Nguồn cội Bồ đề

Đã vài lần trong vội vã dòng đời đầy biến động, cảm thấy ngột ngạt giữa những gánh nặng mưu sinh, tôi mong muốn tìm đến chốn bình yên để nương náu. Những lần mệt nhoài ấy, tôi thường chạy xe ra ngoại ô thành phố để ghé thăm ngôi chùa làng cổ kính thân quen. Ngôi chùa có cổng tam quan nhuốm màu rêu phong, ở nơi đó có gốc cây Bồ đề đã già đứng sừng sững ngay cổng chùa.

Chẳng hiểu sao, chỉ cần ngồi dưới gốc Bồ đề, nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi chiều bảng lảng khói bếp thơm mùi rơm rạ, bao muộn phiền, bao chấp mê, bao toan tính trong tôi đều tan biến theo mây khói. Chỉ còn trong tôi là trái tim phập phồng những nhịp đập yêu thương, là tâm trí trống rỗng nhưng thảnh thơi. Tôi hít hơi thật dài, nhắm mắt lại và ngồi thật lâu dưới gốc Bồ đề, đánh thức mọi giác quan để lắng nghe chính mình đang thì thầm với con người bên trong.

Bồ đề nay đã bao nhiêu tuổi, có lẽ không ai có thể đoán được chính xác, chỉ biết rằng người dân trong làng đều trân trọng gọi là “cụ Bồ đề”, bởi đời ông bà, tổ tiên sinh ra và lớn lên đã thấy Bồ đề đứng sừng sững nơi đây. Từng rễ cây đan từng tầng tầng, lớp lớp như con rồng đang cuộn mình vươn lên. Đứng ở phía xa nhìn về, tán Bồ đề như con hạc đang dang rộng đôi cánh như muốn bay lên.

Tôi tình cờ gặp một bà cụ đã qua tuổi 85 là vị khách thường xuyên đến đây. Cụ có mái tóc trắng bạc phơ, hàm răng đen nhuộm thủa xưa, hay bỏm bẻm nhai trầu. Cụ hay cho tôi vài quả cam, vài chiếc bánh lộc. Đôi bàn tay nhăn nheo, lấm tấm những đồi mồi của cụ vẫn cầm chiếc chổi tre quét lá, tiếng xoèn xoẹt trên nền gạch hoà với tiếng chim ríu rít trên cây tạo nên âm thanh cuộc đời sống động.

Sau vài lần gặp, tôi mới biết nhà cụ ngay cổng chùa, buổi sáng và chiều nào cũng ra giúp sư phụ quét lá, dọn dẹp khuôn viên chùa sạch đẹp hơn, buổi tối cụ thường ở lại để nghe sư trụ trì đọc kinh. Gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, cụ tin rằng kiếp trước mình đã gây ra tội lỗi, nên kiếp này phải chịu khổ nạn, chỉ có sự buông bỏ chấp mê, tu tập mới giúp cụ đến được ánh sáng của Phật pháp đó chính sự giải thoát. Vì vậy hàng ngày cụ ăn chay, niệm Phật và lên chùa làm công quả. Mỗi lần quét lá ở sân, cụ đều cảm nhận được tâm hồn mình thanh thản, bình an trong cuộc sống bộn bề. Thế nên dù ngày mưa hay ngày nắng, dù mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh căm căm cụ vẫn cặm cụi với chiếc chổi tre trên tay miệt mài tu tập.

Nhờ cụ mà tôi được gặp sư trụ trì. Với chất giọng trầm ấm nội lực, sư trụ trì cắt nghĩa vì sao cây Bồ đề được gọi là cây giác ngộ. Tương truyền năm 29 tuổi, vào một đêm trăng tròn, Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện xa hoa lộng lẫy để trở thành người ẩn tu khổ hạnh. Tuy nhiên, Ngài vẫn chưa tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn và chưa tìm ra chân lý. Nhưng tin vào chính mình và qua nhiều quá trình khổ luyện, Ngài đã tìm ra con đường đúng đắn là Trung đạo, con đường tự mình đào sâu suy nghĩ để nhận thức chân lý và dẫn đến sự yên tĩnh, bừng sáng của tâm hồn lẫn trí tuệ. Tin vào con đường ấy mà sau bốn chín ngày thiền định dưới gốc Bồ đề, Ngài đã chìm đắm trong tư suy sâu thẳm, cuối cùng tìm ra chân lý và trở thành vị Phật soi sáng. Sau khi thành Phật, Ngài đã đi khắp nơi để truyền bá đạo giác ngộ cho mọi người, cứu con người ra khỏi bể khổ. Cây Bồ đề được coi là cây có tính thiêng liêng trong Đạo Phật, là cây giác ngộ, tượng trưng cho sự minh triết. Cách đây 300 năm, có vị Ni đã chiết một nhánh nhỏ từ gốc Bồ đề mà Đức Phật đã thiền định mang tới Sri Lanka trồng. Đến nay, gốc Bồ đề vẫn uy nghi đứng đó và trở thành cội Bồ đề lâu đời nhất thế giới. Cây Bồ đề theo tiếng Phạn là Bodhi, tức sự thức tỉnh, thông suốt. Chỉ khi nào con người thức tỉnh mới có thể thoát khỏi những u mê lầm tưởng mà giác ngộ.

Cây bồ đề có gốc tích Ấn Độ tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội.

Nghe sư phụ giảng giải, tôi mới chợt giật mình nhận ra, không biết có phải sự hữu duyên hay không nhưng vào dịp tháng Tư âm lịch khi những Phật tử đang náo nức chuẩn bị đón mừng lễ Phật Đản cũng chính là mùa của Bồ đề thay lá. Từng chiếc lá Bồ đề ngả vàng lìa cành theo gió bay nhẹ nhàng rồi đáp xuống nền đất nâu non. Những chiếc lá vàng hình trái tim nằm im lìm trên mặt đất như con người sau khi rời xa cõi đời này sẽ trở về với đất mẹ bao dung.

Lạ thay, không giống bao loài cây khác cứ đến mùa thu về là trút những đám lá vàng rơi lả tả. Bồ đề đổ sắc vàng vào mỗi dịp hè. Bồ đề không mất quá nhiều thời gian ủ ê nhựa sống qua một mùa đông lạnh giá để đến mùa xuân mới bừng lên sức sống như cỏ cây hoa lá khác. Từng chiếc lá vàng nhẹ nhàng đáp về cội, trên cành những chồi non cựa mình vươn lên đón nắng mai. Những chiếc lá non màu đỏ trong nắng nổi lên những gân lá như những mạch máu li ti hoà với sự kỳ diệu của thiên nhiên buổi sớm, tạo cảm giác như những trái tim đang đập nhịp yêu thương. Sau một thời gian, lá đỏ chuyển sang phớt hồng rồi màu xanh non bạch ngọc phảng phất mỏng manh sương khói. Thật đúng, khi người ta thường nói lá Bồ đề có thể coi là tâm Bồ đề, lá ánh sáng trí tuệ soi sáng cho những ai khát khao tìm về cội nguồn an lạc.

Lần gần đây nhất tôi đến thăm chùa vào một buổi chiều tà rơi nắng, những ánh nắng vàng au chuyển dần sang đỏ đổ xuống đường làng. Hỏi cụ già quét lá hàng ngày, mới hay tin cụ đã về miền mây trắng.

Tôi bất giác cúi xuống, nhặt chiếc lá vàng rơi trên nền đất, nâng niu chiếc lá và áp nó vào trái tim mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.