Nguồn cơn khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chức
Quyết định từ chức của Thủ tướng Justin Trudeau
Ông Trudeau, người giữ chức Thủ tướng Canada từ năm 2015 cho biết sẽ giữ vị trí này cho tới ngày 24/3 để nội bộ Đảng Tự do có thể tìm được người đứng đầu. Việc từ chức của ông Trudeau có thể để lại khoảng trống lãnh đạo trong thời điểm Canada cần sự ổn định để đối phó với những thách thức kinh tế và chính trị.
Phát biểu trước báo giới hôm 6/1, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Canada cần có một sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử tiếp theo và ông nhận thấy bản thân không thể là lựa chọn tốt nhất trong cuộc bầu cử đó.
Tôi dự định sẽ từ chức người đứng đầu đảng và vị trí thủ tướng sau khi Đảng Tự do bầu được lãnh đạo tiếp theo thông qua một cuộc bầu cử cạnh tranh trên cả nước. Tôi đã đề nghị Chủ tịch Đảng Tự do bắt đầu quá trình này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Justin Trudeau thông báo kế hoạch từ chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại đề xuất Canada nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ông Trump cho rằng nếu Canada sáp nhập với Mỹ, người dân Canada sẽ không phải chịu thuế quan và sẽ "hoàn toàn an toàn trước mối đe dọa" từ Nga và Trung Quốc.
Theo đài CNN, ông Pierre Poilievre, chính trị gia Đảng Bảo thủ của Canada, ứng cử viên tiềm năng cho cuộc bầu cử sắp tới, đưa ra lời đề nghị với cử tri Canada trên mạng xã hội X: "Người dân Canada có thể giành lại quyền kiểm soát cuộc sống và đất nước. Giành lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta. Giành lại quyền kiểm soát nhập cư. Giành lại quyền kiểm soát chi tiêu, thâm hụt và lạm phát. Chúng ta sẽ hạn chế chi tiêu, cắt giảm thuế, xây dựng nhà ở, bảo vệ gia đình, ngăn chặn tội phạm, bảo vệ biên giới, tái vũ trang lực lượng, khôi phục tự do và đặt Canada lên hàng đầu".
Cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, người có khả năng kế nhiệm ông Trudeau đã ghi nhận những đóng góp của ông cho người dân và đất nước.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định từ chức của ông Trudeau sẽ tạo thêm gánh nặng cho Đảng Tự do cầm quyết trong việc lấy lại niềm tin của cử tri.
Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một thách thức đối với ban lãnh đạo Đảng Tự do. Đảng Tự do rõ ràng sẽ muốn tìm gương mặt thay thế ông Trudeau để giành lại rất nhiều phiếu bầu đã mất. Và vì vậy, đây thực sự sẽ là một cuộc đua tìm nhà lãnh đạo rất gay cấn.
Bà Grace Skogstad, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto.
Ông Justin Trudeau, 53 tuổi, cựu giáo viên trung học và là con trai cả của Pierre Trudeau, một trong những thủ tướng nổi tiếng nhất của Canada.
Ông Trudeau trở thành lãnh đạo Đảng Tự do vào năm 2013 khi đảng này gặp nhiều khó khăn và lần đầu tiên bị tụt xuống vị trí thứ 3 tại Hạ viện Canada.
Ông trở thành Thủ tướng Canada vào năm 2015 khi mới 44 tuổi, dẫn dắt Đảng Tự do chiến thắng hai nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2019 và 2021, với lời hứa dẫn dắt đất nước đến sự thay đổi và “con đường tươi sáng”. Ông cũng trở thành một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất ở Canada.
Là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất của đất nước, ông Trudeau nhanh chóng trở thành hình mẫu cho các giá trị tiến bộ của Canada trên trường quốc tế.
Ông đã cải tổ Thượng viện Canada để minh bạch, ít mang tính chính trị hơn, bằng cách bãi bỏ các cuộc bổ nhiệm theo đảng phái và tạo ra một quy trình lựa chọn độc lập, dựa trên năng lực.
Trong hai nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng, ông Trudeau đã ký thỏa thuận thương mại mới với Mỹ và đưa ra thuế carbon để giảm lượng khí thải nhà kính của Canada.
Trong thông báo từ chức, ông Trudeau thừa nhận có một "điều hối tiếc" trong sự nghiệp chính trị của mình là không thể thay đổi hệ thống bầu cử của Canada.
Nguồn cơn dẫn tới việc Thủ tướng Justin Trudeau từ chức
Ông Justin Trudeau đã lãnh đạo Đảng Tự do trong 11 năm và giữ chức Thủ tướng Canada trong 9 năm. Từng là ngôi sao đang lên của nền chính trị tiến bộ toàn cầu, ông Trudeau đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của mình giảm xuống mức thấp mới, chỉ còn 33% vào cuối năm 2024. Thông báo từ chức được Thủ tướng Trudeau đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Đảng Tự do cầm quyền gần đây tăng sức ép buộc ông từ chức, khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng này sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới cùng với đó là lời đe dọa áp thuế Canada của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trong bài phát biểu tuyên bố quyết định từ chức, Thủ tướng Justin Trudeau giải thích rằng ông không thể dẫn dắt Đảng Tự do tới chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo nếu phải đối mặt với những xung đột nội bộ. Ông tự nhận mình là một "chiến binh", nhưng thừa nhận rằng đấu tranh nội bộ đang cản trở khả năng lãnh đạo của ông.
Đất nước này xứng đáng có một sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử tiếp theo, và nếu tôi bị mắc kẹt trong các cuộc đấu tranh nội bộ, tôi không thể là lựa chọn tốt nhất.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho Đảng Tự do của ông Trudeau đã giảm mạnh, chỉ đạt 16%, trong khi Đảng Bảo thủ đối lập dẫn đầu với 45%. Nhiều thành viên trong Đảng Tự do đã kêu gọi ông Trudeau từ chức để tránh một thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử.
Theo luật liên bang, một cuộc bầu cử phải diễn ra vào tháng 10/2025. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các thành viên của Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đang đánh giá liệu đã đến lúc nhà lãnh đạo này nên từ chức và thay một người mới hay chưa.
Cuối năm ngoái, gần hai chục nghị sĩ Đảng Tự do đã ký một lá thư kêu gọi thủ tướng từ chức, nếu không ông sẽ đối mặt với khả năng thất bại thảm hại. Nhưng mãi đến giữa tháng 12/2024, phó tướng trung thành của ông Trudeau, bà Chrystia Freeland, mới đột ngột từ chức, công khai chỉ trích thủ tướng và nêu nghi vấn liệu ông có thể xử lý được các vấn đề phát sinh trong nhiệm kỳ thứ hai ở Mỹ của ông Donald Trump hay không.
Sự ra đi của bà Freeland đã phơi bày những rạn nứt trong chính đảng của ông Trudeau và đã khuyến khích nhiều thành viên trong nhóm của ông kêu gọi ông từ chức.
Giống như nhiều nhà lãnh đạo ở phương Tây, Thủ tướng Trudeau đã phải gánh chịu tình trạng lạm phát kỷ lục và giá thực phẩm cao.
Cuộc khủng hoảng nhà ở trong nước, khiến giá nhà ở một số khu vực tăng vọt 30 - 40% trong những năm gần đây, đã làm gia tăng sự phẫn nộ với chính phủ Canada.
Những vụ bê bối chính trị trong suốt nhiệm kỳ dài cũng "thêm dầu vào lửa". Ông Trudeau đã bị khiển trách vào năm 2017 vì nhận quà tặng bao gồm cả kỳ nghỉ và các chuyến bay trực thăng riêng. Việc bỏ lỡ sự kiện ngày quốc gia đầu tiên về sự thật và hòa giải để đi nghỉ dưỡng lướt sóng, và tiết lộ rằng các thành viên trong gia đình ông đã được một tổ chức từ thiện vốn được chính phủ trao một hợp đồng lớn gần đây trả hàng trăm nghìn đôla cũng làm tổn hại đến danh tiếng của nhà lãnh đạo.
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Canada sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới phần nào cũng gây áp lực khiến Thủ tướng Justin Trudeau từ chức. Cuối tháng 11 năm ngoái, ông Trump dọa áp thuế 25% với Canada khi ông nhậm chức, nếu nước này không siết chặt kiểm soát ma túy và dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ. Ông còn nhiều lần đùa rằng Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc bang thứ 51 của Mỹ". Loạt động thái này đã khiến chính trường Canada chia rẽ. Mỹ và Canada đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Khoảng 80% xuất khẩu của Canada là sang Mỹ, do đó, chính sách thuế trên nếu triển khai sẽ là thảm họa với kinh tế nước này.
Diễn biến tiếp theo trên chính trường Canada
Việc ông Trudeau từ chức đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Đảng Tự do. Hiện tại, đảng này đang đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát Quốc hội Canada. Các đảng đối lập, gồm cả Đảng Dân chủ mới (NDP), đã tuyên bố sẽ đưa ra động thái bất tín nhiệm để chấm dứt chính phủ thiểu số của ông Trudeau. Việc từ chức của ông Trudeau cũng có thể thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm, để một nhà lãnh đạo mới có thể chuẩn bị đối phó với chính quyền Mỹ sắp tới. Cuộc bầu cử tiếp theo của Canada dự kiến diễn ra vào hoặc trước ngày 20/10/2025, nhưng tình hình hiện tại có thể đẩy nhanh thời gian.
Phát biểu vào ngày 6/1, ông Trudeau cho biết Toàn quyền Canada đã chấp nhận yêu cầu của ông về việc tạm ngừng hoạt động Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ dừng tất cả các hoạt động bao gồm tranh luận và bỏ phiếu nhưng không giải tán. Lần tạm ngừng này sẽ đóng băng hoạt động của Quốc hội Canada cho đến ngày 24/3.
Báo chí Canada bình luận việc đình chỉ họp Quốc hội có thể sẽ giúp đảng của ông Trudeau có thêm thời gian chuẩn bị người lãnh đạo kế nhiệm và không phải đối mặt với viễn cảnh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tướng Trudeau bảo vệ hành động của mình khi nói rằng đây là việc làm cần thiết để xóa bỏ tình trạng bế tắc về mặt lập pháp tại Hạ viện, đồng thời bày tỏ tin tưởng Chính phủ Canada sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khi Quốc hội nhóm họp trở lại.
Tuy nhiên, ngày 7/1, sau khi ông Trudeau tuyên bố sẽ từ chức, lãnh đạo NDP Jagmeet Singh nói rằng ông sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm Đảng Tự do, bất kể ai là lãnh đạo.
Người nào lãnh đạo Đảng Tự do từ ngày 24/3 tới sẽ không có nhiều thời gian để điều hành.
Sau khi thời gian tạm ngừng Quốc hội kết thúc, cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chính phủ mất phiếu tín nhiệm, họ sẽ từ chức hoặc yêu cầu giải tán Quốc hội, dẫn đến một cuộc bầu cử liên bang.
Các cuộc thăm dò cho thấy nếu một cuộc bầu cử tại Canada diễn ra ngay lập tức, Đảng Bảo thủ đối lập chính thức sẽ giành chiến thắng áp đảo.
Nhiều khả năng nhóm nghị sĩ của Đảng Tự do sẽ cố gắng tìm một lãnh đạo mới trước khi thời gian tạm ngừng Quốc hội kết thúc, mặc dù hiện chưa rõ lãnh đạo đó sẽ được chọn như thế nào.
Thông thường, các lãnh đạo của các đảng liên bang tại Canada được chọn trong khoảng thời gian từ bốn đến năm tháng, thông qua một đại hội bầu lãnh đạo chính thức.
Điều này chưa từng xảy ra ở Canada. Đảng Tự do có thể cố gắng tổ chức một đại hội ngắn hơn bình thường, nhưng điều đó có thể gây ra phản đối từ các ứng viên cảm thấy mình bị bất lợi.
Hiện chưa có người kế nhiệm rõ ràng cho ông Trudeau, nhưng một số nhân vật nổi bật trong Đảng Tự do như cựu Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, Bộ trưởng Giao thông Anita Anand và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mark Carney đã được đề xuất làm ứng viên tiềm năng.
Ai được chọn làm lãnh đạo Đảng Tự do cũng sẽ được lựa chọn làm ứng cử viên của đảng này tham gia cuộc chạy đua với đối thủ chính là lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre.
Có ý kiến cho rằng sự suy giảm uy tín của Thủ tướng Justin Trudeau đã trở thành gánh nặng cho Đảng Tự do, song sự ra đi của ông vẫn là chưa đủ để khôi phục niềm tin của công chúng. Việc thủ tướng đương nhiệm từ chức là một cột mốc lớn trong chính trị Canada, đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn đầy biến động. Trong khi Đảng Tự do chuẩn bị cho một trang mới, họ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, gồm cả việc lựa chọn một nhà lãnh đạo đủ sức thuyết phục và giành lại niềm tin của cử tri. Đối với Thủ tướng Trudeau, ông sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo đã đưa Canada trở lại các giá trị tự do vào năm 2015, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc duy trì sự ủng hộ trước những sóng gió chính trị và kinh tế.
Lễ hội 'đen và trắng' là một trong những lễ hội mang tính biểu tượng nhất của Colombia. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009, lễ hội được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng chục nghìn người tới tham dự.
Lực lượng vũ trang Cuba cho biết 13 binh sĩ Cuba đã mất tích sau khi xảy ra các vụ nổ tại một kho vũ khí ở tỉnh Holguin, Cuba, vào sáng ngày 7/1. Vụ việc được cho là do hỏa hoạn tại một công trường xây dựng.
Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump vừa đưa ra đề xuất yêu cầu các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP thay vì 2% như hiện nay. Theo ông, các quốc gia trong liên minh có khả năng chi tiêu lớn hơn và Mỹ không nên chi nhiều hơn châu Âu.
5 tháng sau khi Ukraine mở chiến dịch tấn công vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, tình hình ở đây đang nóng trở lại khi Kiev bất ngờ phát động một cuộc phản công mới. Đợt leo thang này diễn ra khi cả hai bên đều đang muốn cải thiện vị trí trên chiến trường trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà trắng và các cuộc đàm phán hòa bình có thể được tổ chức trong năm nay.
Trong cuộc họp báo ở Florida, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ám chỉ khả năng can thiệp quân sự vào châu Mỹ và Trung Đông, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề khác trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông.
Trong ngày 7/1, Tổ chức Y tế Thế giới đã có thông tin chính thức về virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - hMPV) tại Trung Quốc. Theo đó, đây không phải là loại virus mới. Loại virus này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2001, loại virus này đã tồn tại trong quần thể con người trong một thời gian dài.
0