Người trò chuyện với sơn ta

Trong bối cảnh nhiều làng nghề mỹ nghệ sử dụng sơn công nghiệp để chế tác thì có một người nghệ nhân vẫn kiên nhẫn “trò chuyện” với sơn ta để tạo ra những tác phẩm độc đáo và riêng biệt.

Chúng tôi đến nhà nghệ nhân sơn mài Vũ Huy Mến (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) vào một buổi sáng sớm mùa hè. Ông đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và đôi bàn tay phủ lớp bột màu đen.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến.

Ông nói ngay với chúng tôi “Các bạn về đây là chuẩn rồi, làng Hạ Thái chỉ còn có mấy nhà làm sơn mài theo kiểu truyền thống thôi”. Tôi cũng cảm thấy kì lạ khi ông nhấn mạnh vào “theo kiểu truyền thống”, tôi đã hỏi luôn ông về tranh sơn mài theo kiểu truyền thống là gì.

“Nếu nói về sơn mài truyền thống thì thứ đầu tiên mà ta phải nói đó chính là nguyên liệu để tạo ra tranh sơn mài truyền thống. Đó là sơn ta. Sơn ta thì đắt, lâu khô và hơi sơn có thể làm một số người bị ngứa, nổi mẩn”. Ông Mến giải thích.

“Sơn ta”, cụm từ này lần đầu tiên tôi nghe thấy, với một người trẻ thuộc thế hệ GenZ và đã sống ở nước ngoài từ năm 15 tuổi như tôi.

“Sơn ta thì nó rất là quý, phải khai thác ở trên đồi rừng Phú Thọ. Sơn ta chỉ có hai màu là màu đen hay các cụ còn gọi là màu then và màu cánh gián. Còn nếu muốn tạo thêm màu khác thì phải trộn với bột màu. Cái thứ sơn ta này có một độ bóng tự thân nghĩa là tự nhiên nó bóng lên ấy, nó không bị bóng loáng như sơn công nghiệp. Mà cái sơn ta này cũng hay lắm nhé, làm sơn mài bằng cái sơn này là phải biết cách thì mới dùng được”. Chắc ông thấy tôi cũng có vẻ lơ mơ về những gì ông vừa nói, ông đưa đoàn chúng tôi vào trong nhà xưởng nơi ông làm nên những bức tranh sơn mài. Ông lấy ra cho tôi xem một thứ chất lỏng sền sệt trộn với dầu rồi ông cười nói: “Đây sơn ta đây, khỏi thắc mắc nhé”.

Nguyên liệu sơn ta.

Tôi đưa tay ra định trộn thử thì ông bảo: “Lúc nãy tôi bảo rồi đấy, cái hơi sơn này mà người không quen làm thì bị ngứa. Cái thứ sơn này nhìn vậy thôi, sử dụng nó cũng phức tạp lắm đấy vì phải canh ngày tùy theo thời tiết phải chọn ngày nào không hanh khô mà làm. Sau đó đưa vào buồng ủ, buồng ủ phải tưới nước”.

“Sơn ta này thì nó khô trong ẩm, độ ẩm phải phù hợp thì sơn mới khô màu mới đẹp. Không biết làm thì có để cả tháng cũng không khô. Chũng không có công thức hay số liệu chính xác, chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi. Nhỡ mà người thợ nào để sơn bắt hanh rồi thì chỉ có phá bỏ đi và làm lại. Ví dụ buổi sáng thời tiết nó tốt thì sơn sẽ khô nhanh, màu sắc lên sáng và đẹp. Còn nếu thời tiết nó xấu thì những người thợ sẽ đưa nó vào buồng ẩm để tạo nên độ ẩm tự nhiên thì sơn vẫn sẽ khô bình thường”. Ông Mến kiên nhẫn giải thích. Tôi nghĩ ông Mến chắc cũng phải giải thích rất nhiều lần cho những đoàn khách đến đây tìm hiểu về sơn mài.

“Làm tranh sơn mài này thì nó có 12 nước sơn tất cả. Chọn gỗ xong tời bọc vải rồi bó, hom, sau đó là lót, kẹt, thí, vóc. Sau mỗi bước như thế thì lại phải đưa tranh vào buồng ủ, ủ xong rồi lại sơn, sơn xong lại phải mài”.

Thấy chúng tôi có vẻ bối rối trước một loạt những từ ngữ chuyên môn, ông Mến chậm lại giải thích.

“Sơn bó là dùng sơn ta trộn với mùn cưa, đất phủ sa sông Hồng và rồi sơn nó lên. Hom thì nó cũng giống với bó nhưng nó không có mùn cưa để tạo thêm độ dày và độ nhẵn cho sản phẩm.”

Công đoạn sơn hom và mài tranh.

“Tổng thời gian để hoàn thành một bức tranh sơn mài thì còn phụ thuộc vào kích thước, chi tiết bức tranh, và đặc biệt là thời tiết. Mỗi một nước sơn thì phải để qua 24 tiếng đồng hồ mới có thể làm tiếp và sau khi hoàn thành vóc sẽ đưa vào trang trí. Trung bình cần 60 ngày để hoàn thành một bức tranh đạt tiêu chuẩn, hoàn chỉnh và đúng kĩ thuật”.

Giờ thì tôi hiểu vì sao ông Mến đón chúng tôi bằng đôi bàn tay phủ lớp màu the rồi. Đôi bàn tay ông chẳng khi nào rời sơn ta, đất sét, bột màu.

Trang trí tranh sơn mài bằng vỏ trứng.

Màu sắc và đường nét hiện ra dần dưới những lớp sơn.

Nghe ông Mến nói về sơn ta, tôi lại có thắc mắc về những nguyên liệu khác, liệu chỉ có sơn ta là quan trọng hay sao?

“Trong làm tranh sơn mài thì quan trong nhất là sơn và gỗ, vải thì cũng phải chọn loại vải không có ni - lông, đất thì có thể chọn đất sét hoặc đất phù sa sông Hồng. Còn về bột màu thì tôi phải nhờ gửi bên Nhật về đấy, loại này đắt nhưng màu lên sáng và đẹp”.

Một vài tác phẩm tranh sơn mài của Nghệ nhân Vũ Huy Mến:

Nói chuyện một lúc thì tôi cũng nhận ra năm nay ông Mến đã 74 tuổi, tôi hỏi ông nghĩ gì về đến tương lai sơn mài của làng Hạ Thái cũng như thế hệ tiếp nối. Ông rót chén trà rồi trầm ngâm:

“Riêng nhà tôi thì con gái tôi cũng theo nghề này rồi, cũng là nghệ nhân sơn mài đấy. Nghề sơn mài truyền thống này thì kể ra nó cũng khó vì các nguyên liệu, tay nghề đều đòi hỏi cao. Trong khi có những bức tranh làm xong mười mấy, hai chục năm mới bán được. Nhưng tôi tin rằng nghề sơn mài truyền thống này nó sẽ vẫn còn mãi vì đó là nét đẹp văn hóa mỹ thuật của Việt Nam rồi”. Ông Mến khẽ mỉm cười.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến và con gái - nghệ nhân Vũ Thị Lệ Hà.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái mang trong mình bề dày lịch sử hơn 300 năm, khởi nguồn từ nghề sơn đồ nét vào khoảng thế kỷ XVII. Tuy không được xem là nơi khai sinh nghề sơn Việt Nam, làng Hạ Thái lại nổi tiếng quy tụ nhiều nghệ nhân tài hoa được triều đình trọng dụng. Nổi tiếng với những sản phẩm sơn mài tinh xảo, lộng lẫy, phục vụ cho vua chúa và tầng lớp quý tộc, Hạ Thái được mệnh danh là làng nghề "dâng vua".

Sinh ra và lớn lên ở Giảng Võ, Hà Nội nhưng ông Vũ Huy Mến lại bén duyên với nghề làm tranh sơn mài của xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ Hà Tây năm 1966 chuyên ngành sơn mài truyền thống, ông Vũ Huy Mến được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2015.

Đón xem chương trình "Tuyệt kỹ dưới lớp sơn" trong loạt phim tài liệu "Nghệ nhân Hà Nội" phát sóng lúc 10h00 thứ Bảy, ngày 27/07/2024 trên kênh H1 - Đài PT-TH Hà Nội; xem lại trên website hanoionline.vn, ứng dụng Hanoi On, YouTube HTV - Đài Hà Nội.

Tú Anh - Minh Tú

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Xuất phát từ tình yêu với những họa tiết cổ truyền và ký ức về những chiếc áo bông thời thơ ấu, nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ đã đem câu chuyện của mình vào các thiết kế áo bông mang âm hưởng đương đại.

Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.

Gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... trong đời sống đương đại là trăn trở chung của những người làm nghề. Đáng mừng là giờ đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có lớp nghệ sĩ mới tài năng, kiên định với sứ mệnh gìn giữ tinh hoa dân tộc, trong đó có NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm - Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có những thời điểm làn điệu dân ca truyền thống của làng quê Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyên Mê Linh) đứng trước nguy cơ biến mất. Trong bối cảnh đó, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Lược đã dành rất nhiều công sức và tự bỏ kinh phí để sưu tầm, truyền bá và làm "sống" dậy làn điệu chèo Xa Mạc. Ông được người dân nơi đây yêu quý gọi với cái tên - ông Lược Chèo.