tin liên quan đến bệnh tật như: Đình chỉ thai nghén, hiến mô tạng…, nhằm đảm bảo giữ bí mật thông tin về sức khỏe cho người tiêu dùng. Điều 10 quy định về thông báo thu thập, sử dụng thông tin, đại biểu cho rằng, điều này là hết sức đúng đắn, nhưng cần làm sâu hơn nữa, trong đó cần đặc biệt tôn trọng quyền riêng tư, nhân phẩm, thể hiện sự đúng mực đối với người tiêu dùng.

Thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra hai dự án Luật này cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét tập trung sửa đổi, bổ sung 7 nhóm chính sách lớn về giao dịch đặc thù, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sự tham gia của các tổ chức xã hội, những vấn đề về giải quyết tranh chấp và trách nhiệm về quản lý nhà nước.

 Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Trong quá trình nghiên cứu, cơ quan thẩm tra đánh giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới trên dưới 20 luật khác. Luật này là trung tâm trong hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến nội dung này, trong đó chú trọng đến các nhóm người tiêu dùng yếu thế.

Về khái niệm người tiêu dùng, trong dự thảo Luật mới bỏ đối tượng tổ chức, trong khi luật hiện hành vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh. Đại biểu cho rằng, cần làm rõ nội dung này nhằm có sự thống nhất đối với những đối tượng được quy định tại dự thảo Luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, khái niệm người tiêu dùng trong dự thảo Luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì thế, đại biểu kiến nghị rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.

“Khái niệm người tiêu dùng còn mờ mịt thì làm sao chúng ta bảo vệ được họ? Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ khái niệm này. Đặc biệt, trong dự thảo Luật cũng không quy định rõ về quản lý đội ngũ bán hàng rong thì cũng khó mà bảo vệ quyền lợi người dùng”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng, hiện nay, với một số loại hàng tiêu dùng, người tiêu dùng có thể phát hiện được ngay có vấn đề về chất lượng hay không, nhưng với một số loại hàng thì cần thời gian, chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Quy định trong dự luật đang đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Về chương hoàn toàn mới trong dự thảo Luật: “Giao dịch đặc thù”, quy định các nội dung trong giao dịch liên quan đến nền tảng số, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, bảo vệ thông tin người tiêu dùng…, ông Tạ Đình Thi cho rằng, đây là những vấn đề lớn, cần xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, người tiêu dùng cần có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin của mình.

Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển (Thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi luật này một cách toàn diện, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi, an toàn cho các giao dịch trên môi trường điện tử trong các ngành, lĩnh vực.

Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của luật sẽ được mở rộng cho tất cả các lĩnh vực: Dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Tuy phạm vi điều chỉnh rất rộng, nhưng nội hàm quy định trong luật chưa thực sự đáp ứng được hết, chưa có đủ cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử đối với các lĩnh vực liên quan đến quy định trong các luật yêu cầu giao dịch bằng văn bản; ví dụ như trong lĩnh vực đất đai, dân sự, thừa kế và nhiều lĩnh vực khác.

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 3, Điều 36 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật, nhưng chưa có mối liên hệ giữa nội dung này với quy định về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự. 

Một điểm nữa, dự thảo Luật quy định, trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu chứng thực với lý do các tổ chức, cá nhân khởi tạo thông điệp dữ liệu hoặc một tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu điện tử.

Trên thực tế, trước đây, Luật hiện hành chỉ quy định về việc chứng thực chữ ký điện tử. Với quy định này, việc chứng thực điện tử có giá trị tương đương công chứng và chứng thực. Song, quy định của pháp luật về công chứng hiện nay rất khác, phải chứng thực về điều kiện của chủ thể tham gia giao dịch. Nếu là công chứng phải đảm bảo tính xác thực về nội dung hợp đồng, chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các nội dung khi giao kết hợp đồng mua bán nhà ở. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hợp đồng được xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng. Như vậy, việc đồng nhất hình thức chứng thực điện tử, chứng thực theo quy định của pháp luật hiện hành và công chứng cũng chưa bảo đảm.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử, đại biểu Lê Văn Thìn (Phú Yên) cho rằng, Điều 2 dự thảo Luật cần bổ sung quy định đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhằm đáp ứng thực tiễn số hóa hiện nay. Cùng với đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật với những quy định về giao dịch điện tử là cần thiết, nhưng cần xây dựng lộ trình đưa vào khai thác phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của Nhà nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị, cần tính toán kỹ đến nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Tại kỳ họp chuyên đề ngày 19/11 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội’’.

Người lái chiếc xe Suzuki ngay đoạn vào cua đã bất ngờ vượt ẩu, hậu quả là lao vào một xe container đi ngược chiều.

Hội nghị công bố Nghị quyết số 1255/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025 diễn ra vào ngày 22/11.

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho hai phi công vụ rơi máy bay YAK-130 ở Bình Định.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã phải bổ sung ngân sách khoảng 830 tỷ đồng do tiền đền bù, giải phóng mặt bằng tăng theo khung giá đất vừa được ban hành, nhưng TP.HCM vẫn quyết tâm để dự án sớm về đích, nhanh chóng đưa vào sử dụng, chống lãng phí.